Đề xuất bổ sung quy định phá sản ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về chuyển giao bắt buộc, phá sản tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt.
Giám sát "ông chủ" thực sự của các ngân hàng, tránh như vụ SCB Sai phạm chứng khoán, ngân hàng... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Theo đại biểu Dương Tấn Quân, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã quy định cơ bản đầy đủ các nội dung về thành lập, tổ chức lại, giải thể, phá sản các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, dự thảo luật cũng đã bổ sung các quy định về can thiệp sớm, phá sản tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, xử lý trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt.

Tuy nhiên, đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, tại Điều 1 của dự thảo luật phạm vi điều chỉnh hiện tại chưa bao hàm đủ các nội dung nêu trên.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung một số nội dung đã được điều chỉnh trong dự thảo luật, như chuyển giao bắt buộc, phá sản tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, xử lý trường hợp bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt vào phạm vi điều chỉnh tại Điều 1.

Đề xuất bổ sung quy định phá sản ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt
Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu).

Mặt khác, tại Điều 181 dự thảo có quy định: "Trường hợp phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt", nhưng chưa quy định trường hợp phá sản tổ chức tín dụng do kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán và không thuộc trường hợp phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Ông Quân cho rằng, theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Phá sản năm 2014, đối với trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi mất khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp nên có thể yêu cầu mở thủ tục phá sản khi mất khả năng thanh toán.

Vì vậy, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về phá sản các tổ chức tín dụng do kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán và không thuộc các trường hợp phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Đề xuất bổ sung quy định phá sản ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp).

Trước đó, góp ý vào dự thảo luật này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thống nhất với việc chỉnh lý các quy định liên quan tới chấm dứt sở hữu chéo, thao túng, chi phối ngân hàng.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, điều cốt lõi là phải có công cụ giám sát các "ông chủ", cổ đông lớn của ngân hàng là doanh nghiệp, để không xảy ra trường hợp tương tự như vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

“Hiện nay người ta nghĩ rằng tiền gửi của người dân đi vào các ngân hàng này lại không được đến tay của người vay thực sự, nhưng cổ đông hoặc ông chủ của ngân hàng lại vay rất dễ dàng. Tình hình này nếu chúng ta không kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn thì khả năng xảy ra như vụ SCB”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Trên cơ sở đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Ngân hàng Nhà nước quan tâm nhiều hơn vì theo thông tin ông nắm được thì hiện nay có ngân hàng của các ông chủ là doanh nghiệp, cần phải xem xét thật kỹ để đảm bảo.

Hậu Lộc
Phiên bản di động