Công trình thể hiện ý chí, khát vọng cống hiến của thanh niên Thủ đô
Khu Tây Hà Nội: Điểm đến kiến tạo không gian sống lý tưởng cho cư dân Thủ đô Hà Nội lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung tầm nhìn đến năm 2050 |
Đây là niềm tự hào của ông Lê Văn Ba, nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội khi được trực tiếp góp sức xây dựng Công viên Thống Nhất.
Dù đã gần 90 tuổi nhưng không khí của ngày tham gia xây dựng Công viên Thống Nhất chưa hề phai nhạt trong ký ức của ông Ba.
Sau ngày Gải phóng Thủ đô (10/10/1954), thành phố bắt tay vào khôi phục và phát triển kinh tế. Chiều thứ bảy hằng tuần, người dân tấp nập tham gia tổng vệ sinh. Chủ nhật là “Ngày lao động kiến thiết Tổ quốc”, các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thanh niên, học sinh nô nức kéo nhau đi san nền, đào móng xây dựng các nhà máy Cơ khí Hà Nội, Diêm Thống Nhất, gỗ Cầu Đuống...
Ông Lê Văn Ba, nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội |
Thời kỳ đó, mọi người làm việc 6 ngày trong tuần, chỉ được nghỉ Chủ nhật. Tuy nhiên, trên công trường xây dựng Công viên Thống Nhất, nạo vét sông Tô Lịch, làm đường Thanh Niên... mỗi ngày có hàng nghìn thanh niên làm việc hăng say.
Công viên Thống Nhất được xây dựng nên từ hàng chục vạn ngày công lao động của thanh niên Hà Nội từ cuối năm 1958 đến tháng 5/1961.
“Thực hiện nhiệm vụ của Đảng giao, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức “Ngày lao động kiến thiết Thủ đô”, “Ngày lao động cộng sản”. Cứ vào thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần, Thành đoàn Hà Nội lại tập hợp quân số (hàng nghìn thanh niên) gồm thanh niên đường phố, thanh niên trường học tham gia lao động tại công trình Công viên Thống Nhất. Khi đó, tôi là một đoàn viên của Thành đoàn Hà Nội đã trực tiếp tham gia lao động tại đây”, ông Ba nhớ lại.
Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng ông vẫn nhớ khí thế sôi sục, náo nức của thanh niên trên công trường lao động ngày đó. Thanh niên vừa lao động vừa hò hát vui vẻ. Phong trào lôi cuốn mọi tầng lớp thanh niên cùng tham gia góp sức.
Công trường xây dựng Công viên Thống Nhất (ảnh tư liệu) |
“Ngày đó, có những cậu công tử, cô tiểu thư vốn không quen lao động nên ngày đầu rất ngần ngại. Thậm chí, ban đầu họ còn lấy giấy nhật trình (giấy báo) để quấn cán chổi khi vệ sinh môi trường nhưng đã nhanh chóng hòa mình vào không khí lao động xây dựng công trình Công viên Thống Nhất. Dù lấm lem bùn đất nhưng khi vượt qua được mọi người cảm thấy vô cùng tự hào và thấm thía câu nói “lao động là vinh quang”, ông Ba kể.
Ngoài thành quả lao động, trên công trường Công viên Thống Nhất ấy đã hình thành nên tình bạn, tình yêu đôi lứa. Bản thân ông Ba cũng quen với vợ từ những ngày lao động trên công trường đặc biệt này.
Theo ông Ba, Công viên Thống Nhất rộng trên 50 ha, trong đó có hồ Bẩy Mẫu và hai đảo: Thống Nhất và Hòa Bình. Từ năm 1954, khi đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc, thống nhất đất nước luôn là nguyện vọng to lớn của toàn dân tộc. Cho nên, khi công viên được xây dựng nên bằng việc cải tạo vùng đầm lầy và bãi rác cũ của ba làng Vân Hồ, Thể Giao và Thiền Quang thì việc đặt tên như vậy thể hiện tình cảm lớn lao của người dân Việt Nam.
Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn (trong Công viên Thống Nhất) được các cơ sở Đoàn Thủ đô lựa chọn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống |
“Đây cũng là công trường thể hiện khát vọng, sức trẻ của thanh niên Thủ đô. Chúng tôi tự hào khi được góp sức trẻ biến một nơi là bãi rác, đầm lầy thành một công trình tươi đẹp của Thủ đô. Sau này có con, vợ chồng tôi thường đưa các cháu đến đây chụp ảnh bởi tự hào lắm khi Công viên Thống Nhất được đón Bác Hồ đến thăm và trồng cây đa lưu niệm”, ông Ba chia sẻ.
Ông Ba cũng cho rằng để tạo thành phong trào rộng lớn lôi cuốn đông đảo thanh niên tham gia là cả một nghệ thuật chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Thành đoàn Hà Nội lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, phòng trào đã đánh trúng vào nguyện vọng của thanh niên.
“Ngày nay công tác Đoàn gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn thách thức. Vì thế, cán bộ Đoàn phải làm sao vừa phải khơi dậy được ý chí, nghị lực của thanh niên vừa phải bám sát nhu cầu thực tế. Đó là điểm mấu chốt để thanh niên ngày nay, làm tốt hơn thế hệ cha anh, tạo nên những công trình thanh niên thực sự ý nghĩa với cộng đồng”, ông Ba tâm sự.
Trải qua 60 năm, Công viên Thống Nhất ngày càng phát triển tươi đẹp hơn.Với hồ nước trong xanh, những hàng cây rủ mát vẫn là nơi hò hẹn của những đôi bạn trẻ, nơi giao lưu, gặp mặt, vui chơi của thanh niên biết bao thế hệ. Đây cũng là nơi người dân tập luyện, nâng cao sức khỏe để có những ngày làm việc hiệu quả.
Vào dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố Hà Nội đã long trọng đặt bức tượng Bác Hồ bắt tay Bác Tôn (Chủ tịch Tôn Đức Thắng) tại khu đảo Hòa Bình, đã càng làm ý nghĩa cái tên của công viên Thống Nhất mãi đi vào lòng người.
Đặc biệt nơi đây được Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội thường xuyên lựa chọn là địa điểm tổ chức lễ phát động các phong trào, hoạt động lớn hiệu triệu thanh niên tiếp nối truyền thống, cống hiến sức trẻ góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước giàu mạnh.