Giám sát "ông chủ" thực sự của các ngân hàng, tránh như vụ SCB
Có 4 - 5 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt là "hết sức nguy hiểm" Bộ Tài chính nhận nhiều đơn thư liên quan đến SCB, Vạn Thịnh Phát |
Góp ý vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thống nhất với việc chỉnh lý các quy định liên quan tới chấm dứt sở hữu chéo, thao túng, chi phối ngân hàng.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, điều cốt lõi là phải có công cụ giám sát các "ông chủ", cổ đông lớn của ngân hàng là doanh nghiệp, để không xảy ra trường hợp tương tự như vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
“Hiện nay người ta nghĩ rằng tiền gửi của người dân đi vào các ngân hàng này lại không được đến tay của người vay thực sự, nhưng cổ đông hoặc ông chủ của ngân hàng lại vay rất dễ dàng. Tình hình này nếu chúng ta không kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn thì khả năng xảy ra như vụ SCB”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). |
Trên cơ sở đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Ngân hàng Nhà nước quan tâm nhiều hơn vì theo thông tin ông nắm được thì hiện nay có ngân hàng của các ông chủ là doanh nghiệp, cần phải xem xét thật kỹ để đảm bảo.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu thực tế, thời gian qua, trong các tổ chức tín dụng có hiện tượng tập trung cho vay quá lớn vào một số ít khách hàng, cho vay doanh nghiệp hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp “sân sau”.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhất trí cần sửa đổi quy định về giới hạn cấp tín dụng, giảm mức dư nợ tối đa đối với một khách hàng và người có liên quan để hạn chế tập trung vốn cho một hay nhóm khách hàng lớn theo lộ trình cụ thể.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai). |
Tương tự, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, từ thực tế vụ SCB và thực trạng hiện nay có 3 vấn đề đang tạo nên những rủi ro rất lớn cho hệ thống là sở hữu chéo, chi phối và thao túng tổ chức tín dụng cần phải tiếp tục được nhận diện để xử lý, loại trừ.
“Sở hữu chéo, chi phối và thao túng là các thủ thuật rất tinh vi và thường là vô hình. Tuy nhiên với đối tượng vô hình và thường xuyên biến đổi này ta lại dùng các công cụ như luật đang thiết kế thì sẽ khó mang lại hiệu quả như mong muốn", đại biểu Trịnh Xuân An nói.
Đại biểu Trịnh Xuân An chỉ rõ, cốt lõi nằm ở vấn đề quản trị, nên để chống sở hữu chéo, thao túng, chi phối thì yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân, tổ chức là nào chủ sở hữu thực sự của ngân hàng.
Do vậy, theo đại biểu Trịnh Xuân An, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân, tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng.