Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với cán bộ chủ chốt Agribank

Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vừa có buổi làm việc với các cán bộ chủ chốt của Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam (Agribank).
Quốc hội chính thức thông qua việc tăng vốn cho Agribank, giảm 2% thuế VAT

Tại buổi làm việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong những tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Mặc dù kinh tế trong nước xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ảnh hướng lớn đến hoạt động của ngành ngân hàng.

Trong đó, biểu hiện rõ nhất là tăng trưởng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng thấp, mặc dù Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy. Lãi suất, tỷ giá chịu nhiều áp lực với mức độ biến động lớn.

Tất cả những diễn biến này ảnh hưởng không thuận lợi đến điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với cán bộ chủ chốt Agribank
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo hoạt động của Agribank.

Căn cứ diễn biến, tình hình thực tế hiện nay, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt hệ thống Agribank để nắm bắt thực tiễn công tác điều hành, kết quả triển khai các giải pháp cụ thể của Agribank, đồng thời tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất từ cơ sở.

Theo báo cáo của lãnh đạo Agribank, đến ngày 30/6/2024 tổng tài sản của ngân hàng tăng 1,8% so với ngày 31/12/2023; huy động vốn tại thị trường 1 đến ngày 30/6/2024 tăng 1,3% so với 31/12/2023; dư nợ toàn hệ thống Agribank đến ngày 30/6/2024 tăng 2,6% so với 31/12/2023; tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 giảm 0,02% so với cuối năm 2023…

Cũng tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cùng các Phó Thống đốc khác đã chủ trì các phiên thảo luận, trao đổi thông tin làm rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh hoạt động trong các các lĩnh vực: Thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, trong đó tập trung về việc giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với cán bộ chủ chốt Agribank
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc.

Cùng đó là nâng cao hiệu quả công tác quản trị hoạt động ngân hàng, trong đó tập trung vấn đề phát hiện, nhận diện, cảnh báo và xử lý rủi ro, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của người đại diện vốn, ban điều hành, ban kiểm soát; triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Agribank giai đoạn 2021-2025...

Kết luận buổi làm việc, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Agribank trong việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh, các nhiệm vụ chính trị được giao trong thời gian qua và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động.

Nhờ đó, Agribank tiếp tục là ngân hàng có hệ thống mạng lưới đứng đầu và quy mô tín dụng đứng thứ hai toàn hệ thống; luôn tiên phong, đi đầu, phát huy tốt vai trò chủ đạo trong triển khai các chủ trương, chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với cán bộ chủ chốt Agribank
Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank phát biểu tại buổi làm việc.

Agribank cũng là một trong các ngân hàng có tiến độ xây dựng, trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sớm nhất. Đến nay, nhà băng này đã triển khai đồng bộ 11 nhóm mục tiêu, giải pháp và bước đầu đạt được những chuyển biến tích cực.

Đồng thời, Agribank luôn chú trọng, đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, thói quen của người dân nông thôn trong hoạt động thanh toán, nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại và giảm thiểu rủi ro trong thanh toán.

Trong thời gian tới, Thống đốc yêu cầu Agribank tếp tục phát huy tốt vai trò chủ đạo ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước trong việc dẫn dắt thị trường, đi đầu trong thực hiện chủ trương chính sách của Chính phủ và của Ngành về tiền tệ, tín dụng và tiếp tục giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả, thực chất, công khai, minh bạch các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là các giải pháp thúc đẩy tín dụng và giảm lãi suất cho vay.

Trong đó, Agribank cần có các giải pháp thiết thực để đẩy mạnh hơn nữa tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để đảm bảo thực hiện tốt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao.

Bên cạnh đó, ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương chủ động nắm bắt và tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả, thực chất; nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông để truyền tải sâu rộng các chương trình, chính sách, giải pháp hỗ trợ về tín dụng, lãi suất…

Trong công tác quản trị hoạt động, ngân hàng cần chú trọng quản trị rủi ro thường xuyên, liên tục, từ sớm, từ xa trên toàn diện tất cả các mặt hoạt động. Trong đó lưu ý trong hoạt động cấp tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên mức độ tập trung tín dụng đối với một khách hàng, nhóm khách hàng và lĩnh vực cho vay; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ dư nợ, không để nợ xấu mới phát sinh, làm tốt công tác quản lý nợ xấu và xử lý nợ xấu … không để phát sinh tiêu cực, thất thoát.

Ngoài ra, ngân hàng cần thường xuyên nhận diện, phát hiện và triển khai các giải pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả; tăng cường kiểm tra, đối chiếu công nợ của khách hàng (đặc biệt là đối với khách hàng là doanh nghiệp có dư nợ lớn) để kịp thời phát hiện, phòng ngừa, cảnh báo và xử lý rủi ro tín dụng; kiểm soát chặt chẽ, không để thất thoát vốn Nhà nước đối với các hoạt động đầu tư...

Hậu Lộc
Phiên bản di động