Để trẻ có một kỳ nghỉ hè bổ ích, ý nghĩa...
Thí sinh tự tin đi thi, phụ huynh thấp thỏm lo lắng Thí sinh 2k7 và kỳ nghỉ hè “tận hưởng” |
Thả “hổ” về rừng
Trên các nền tảng mạng xã hội, tìm kiếm từ khóa “nghỉ hè” sẽ cho ra kết quả là các video clip quay lại cảnh ông, bà, chú, dì,… trong gia đình đang tất tả chạy ngược xuôi khắp làng trên xóm dưới để tìm các “cậu ấm, cô chiêu” trốn nhà đi chơi. Hầu hết, trong tay các “khổ chủ” là những món đồ có sức đe dọa như cành tre, que gỗ,… cùng những tiếng hét vang vọng gọi tên những nhóc tì ham chơi quay về nhà.
Phụ huynh "khóc thét" khi các con, cháu hồ hởi với kỳ nghỉ hè |
Chị Trần Thị Thu Trang (Thái Bình) có 2 cậu con trai 10 tuổi và 7 tuổi. Vợ chồng chị đi làm cách nhà 18km nên trong dịp hè, anh chị phải luân phiên gửi con sang nhà ông bà nội, ngoại nhờ trông hộ. Tuy nhiên, chỉ sau 1 tuần ngắn ngủi, chị bất ngờ khi thấy cái chân đau của bố chồng lại trở nặng, rồi bà ngoại lại than đau đầu, chóng mặt, các chú, dì cũng ngán ngẩm lắc đầu. Hỏi ra mới biết, 7 ngày thì cả 7 ngày hai cậu quý tử nhà chị đồng lõa trốn nhà đi chơi từ sáng tới đầu giờ chiều, “báo hại” người trong nhà phải bỏ dở việc để chạy đi tìm cháu về.
“Mình chưa lường trước được vấn đề này” – chị Trang cười khổ - “Trong năm học, hai cháu luôn có sự kèm cặp, quản lý của các cô giáo và nhà trường. Nhưng nghỉ hè năm nay, cậu cả cũng đã lớn và khá tinh nghịch, luôn rủ rê em trai đi chơi cùng. Gửi con về quê vừa để nhờ ông bà trông cháu nhưng cuối cùng ông bà bệnh còn nặng hơn, đến cả em gái, em rể của mình cũng phát mệt khi phải chăm sóc hai đứa. Mình và chồng cảm thấy có lỗi khi “bắt vạ” ông bà và các em trông cháu nên quyết định gửi hai bạn nhỏ đi học thêm hai lớp năng khiếu trong tuần để bớt thời gian cho gia đình được nghỉ ngơi”.
Các "báo thủ" nhí không không hành động một mình mà thường kéo theo "đồng phạm" để được nhẹ tội |
Như trường hợp vợ chồng chị Trang, trẻ em ở các khu vực thành thị khi nghỉ hè thường được bố mẹ đưa về quê hoặc gửi sang nhà ông bà để “nhờ vả” chăm sóc. Không gian phố thị bí bách, thiếu nơi thoáng đãng để vui chơi nên khi được về quê, thoát khỏi sự kèm cặp nghiêm khắc của bố mẹ, lại được ông bà chiều chuộng, các con ngoan trò giỏi tha hồ “rộng cẳng” chạy nhảy, vui chơi ở đồng ruộng, sân bãi thênh thang. Nhưng chỉ được vài ngày, hội đồng bô lão và các anh chị em của bố mẹ cũng phải “chào thua”, gửi trả các “đối tượng” về “nơi sản xuất” để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần.
Nhiều bậc phụ huynh đang công tác trong quân đội có lựa chọn linh hoạt khi đưa con cùng đi làm. Trong khu doanh trại, cây cối xanh mát cùng không gian rộng lớn rất thích hợp cho các bạn trẻ vui chơi. Ngoài ra, các đồng đội rất nhiệt tình bế ẵm, trông nom các con nên các ông bố, bà mẹ cũng đỡ lo đôi phần.
Người chú quân nhân xịn cũng bất lực với ông cháu "đặc công nhí" |
Nhưng ngay cả các chiến sĩ quân nhân gan lì cũng phải chịu thua trước những màn đuổi bắt bất tận cùng lũ “giặc nhí” quanh doanh trại. Nhiều chú bộ đội đã phải “khóc thét” khi lang thang đi tìm các cháu về ăn cơm, ngủ trưa… vã mồ hôi như tắm dưới cái nắng chói chang.
Anh Lê Minh Quân (Cầu Giấy) nhận xét: “Trong thời gian nghỉ hè, mình nghĩ tốt nhất nên cho các con tham gia câu lạc bộ, lớp năng khiếu hoặc các chương trình giáo dục thể chất lành mạnh. Đặc biệt, mình rất chú trọng các lớp dạy bơi, lớp học sơ cứu hay phòng cháy chữa cháy, luật giao thông… Những hoạt động này không chỉ giúp các con nâng cao sức khỏe mà còn là cơ hội để bạn nhỏ tiếp xúc, giao lưu với bạn bè cùng trang lứa, tăng khả năng giao tiếp, xử lý tình huống trong cuộc sống”.
"Tác phẩm" của các cháu khi thấy sân phơi đầy thóc vàng ươm của ông bà, cô chú |
Nâng cao kỹ năng sống cho trẻ em
Mùa hè là mùa tự do của các bạn nhỏ. Đồng thời là mùa của vô số hoạt động vui chơi, nghỉ dưỡng ngoài trời diễn ra. Việc đảm bảo một môi trường lành mạnh, an toàn cho trẻ em là yếu tố quan trọng mà các phụ huynh cần ưu tiên khi đưa ra lựa chọn trong kỳ nghỉ hè cho con em.
Bơi lội là hoạt động được nhiều phụ huynh hưởng ứng cho các thanh thiếu nhi tham gia tích cực vào mỗi dịp hè. Không chỉ tạo ra không gian mát mẻ với nhiều bài học thể chất lành mạnh, bơi còn là kỹ năng sinh tồn vô cùng cần thiết trong cuộc sống. Số vụ tai nạn đuối nước tại Việt Nam đã giảm 50 % từ gần 4.000 vụ/năm xuống còn 2.000 vụ/năm trong vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và thế giới thì nước ta vẫn nằm ở con số cao. Vậy nên việc huấn luyện bài bản kỹ năng bơi lội cho trẻ phòng trường hợp đáng tiếc xảy ra là điều nên được ưu tiên trong danh sách các hoạt động hè.
Lưu ý phòng chống đuối nước cho trẻ do Bệnh viện Nhi Trung ương phát hành |
Chị Diễm Hà (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, cả hai con của chị luôn được bố mẹ đăng ký tham gia các lớp học bơi vào mỗi mùa hè, điều này đã trở thành thói quen trong gia đình trong nhiều năm. Chị Hà nói: “Dù có biết bơi đi chăng nữa thì mỗi năm tôi vẫn cho các cháu học “nhắc lại”. Chúng ta không thể lường trước được những sự việc hi hữu nên tôi và chồng chủ trương “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Việc phụ huynh có đôi lúc lơ là, mất cảnh giác khi trông con là điều khó tránh khỏi. Dạy cho các con kỹ năng tự bảo vệ bản thân, sinh tồn trước những tình huống bất ngờ rất quan trọng, đặc biệt là các tình huống tai nạn sông nước khó đoán có thể xảy ra”.
Ngoài ra, các bố mẹ trẻ còn có những phương pháp thiết thực để vừa quản lý, giáo dục và phát triển kỹ năng sống cho con cái ngay tại nhà. Có thể kể đến như việc “thuê” trẻ làm việc nhà hàng ngày. Anh Đào Lê Anh (Hạ Long, Quảng Ninh) đã áp dụng “thẻ tích điểm” cho hai cô con gái vào dịp nghỉ hè. Cụ thể, hai chị em sẽ giúp bố mẹ, ông bà làm các việc như quét nhà, tưới cây, tắm cho thú cưng, học thuộc các bài thơ hay,... để tích điểm “chăm ngoan”. Sau một khoảng thời gian nhất định, anh Lê Anh và vợ sẽ dựa trên độ “chăm ngoan” để thưởng cho hai con, khi thì một chuyến đi chơi đảo, có lúc là những cuốn truyện mới hay đơn giản chỉ là một bữa ăn kem vui vẻ cùng gia đình.
Khuyến khích trẻ làm việc nhà cùng người lớn là biện pháp giáo dục hiệu quả, đồng thời tăng sự gắn kết, thấu hiểu giữa các thành viên trong gia đình |
“Đó là một biện pháp giúp cha mẹ gần gũi và thấu hiểu con cái hơn” – anh Lê Anh chia sẻ - “Các con sẽ ý thức được sự vất vả, bận rộn của bố mẹ và ông bà, hiểu được mệt mỏi vì làm việc ra sao... Từ đó, các bạn nhỏ sẽ năng nổ hỗ trợ công việc nhỏ trong nhà nhiều hơn để đỡ đần cho người lớn. Ngoài ra, khi đặt ra mục tiêu hấp dẫn, trẻ em sẽ có xu hướng cạnh tranh và phấn đấu tốt hơn để đạt được các phần thưởng mong muốn. Tôi cho rằng, các con sẽ rèn luyện được nhiều kỹ năng, phẩm chất tốt qua các “nhiệm vụ” lành mạnh trong mùa hè này”.
Ngoài các hoạt động đã kể trên, các phụ huynh có thể cho con em tham gia học kỳ quân đội và khóa tu mùa hè để rèn luyện cả thể chất lẫn tinh thần. Học kỳ quân đội là chương trình rèn luyện kỷ luật và tự lập, thường kéo dài từ một đến hai tuần tại các đơn vị quân đội. Trẻ sẽ tham gia các hoạt động như tập luyện thể dục, huấn luyện quân sự và làm việc nhóm, giúp phát triển kỹ năng mềm, tăng cường sức khỏe và ý thức trách nhiệm.
Học kỳ quân đội luôn là lựa chọn lý tưởng của các phụ huynh để các nhóc tỳ "vào khuôn khổ" |
Khóa tu mùa hè tổ chức tại chùa hoặc thiền viện, giúp trẻ rèn luyện tâm hồn qua thiền định, tụng kinh và nghe giảng pháp. Trẻ học cách sống chánh niệm, giảm căng thẳng và phát triển lòng biết ơn, từ bi. Đây là cơ hội để trẻ sống hòa đồng, tôn trọng người khác và hiểu rõ giá trị cuộc sống.
Dù cho con về quê với ông bà hay ở lại thành phố, phụ huynh cần quan tâm để kỳ nghỉ hè của con đầy ý nghĩa và an toàn. Lựa chọn hoạt động mùa hè phù hợp sẽ giúp trẻ có trải nghiệm trọn vẹn, toàn diện hơn, nuôi dưỡng cả tâm hồn và thể chất của trẻ phát triển lành mạnh, an toàn trong tương lai.