Đại biểu Quốc hội ủng hộ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá
Cân nhắc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại thuốc lá mới Cần đánh giá kỹ tác động việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá |
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) bày tỏ đồng thuận với việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá và cho rằng mặt hàng này gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường và là hiểm họa của các vụ cháy nổ.
Từ những tác động tiêu cực của thuốc lá, đại biểu Dương Khắc Mai lựa chọn áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này theo phương án 2 (2.000 đồng/bao từ năm 2026; 4.000 đồng/bao từ năm 2027; 6.000 đồng/bao từ năm 2028; 8.000 đồng/bao từ năm 2029; 10.000 đồng/bao từ năm 2030), hợp lý cho chính sách phát huy hiệu quả nhanh chóng trong thực tiễn, có khả năng giảm tiêu thụ nhanh hơn và ở mức độ lớn hơn.
Ngoài ra, để quy định trên được hoàn thiện, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị quy định xem xét, quy định mức thuế tuyệt đối đối với thuốc lá điếu được tính bằng “bao” cho phù hợp, vì theo quy định tại Điều 24 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, số lượng điếu thuốc lá đóng gói trong một bao thuốc lá không được ít hơn 20 điếu.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông). |
Trường hợp quy định như dự thảo Luật thì doanh nghiệp có thể sản xuất số lượng lớn hơn 20 điếu/bao và mục đích giảm tỷ lệ hút thuốc lá và sửa đổi để áp mức thuế tuyệt đối so với luật hiện hành sẽ không đạt được. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo dự án luật cần quy định rõ hơn đối với nội dung này.
Tương tự, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cũng nhấn mạnh, thuế tiêu thụ đặc biệt có một chức năng quan trọng là nhằm định hướng hành vi người tiêu dùng, để bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Thực tế cho thấy việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên, chi phí y tế của nước ta tốn nhiều vào việc điều trị các loại bệnh tật, đặc biệt là bệnh tiểu đường và bệnh phổi.
Do vậy, đại biểu Nghĩa đề nghị cần phải quyết liệt trong thực hiện áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá; cần đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2045, Việt Nam có thể trở thành quốc gia không còn người hút thuốc lá.
Nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) bày tỏ ủng hộ sự cần thiết của dự thảo luật, đồng thời nhất trí với chủ trương tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, bởi đây là mặt hàng có hại cho sức khỏe, không khuyến khích sử dụng.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình). |
“Việc tăng thuế nhằm mục đích giảm nhu cầu sử dụng, tăng thu cho ngân sách Nhà nước là cần thiết, phù hợp với chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá”, đại biểu nêu quan điểm.
Tuy nhiên, đại biểu Cường đề nghị cần xem xét thận trọng và căn cứ vào tình hình thực tiễn hiện nay của nước ta để cân nhắc, tính toán kỹ về mức tăng và lộ trình tăng, nhằm đảm bảo phù hợp, tính hiệu quả của chính sách và đạt được mục tiêu đề ra.
Đại biểu Cường cũng bày tỏ lo ngại về việc tăng thuế quá cao và nhanh chóng sẽ dẫn đến gia tăng buôn lậu thuốc lá, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội và không đạt được mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng.
Đại biểu cho biết, hiện nay, công tác chống buôn lậu thuốc lá đã được tăng cường, đạt một số kết quả nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Thuốc lá lậu vẫn còn tràn lan, công khai, dễ mua, công tác đấu tranh gặp nhiều khó khăn. Những hạn chế này không thể một sớm một chiều khắc phục ngay được mà đòi hỏi cần có quyết tâm cao và thời gian, lộ trình nhất định.
Theo đại biểu, việc tăng thuế trong khi công tác chống lậu chưa đáp ứng yêu cầu sẽ là vấn đề hết sức cân nhắc để tránh những hệ lụy tai hại.
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (đoàn Đồng Nai). |
Tương tự, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (đoàn Đồng Nai) cũng đồng tình với việc điều chỉnh tăng thuế đối với thuốc lá để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và cho rằng, với mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc và bảo vệ sức khỏe người dân, chúng ta đang áp dụng đồng thời các công cụ, trong đó có thuế.
Đại biểu Hằng cho biết, bắt đầu từ năm 1999, chúng ta áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với mức 45%, tăng dần cho đến năm 2019 là 75% và duy trì đến nay. Trong đó, từ năm 2016, mức tăng tại mỗi lần điều chỉnh chỉ 5% và khoảng thời gian giữa các lần tăng từ 3 đến 4 năm.
Đại biểu cho rằng, đây là mức tăng và lộ trình phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng. Điều này cũng giúp doanh nghiệp ngành sản xuất thuốc lá có đủ thời gian để chuẩn bị, hoạch định được chiến lược và chính sách phù hợp, sản xuất ổn định và tăng hiệu quả đóng góp ngân sách nhà nước.
Về việc chống mua bán thuốc lá bất hợp pháp, theo số liệu của Bộ Công thương, từ năm 2019 đến tháng 10/2024, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với thuốc lá lậu khoảng 48 tỷ đồng, số lượng tịch thu trong năm cao nhất là gần 700.000 bao thuốc lá các loại. Kết quả này còn khá ít ỏi so với thực trạng của thuốc lá lậu. Năm 2023 đã có khoảng 540 triệu bao thuốc lá nhập lậu được tiêu thụ tại thị trường nội địa, gây thất thu thuế tiêu thụ đặc biệt gần 4.000 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động toàn diện để có lộ trình và mức tăng thuế phù hợp đối với thuốc lá. Đồng thời, cần có các biện pháp áp dụng đồng bộ và hữu hiệu các công cụ, không nên chỉ tập trung vào việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.