Còn bất cập trong cơ chế, chính sách cho năng lượng tái tạo gây lãng phí nguồn lực

Việc phát triển hạ tầng lưới điện do Nhà nước làm nhưng các dự án phát triển điện gió lại giao tư nhân làm, do đó gây ra tình trạng không đồng nhất khi hoà lưới điện...
Còn 13 dự án điện tái tạo chuyển tiếp chưa nộp hồ sơ đàm phán giá Công ty Năng lượng tái tạo Sơn Mỹ bị phạt do chậm công bố thông tin trái phiếu Bộ Công thương duyệt giá tạm cho 55 dự án điện năng lượng tái tạo

Ngày 21/7, Đoàn Giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Bùi Văn Cường - Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát, trưởng đoàn Công tác số 3 đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021.

Báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Hữu Quế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, với vị trí nằm ở trung tâm của khu vực Tây Nguyên, hầu như tất cả các đường dây 500kV từ Bắc vào Nam đều đi qua địa bàn tỉnh nên Gia Lai là một tỉnh có vị trí rất quan trọng của cả nước về truyền tải công suất để hỗ trợ các vùng, miền khi thiếu điện.

Thời gian qua, tỉnh Gia Lai luôn chú trọng công tác thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo. Hiện có 220/220 xã, phường, thị trấn của tỉnh đều sử dụng lưới điện quốc gia, đạt tỷ lệ 100%; số hộ dân sử dụng điện đạt tỷ lệ 99,99%.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay được quy hoạch 88 dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất 4.347,89MW cùng với 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 480MW. Trong giai đoạn 2016 – 2021, tổng sản lượng điện sản xuất từ các nhà máy thuỷ điện và các nhà máy năng lượng tái tạo khác khoảng 40.096 triệu kWh.

Còn bất cập trong cơ chế, chính sách cho năng lượng tái tạo gây lãng phí nguồn lực
Ông Hồ Văn Niên – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai.

Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo đã khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển của tỉnh. Hiện tỉnh Gia Lai đã và đang kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan xem xét, đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, có xét đến năm 2050 đối với 135 dự án nguồn năng lượng tái tạo và lưới điện truyền tải có tính khả thi với tổng công suất khoảng 15.566 MW.

Tuy nhiên, theo ông Quế, việc phát triển năng lượng tái tạo vướng nhiều quy định; quản lý đầu tư, chất lượng công trình chưa đồng bộ.

"Việc người dân không thống nhất, liên tục có khiếu kiện về việc bồi thường đất đai ở nhiều dự án, nhất là tại các dự án điện gió cũng khiến tiến độ không đảm bảo", ông Quế nêu vấn đề.

Chia sẻ thêm, ông Hồ Văn Niên – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai cho biết, tỉnh có tiềm năng, thế mạnh lớn về điện gió, nước, điện mặt trời tuy nhiên chưa đủ khả năng khai thác triệt để nguồn tài nguyên.

Ông Hồ Văn Niên cho rằng để thực hiện phát triển năng lượng tái tạo phải có quy hoạch bài bản, xuất phát từ địa phương làm. Tuy nhiên, thời gian qua những bất cập trong cơ chế, chính sách đã gây khó khăn cho việc triển khai như: Việc phát triển hạ tầng lưới điện do nhà nước làm, tuy nhiên các dự án phát triển điện gió lại giao tư nhân làm, do đó gây ra tình trạng không đồng nhất khi hoà lưới điện, đây là thực tế đang xảy ra tại tỉnh Gia Lai gây ra lãng phí nguồn lực, thiệt hại cho cả doanh nghiệp và địa phương.

Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai đề nghị Đoàn giám sát nghiên cứu, có ý kiến đề xuất để khắc phục tình trạng trên, cũng như đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế, chính sách, có hướng dẫn cụ thể đối với việc đền bù do ảnh hưởng điện gió cho người dân.

Kết luận cuộc làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao những kết quả mà Gia Lai đã đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của Gia Lai trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng và đề nghị tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, nhất là công tác ban hành thể chế thuộc thẩm quyền của địa phương, các quy định cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh số hoá để tạo thuận lợi cho các hoạt động phát triển năng lượng trên địa bàn.

Hậu Lộc
Phiên bản di động