“Đánh thức” niềm đam mê đọc sách cho giới trẻ
Giới trẻ Việt bảo vệ môi trường: Từ trào lưu đến hành động thực tiễn Hà Nội - Thành phố của giới trẻ... "Khát vọng của người trẻ là cốt yếu hệ sinh thái khởi nghiệp Việt" |
Hội sách Hà Nội 2019 ngay từ ngày khai mạc đã thu hút khá đông đảo độc giả trẻ. Đáng chú ý là nếu như mọi năm sách ngôn tình được độc giả trẻ quan tâm hàng đầu thì nay vị trí đó đã thuộc về văn học châu Âu, Mỹ, sách trinh thám, sách kĩ năng, sách bồi dưỡng kiến thức. Sách ngoại văn cũng được nhiều học sinh, sinh viên tìm mua.
Hội sách Hà Nội 2019 thu hút nhiều độc giả trẻ |
Tra cứu mục từ “Văn hóa đọc” trên trang tìm kiếm google có đến 60.400.000 kết quả trong vòng 0,32 giây. Điều này cho thấy, văn hóa đọc thực sự thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đặt trong bối cảnh hội nhập và phát triển ở Việt Nam, vấn đề nghiên cứu văn hóa đọc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Một mặt nó giúp chúng ta có cái nhìn bao quát thành tựu hoạt động đọc, đánh giá được thực trạng văn hóa đọc, những hạn chế để từ đó có giải pháp và kiến nghị, định hướng, chỉ dẫn đọc cho công chúng, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay.
Thuật ngữ Văn hóa đọc đến thời điểm hiện tại chưa có trong mục từ điển, chưa được coi là một định nghĩa hay khái niệm hoàn chỉnh và thống nhất. Trong thời đại bùng nổ thông tin, khoa học kỹ thuật phát triển, văn hóa đọc không chỉ giữ phương thức đọc truyền thống (sách in) mà chuyển sang phương thức hiện đại (đọc trên các thiết bị điện tử máy tính, internet, điện thoại...) đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của độc giả trong đó có giới trẻ. Điều này cho thấy văn hóa đọc cần khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội. Theo Thạc sỹ Bùi Văn Vượng, thuật ngữ văn hóa đọc là đọc sách có văn hóa, hay xây dựng một xã hội đọc sách. Tiến sỹ Lê Văn Viết lại quan niệm đọc ở một mức độ, trình độ nhất định nào đó thì mới được coi là văn hóa đọc. Còn PGS.TS nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình khẳng định: “Văn hóa đọc chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta đối với tri thức sách vở. Phải biết đọc sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sao cho hợp với quy luật tiếp nhận tri thức”
Nhớ lại khoảng 20 - 30 năm về trước, lúc đó việc đọc sách, đọc truyện trở thành thói quen của đông đảo mọi người, nhất là đối với lứa tuổi học trò, lớp thanh niên. Mọi người háo hức chuyền tay nhau những cuốn sách sờn rách, thậm chí thiếu trang, mất chữ, ngấu nghiến đọc rồi hả hê cùng túm năm, tụm ba tranh luận với nhau về những gì vừa đọc. Đó là những kỉ niệm đẹp còn in đậm nét trong tâm trí nhiều người thuộc các thế hệ 6X, 7X thời ấy.
Thời tôi còn bé, thi thoảng được mẹ cho vài đồng lẻ mua quà bánh nhưng không mua quà mà để tiền đó mua sách, truyện về đọc. Những cuốn sách của Dumas, La Fontaine, Victor Hugo, Jack London, Makxim Gorky, La Quán Trung, Ngô Thừa Ân... đã thật sự cuốn hút tâm hồn tôi suốt những tháng năm của tuổi trẻ. Thời đó, sách không ra đủ bộ như bây giờ. Khi đọc hết tập cũ là tôi lại đạp xe lên tận nhà xuất bản để ngóng xem đã có tập mới hay chưa.
Ở nước ta trong mấy chục năm qua, văn hóa đọc đã có những bước phát triển vượt bậc. Trước năm 1975, cả hai miền Bắc và Nam xuất bản hàng năm được khoảng chưa đầy 4.000 tên sách, ngày nay hàng năm xuất bản khoảng xấp xỉ 25.000 tên sách, tăng gấp 6 lần, gần đây tốc độ gia tăng hàng năm khoảng 10%. Cả nước hiện nay đang xuất bản khoảng gần 400 tên báo, tạp chí, nhiều báo có số lượng xuất bản mỗi số lên tới 500.000 bản.
Trước năm 1975, hệ thống thư viện công cộng mới chỉ được phát triển rộng khắp trên các tỉnh miền Bắc và vươn tới gần hết các huyện. Còn ở miền Nam, hệ thống thư viện công cộng hầu như chưa được phát triển, thư viện công cộng mới chỉ có ở một số thành phố lớn như Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt...
Ngày nay, hệ thống thư viện công cộng đã phát triển từ tỉnh tới huyện và đang vươn tới nhiều xã trên toàn quốc, khắp từ Bắc tới Nam, bao gồm 64 thư viện tỉnh, 587 thư viện huyện và khoảng 10.000 thư viện và tủ sách cơ sở ở xã. Trong loại thư viện phục vụ công chúng rộng rãi còn phải kể tới 10.000 tủ sách pháp luật xã và cũng khoảng trên 10.000 điểm bưu điện văn hóa xã. Tại các vùng nông thôn Việt Nam đã có khoảng 3 vạn điểm đọc sách báo cho người dân. Quy mô của các thư viện tỉnh và huyện ngày càng được mở rộng về số lượng bản sách, nhân viên phục vụ, trụ sở thư viện và kinh phí hoạt động...
Các thư viện tỉnh đang trong giai đoạn tự động hóa, chuyển đổi từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử/thư viện số. Các bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng đã tạo cho hệ thống thư viện công cộng có sự gần gũi, thân thiện với mọi người dân trên khắp mọi miền đất nước...
Ngoài ra còn có các hệ thống thư viện khác như: Thư viện trường phổ thông, thư viện trường đại học, thư viện khoa học kĩ thuật, thư viện quân đội... có mặt tại hầu khắp các cơ quan chủ quản.
Trong nhiều năm gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã cho thấy sự xuất hiện hay đúng hơn là sự phát triển của các thư viện tư nhân, thư viện gia đình với những bộ sưu tập rất có giá trị và phong phú, không chỉ có ở các thành phố mà còn được phát triển ở các vùng nông thôn.
Trong hơn 10 năm qua đã xuất hiện trong đời sống xã hội chúng ta những điểm bưu điện văn hóa xã, những điểm đọc báo tạp chí mới trên nhiều vùng nông thôn rộng lớn. Tuy nhiên, điểm hạn chế của những nơi này là tài liệu đọc còn nghèo nàn, cách phục vụ đọc chưa chuyên nghiệp.
Trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đại chúng và các tiện ích xã hội như báo điện tử, truyền hình, facebook, youtube… tưởng chừng như không còn chỗ cho việc đọc sách, người đọc không còn hứng thú với sự đọc. Sách in không “cạnh tranh” được với sách điện tử tiện ích, cập nhật thông tin. Mặt khác, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nhiều vấn đề cấp bách như kinh tế, môi trường, chính trị, văn hóa đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, giao lưu giữa nhiều quốc gia. Đây là cơ hội thuận lợi để phát triển văn hóa nhưng cũng là khó khăn thách thức cho văn hóa đọc.
Trong nhiều năm trở lại đây xuất hiện một loạt tạp chí với mục đích giới thiệu, hướng dẫn đọc như: Tạp chí Xuất bản Việt Nam, Người đọc sách, Sách và Đời sống của cơ quan quản lí nhà nước, của hội nghề nghiệp và của nhà xuất bản lớn cho công chúng rộng rãi. Đồng thời trên các phương tiện truyền thông đại chúng như vô tuyến truyền hình, đài truyền thanh, các báo hàng ngày, báo tuần, tạp chí cũng có giới thiệu, hướng dẫn đọc thường xuyên hơn trước đây.
Thiết nghĩ, cho dù xã hội phát triển đến đâu thì việc đọc sách vẫn được đặc biệt coi trọng, đó là nhu cầu tinh thần cần thiết. Bởi văn học với người đọc luôn vĩnh cửu, trường tồn với thời gian nó là sự kết nối với truyền thống và hiện đại, giải trí và thẩm mĩ, nhận thức và giáo dục đối với công chúng nói chung và giới trẻ nói riêng.