Đừng để đuối nước mãi là nỗi ám ảnh
Cảnh báo các vụ tai nạn đuối nước của trẻ nhỏ trong dịp hè Bắc Giang: Nam thanh niên đuối nước tại hồ điều hòa Khu đô thị Đông Vôi Bắc Giang: Tắm sông Thương, 1 cháu bé tử vong |
Dù những hồi chuông cảnh báo đã gióng lên từ lâu nhưng dường như tai nạn đuối nước vẫn luôn trực chờ. Điều đó cũng đặt ra vấn đề rằng, để giảm thiếu tai nạn đuối nước được hay không phụ thuộc rất nhiều vào các giải pháp đồng bộ từ gia đình, trường học, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan quản lý Nhà nước…
Bài 1: Liều mình để “giải nhiệt”
Những ngày hè, thời tiết Hà Nội oi bức, ngột ngạt. Nhiều người dân, thanh thiếu nhi bất chấp nguy hiểm vẫn ra sông, ao, hồ bơi lội. Thậm chí họ liều mình để “giải nhiệt” mặc cho bên cạnh là biển cấm, cảnh báo nước sâu, nguy hiểm.
Biến sông, hồ thành “bể bơi”
Gần đây thời tiết nắng nóng, có nơi mất điện luân phiên, nhiều người dân ở Hà Nội tìm đến các sông, hồ để bơi, tắm diễn ra khá phổ biến. Đáng nói, trong số những người đi “giải nhiệt” đó có không ít trẻ em. Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra chỉ vì vài phút bất cẩn của người lớn cộng với sự hiếu động của trẻ nhỏ, dẫn đến hậu quả khôn lường.
Hồ Linh Đàm trở thành "bãi tắm" của người dân, trẻ nhỏ Thủ đô ngay từ đầu mùa hè 2023 |
Khu vực hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) xuất hiện hàng trăm người dân, trong đó có cả trẻ em vui chơi dưới nước, mặc dù có biển cấm bơi bên cạnh. Hơn chục năm nay, cứ vào những ngày nắng nóng, ông Lê Đình Hoà (trú tại phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai) lại đến hồ Linh Đàm để bơi lội. Theo ông, buổi chiều ở đây đông người bơi sẽ vui hơn. Ở đây, có cả trẻ em, phụ nữ hoặc nhiều người không biết bơi cũng xuống hồ.
Một người tham gia bơi tại “bãi tắm tự phát” này cho biết: “Gia đình tôi ở quanh khu vực này, các cháu đều đã được học bơi và cũng biết bơi khá rồi, tranh thủ buổi chiều cho các cháu tiếp xúc với sông nước”. Nhiều người thường xuyên tắm ở hồ Linh Đàm còn không đọc biển cấm bơi đặt ở đây.
Có người chỉ chú ý đến khi mực nước dâng cao mới không dám xuống tắm, còn thời điểm này nước rút xuống sâu nên nhiều người chủ quan và chỉ tắm khi nào vắng bóng lực lượng chức năng. Nhiều bố mẹ, ông bà cùng con cháu bơi lội một cách thoải mái, mang theo những chiếc phao bơi tự chế, thậm chí có người bơi cách bờ hàng chục mét.
Một phụ huynh trú tại phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Bể bơi ở Hà Nội không nhiều, chi phí để vào bể bơi lại cao đối với những người thu nhập thấp. Chính vì thế, chúng tôi phải tận dụng sông, hồ để cho các con tập bơi, bản thân cũng mới được bơi lội thỏa thích”.
Không chỉ ở hồ Linh Đàm, nhiều khu vực sông, hồ: Sông Hồng, hồ Tây… trên địa bàn thành phố Hà Nội, cũng như các địa phương khác cũng rất nhiều người lớn, trẻ nhỏ, không mang phao bơi liều mình bơi ra xa bờ. Thậm chí, có người nói dù biết đã có nhiều vụ chết đuối nhưng do nhu cầu và không có điều kiện để đến bể bơi nên đành bơi ở sông, hồ đầy nguy hiểm.
Nhiều người lớn, trẻ nhỏ bơi ra giữa hồ mặc trời tối và nước sâu |
Mặc kệ biển cấm, cảnh báo nguy hiểm
Từ những ngày đầu tháng 5, khu vực bãi cát kéo dài thuộc phường Phú Thượng, hay khu vực hồ Tây thuộc khu vực phường Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội) trở thành điểm đến của nhiều người dân, trẻ nhỏ. Ai nấy đều vui vẻ "giải nhiệt" nhưng không biết nguy cơ đuối nước có thể đến bất cứ lúc nào.
Bạn nhỏ Nguyễn Hoàng Hải (trú tại quận Tây Hồ) chia sẻ, cậu thường ra bãi sông Hồng tắm vào buổi chiều. Trong khoảng thời gian từ 16h30 - 18h có khá đông người tắm. Nhiều bạn nhỏ như em tắm tại đây, vừa không mất phí mà nước lại mát, được bơi lội thoải mái.
Dù có biển cấm bơi, mọi người vẫn phớt lờ mặc kệ |
Theo chị Nguyễn Thị Thu Trà - một hướng dẫn viên bơi tại Hà Nội, mọi người không hình dung ra được ở lòng sông, hồ có sóng ngầm. Nếu lúc đó chúng ta không đủ sức khoẻ để tự đưa mình lên khỏi sóng ngầm thì sẽ bị hút xuống dưới và có thể xảy ra tai nạn đuối nước, ảnh hưởng đến tính mạng.
Từ những hành động liều mình để “giải nhiệt” của người dân Thủ đô có thể thấy, ngay tấm gương và trách nhiệm của chính các bậc phụ huynh đang ảnh hưởng xấu đến con trẻ, dẫn tới nguy cơ và tai nạn thương tích do đuối nước.
Đồng thời, trên thực tế, chúng ta có thể thấy, đa số các vụ đuối nước gây tử vong ở trẻ em đều có nguyên nhân từ sự lơ là, chủ quan, thiếu sự quan tâm, giám sát đầy đủ của gia đình. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ thiếu kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi bị đuối nước. Các địa phương và ngay cả Thủ đô Hà Nội còn thiếu sân chơi, bể bơi, bãi tắm an toàn cho trẻ. Đó cũng chính là những "nút thắt", luẩn quẩn chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt trong mỗi dịp trẻ nghỉ hè hay nghỉ lễ.
(Còn nữa)