Nóng ruột, bố mẹ “săn” giáo viên dạy chữ cấp tốc cho con trước lớp 1
Săn thầy dạy chữ cấp tốc
Cuối tháng 7, chị Nguyễn Thùy Trân, nhà ở Quận 12, TPHCM dò khắp nơi tìm lớp học chữ cho con gái chuẩn bị nhập học vào lớp 1 tháng 9 tới.
Không tìm được lớp ưng ý gần nhà, chị chuyển hướng tìm gia sư luyện ngay tại nhà. Qua giới thiệu, chị tìm được giáo viên đến kèm tại dạy chữ, học toán cộng trừ cấp tốc cho con tại nhà tuần 5 buổi.
Nhiều phụ huynh tự đặt ra yêu cầu con phải đọc thông viết thạo, học trước chương trình trước khi vào lớp 1 (Ảnh minh họa) |
Chị Trân kể, lúc đầu chị cũng nghĩ con không cần học chữ trước, vào lớp 1 mới bắt đầu học chính thức. Chị thừa nhận, nói bé chưa biết chữ nào cũng không đúng, ở mầm non bé nào cũng đã được làm quen, nhận diện chữ viết, các phép tính cơ bản. Ở nhà, chị cũng kèm thêm, con biết viết các chữ cái, biết ghép vần, viết chữ ghép, viết từng câu dài.
Tuy nhiên, chị thấy nhiều bé cùng tuổi đọc trôi viết thạo, rồi làm được các bài tập toán theo sách thì chị sốt ruột hẳn. Mới đây, thấy con của người chị họ chuẩn bị vào lớp 1 mà đã đọc vèo vèo, viết thành thạo, học rất nhiều bài trong sách lớp 1 thì chị lung lay, bàn với chồng quyết tìm cô kèm con.
Rất nhiều lớp học chữ, học trước chương trình lớp 1 mời gọi phụ huynh |
Việc trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 không chỉ bắt đầu từ khi trẻ học lớp Lá. Nhiều phụ huynh đã cho con đến lớp học chữ từ khi trẻ lớp Chồi, lúc mới 4 tuổi.
Cũng không ít gia đình, nếu chưa kịp "đầu tư" thì khi con kết thúc mầm non vội vàng tìm lớp, tìm thầy cấp tốc cho con kịp vào năm học mới.
Ép con học trước: Sai lầm của phụ huynh
Bất chấp những lời cảnh báo và hậu quả về lâu dài, nhiều phụ huynh vẫn đua nhau cho con học chữ trước, học trước chương trình lớp 1 ngay khi đang học mầm non.
Chị Lê Thu Nga, có con chuẩn bị vào lớp 1 ở Quận Bình Thạnh, TPHCM cho biết, chị không cho bé học chữ trước. Điều chị ngạc nhiên là rất nhiều người mẹ khi biết như vậy đều phản đối, khuyên "Kiểu gì cũng phải cho học trước".
Rất nhiều đứa trẻ đang trong độ tuổi cực kỳ mê say khám phá, sáng tạo lại bị chính bố mẹ đẩy vào những lớp học chữ, với những giáo viên "gò" chữ.
Trẻ mất đi nhiều cơ hội khám phá, mất đi một phần tuổi thơ ở giai đoạn ý nghĩa nhất khi bị nhồi nhét bởi những chữ viết, chương trình học mà sẽ trẻ sẽ được học lại sau đó.
Trẻ có rất rất nhiều thứ có thể khám phá, tìm tòi trước khi học chữ, làm toán (Ảnh minh họa) |
Việc trẻ học chữ cấp tốc cho kịp trước vào lớp 1 là điều vô cùng phản khoa học, phản giáo dục mà nhiều phụ huynh tự đẩy con vào.
Cô Phạm Thị Chinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Hòa B, Dĩ An, Bình Dương bày tỏ, chương trình lớp 1 đọc viết, làm toán đơn giản. Mọi đứa trẻ phát triển bình thường, sau một học kỳ các em đều ổn, phát âm đọc được. Nếu con có gặp khó một chút vì không học chữ trước thì chỉ cần bố mẹ kèm cặp con thêm, cho con tập viết là ổn.
TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, trẻ có đến 5 năm ở bậc tiểu học để làm quen dần với việc học. Việc học trước khi vào lớp 1 không những là thừa mà còn có nhiều hệ lụy khác như làm cho các bé sợ học, ghét học, chán nản và phá phách. Chưa kể đến những hệ lụy khác mà trẻ sẽ gặp phải về sức khỏe khi phải học quá sớm.
Về việc ép con học trước, theo TS Hương chủ yếu do tâm lý sính bệnh thành tích, thích khoe con của không ít phụ huynh. Bên cạnh đó, nhiều bố mẹ còn quá lo lắng con thua bạn bè, chán nản, thiếu tự tin...
Trong khi, việc đứa trẻ tự tin khi đi học hay cần nhất chính là thái độ ứng xử của bố mẹ với con chứ không phải là chuyện trẻ hơn kém bạn hay được mấy điểm.
Cô Phạm Thị Chinh nêu quan điểm việc ép con học trước là sai lầm của phụ huynh. Việc này xuất phát từ tâm lý con phải hơn bạn hay lo con không theo kịp bạn. Đây là vấn đề của phụ huynh, phụ huynh phải tự tháo gỡ để tránh việc con phải gánh hậu quả lâu dài về sự thiếu tập trung, tính ỷ lại.
TS Vũ Thu Hương chia sẻ những việc bố mẹ cần hướng dẫn cho con trong những năm học đầu đời:
- Dạy con biết học là nhiệm vụ của mình.
- Dạy con biết học là quyền lợi to lớn của con.
- Dạy con học tập trung.
- Dạy con biết tự giác học bài.
- Dạy con biết tự chăm lo cho bản thân khi không có cha mẹ ở bên cạnh.
- Dạy con biết tự ứng xử, ứng phó trong các tình huống và đặc biệt là các tình huống nguy hiểm.