Giới trẻ Hà thành tấp nập đi cầu tình duyên
Cách tìm niềm vui rất riêng của giới trẻ Hà thành trong đêm đông giá buốt Giới trẻ Hà thành mê mẩn với cúc họa mi đầu mùa Check in với hoa đào: Cách đón chào Tết của giới trẻ Hà thành |
Lặn lội từ TP HCM ra Hà Nội cầu duyên
Từ bãi gửi xe vào đến cổng chùa Hà, nhiều ki-ốt nhỏ bày bán vàng hương, hoa quả và viết sớ cầu may được vây kín bởi nhiều người trẻ.
Dọc đường đi vào Chùa Hà có rất nhiều quầy dịch vụ phục vụ các bạn trẻ vào dâng lễ cầu duyên |
Hòa vào dòng người đi lễ, chúng tôi đứng cạnh 5 cô gái trẻ đangchờ viết sớ tại bàn một thầy đồ lâu năm. Thầy khuyên, viết sớ to với giá 15 nghìn đồng/sớ, dâng lên ba ban. Sớ to này bao gồm cả cầu tài, cầu lộc, cầu duyên. Còn sớ nhỏ 7 nghìn đồng/sớ thì chỉ cầu an được thôi. Nghe thầy nói vậy, nhiều bạn gái không ngần ngại viết luôn sớ to để cầu duyên dịp cuối năm, hy vọng năm mới sớm gặp được ý trung nhân.
Trong đám đông chờ đợi viết sớ, bỗng vang lên chất giọng miền Nam ấm áp. Chúng tôi lân la bắt chuyện thì được biết, đó là Quỳnh Hương, 27 tuổi, đến từ Quận Bình Thạnh, TP HCM. hương ra Hà Nội thăm họ hàng.
Hương kể, cô ra Hà Nội lần này là lần thứ ba. Nghe mọi người bảo chùa Hà linh thiêng về đường tình duyên nên cô đến cầu may mắn.
“Hai lần trước tôi ra Hà Nội chưa có dịp đi chùa Hà. Lần này ra thăm họ hàng được mọi người mách nước, chùa Hà thiêng lắm cầu xin chuyện tình duyên rất linh nghiệm nên tôi quyết tâm đi bằng được”, Quỳnh Hương chia sẻ.
"Ở TP HCM, có chùa Ngọc Hoàng nổi tiếng linh ứng về chuyện cầu duyên và đường con cái. Tôi cũng có đến đó cầu nhưng vẫn chưa thấy ứng nghiệm với mình. Bạn tôi ra Hà Nội du lịch, cũng đến chùa Hà cầu duyên về Sài Gòn được vài tháng thì có người yêu và mới cưới. Điều đó làm tôi càng có niềm tin hơn", Quỳnh Hương chia sẻ thêm.
Không chỉ có Quỳnh Hương, Lan Anh, 25 tuổi cũng từ TP HCM đi lễ chùa Hà cầu cho tình duyên xuôi chèo mát mái.
“Mình đặt tour đi Hà Giang. Tranh thủ trước khi bay về TP HCM, mình đến đây để cầu cho tình duyên năm mới được may mắn, gặp đúng người, đúng thời điểm”, Lan Anh nói.
"Trước khi đi chùa Hà, mình cũng lên mạng và vào các hội nhóm tìm đọc thông tin. Có những bài viết chia sẻ rất tỉ mỉ về việc mua sắm đồ lễ như nào, lễ ban nào trước ban nào sau. Có nhiều bạn còn chia sẻ cả bài văn khấn cho những người lần đầu tiên đi lễ chùa Hà", Lan Anh kể thêm.
Viết xong sớ, chuẩn bị xong mâm đồ lễ chúng tôi cùng Quỳnh Hương và Lan Anh theo dòng người vào trong chùa.
Vớt vát hy vọng “thoát ế”
Chùa Hà trong ngày Rằm tháng Chạp, đông người từ sáng sớm, không khí vô cùng tấp nập. Trong dòng người vào lễ chùa, không chỉ có những người nhỡ thì, nhan sắc hạng trung, mà rất nhiều chàng trai cô gái thuộc dạng “công tử bạch mã”, “má phấn môi son” trẻ trung xinh xắn. Người thì có “hoàn cảnh” éo le cứ yêu được một thời gian lại chia tay, không đi đến đích cuối cùng. Người lại chưa từng một lần được biết đến hương vị tình yêu, mặc dù học thức, tiền bạc, ngoại hình chả kém cạnh gì ai.
Nhiều bạn trẻ sắp lễ mang vào chùa |
Có mặt từ sáng sớm, nhóm bạn của Lê Thị Thu Huyền (nhân viên ngân hàng) cho biết, họ đã hẹn nhau đi lễ chùa Hà cầu duyên từ mùng 1 nhưng có việc đột xuất nên hôm nay mới đến lễ chùa.
Cả bốn cô gái của nhóm đều làm nhân viên tại ngân hàng và đều chưa có người yêu, có người tình duyên không thuận - hợp tan, tan hợp. Thu Huyền mới chia tay mối tình thứ ba, dù đã có hơn 2 năm tìm hiểu. Gia đình bạn trai đã sang nói chuyện nhưng vẫn chưa thành đôi.
“Cả nhóm rủ nhau đi cầu duyên hy vọng năm mới chuyện tình duyên êm ấm, không còn cô đơn lẻ bóng”, Thu Huyền nói.
"30 rồi mà chuyện yêu đương, chồng con vẫn còn bấp bênh, bố mẹ lo lắng giục suốt. Mẹ mình còn làm lễ cắt giải tiền duyên nhưng cũng vẫn chưa gặp được người tâm đầu ý hợp. Chẳng biết phải làm sao nên cả nhóm rủ nhau đi chùa Hà cầu duyên mong thoát ế trong năm tới", Nhung, bạn của Huyền, nói.
Thu hút ánh nhìn của những người xung quanh là Lê Đức Huy, chàng trai cao 1m83, nhân viên một tập đoàn lớn. Vừa sắp lễ Huy vừa nói: “Năm vừa rồi, gia đình mình giục cưới ghê quá mà mình chưa có người yêu nên đến đây cầu mong năm mới đổi vận.
Mình có tìm đọc các tài liệu về chùa Hà thì cũng không thấy có thông tin gì liên quan đến việc cầu duyên cả nhưng mọi người rỉ tai nhau như vậy chắc là đúng. Vì thế, mình cứ thành tâm cầu xin biết đâu lại được trời Phật độ”, Đức Huy nói trong hào hứng.
Chen giữa những nam thanh nữ tú, một người phụ nữ có mái tóc hoa râm đang lẩm nhẩm lời thỉnh cầu. Hỏi ra mới biết cô là Đặng Thị Hòa (60 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đi cùng con trai đến chùa cầu duyên.
“Con cô làm lập trình mạng, mặt mũi sáng sủa mà chẳng hiểu sao 35 rồi vẫn chưa có người yêu. Họ hàng, bạn bè cũng mai mối giới thiệu nhiều lắm nhưng chẳng đâu vào đâu. Tranh thủ hôm nay, con được nghỉ nên cô rủ đi lễ cùng để cầu cho chuyện tình cảm được suôn sẻ”, cô Hòa tâm sự.
Cùng nỗi niềm của người mẹ có con “ế”, cô Trần Thị Mai Oanh (Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự: “Nhà có hai đứa con gái đều 30 rồi mà chưa đứa nào lập gia đình. Hai vợ chồng cô cứ như "ngồi trên đống lửa". Cứ thầy nó nói yêu ai là mừng nhưng một thời gian lại thấy nói chia tay. Cô đi lễ chùa đầu tiên là để cầu bình an cho cả gia đình, sau nữa là cầu cho hai đứa ở nhà nhanh nhanh có nơi có chốn, yên bề gia thất”.
Đến giờ vẫn chưa rõ thực hư việc đi chùa Hà câu duyên vào những ngày rằm, mùng 1 hàng tháng có linh nghiệm, chuyện tình duyên có suôn sẻ hay không song điều này mang lại niềm hy vọng cho các bạn trẻ. Mặt khác, việc đi lễ chùa còn là một phong tục đẹp trong văn hóa của người Việt, khiến mọi người sống hướng thiện và bao dung hơn.
Càng về chiều, chùa Hà càng nhộn nhịp. Các nam thanh nữ tú đến cầu duyên với một niềm tin mọi điều tốt đẹp nhất trong tình yêu sẽ đến với mình trong năm mới.