Cô gái trẻ Bắc Kạn xây thương hiệu trà hoa vàng

Chứng kiến người dân sở hữu cây trà hoa vàng quý hiếm nhưng luôn bị thương lái ép bán rẻ, Dương Khánh Ly (xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) quyết tâm xây dựng thương hiệu cho đặc sản quê hương. Cô gái trẻ đang góp phần thay đổi cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn.
Ra quân tháng thanh niên với nhiều hoạt động ý nghĩa tại Bắc Kạn Cùng “Áo ấm cho em” vun đắp ước mơ cho trẻ vùng cao Phụ nữ dân tộc thiểu số tự mở rộng kinh doanh và thoát nghèo với công nghệ 4.0

Nâng giá trị loài cây dược liệu quý

Ly sinh ra ở Bản Bẳng (xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn), nơi sở hữu trà hoa vàng, một loại dược liệu quý. Các hợp chất của trà hoa vàng được nhiều nhà khoa học chứng minh có khả năng kiềm chế được sự sinh trưởng của khối u, giảm cholesterol trong máu, chữa xơ cứng động mạch do lượng mỡ trong máu cao...

Trước đây, người dân ở xã Nghĩa Tá chưa hiểu hết giá trị của trà hoa vàng nên thường bị thương lái mua với giá rất rẻ. Trung bình mỗi cân trà hoa vàng chỉ có giá trị 200 - 300 nghìn đồng. Cây giống trà hoa vàng cũng chỉ được mua với giá 10 - 20 nghìn đồng.

Ly nhận ra, nếu không có hướng đi phù hợp, người dân quê hương cô sẽ chịu thiệt thòi vì sản phẩm thu hái luôn bị thương lái ép bán rẻ. Loài cây quý hiếm của quê hương không có được thương hiệu xứng với giá trị của nó.

co gai tre bac kan xay thuong hieu tra hoa vang

Sản phẩm trà hoa vàng đã được cô gái trẻ và các thành viên trong hợp tác xã sấy khô

“Trước đây, người dân quê mình thường hái hoa tươi để bán nên giá không cao, không ổn định. Trong khi đó, trà hoa vàng là loài cây quý hiếm, có nhiều giá trị để sử dụng như lấy gỗ, làm cây trồng tầng dưới ở các đai rừng phòng hộ, làm cây cảnh. Đặc biệt, cây có thể làm đồ uống cao cấp, có tác dụng phòng và chống các bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường, u bướu. Mình tìm hiểu ở một số địa phương khác, cây dược liệu này được sử dụng công nghệ sấy hoa khô mang lại giá trị rất lớn”, Ly cho biết.

Vì vậy, Ly lên mạng tìm hiểu cách sấy khô trà hoa vàng đồng thời đề xuất thành lập hợp tác xã để sản xuất và phát triển thương hiệu, xứng tầm với loài cây quý hiếm này. Hợp tác xã Hòa Thịnh ra đời từ đó và cô gái trẻ đảm nhận vai trò Phó Giám đốc nhưng... “vạn sự khởi đầu nan”.

Để có máy sấy trà hoa vàng, Ly phải vận động, kêu gọi mọi người cùng đóng góp kinh phí. Người dân quê cô đều rất khó khăn nên số tiền 12 thành viên trong hợp tác xã cùng đóng góp chỉ được 65 triệu đồng.

Ly chia sẻ: “Từ số vốn đóng góp, chúng mình mua máy sấy mất 60 triệu đồng. Số dư còn lại dùng để thu mua trà hoa vàng làm nguyên liệu. May mắn, hoa sấy ra đến đâu đều có người đặt mua nên các thành viên trong hợp tác xã rất phấn khởi”.

Làm giàu trên quê hương

Từ khi hợp tác xã thành lập, Ly đứng ra thu mua và tổ chức dây chuyền sản xuất sấy khô trà hoa vàng, bán ra thị trường với giá 10 triệu đồng/kg. Tính đến tháng 4/2020, Hợp tác xã Hòa Thịnh đã tiêu thụ ra thị trường số lượng trà hoa vàng trị giá khoảng 210 triệu đồng, lợi nhuận sau thuế thu về đạt 182 triệu đồng, bước đầu đem lại thu nhập cho mỗi thành viên khoảng 40 triệu đồng/1 năm.

co gai tre bac kan xay thuong hieu tra hoa vang

Dương Khánh Ly ươm trồng thêm trà hoa vàng, phát triển mô hình trồng cây dược liệu

Không dừng lại ở đó, để phát triển vùng nguyên liệu, tạo hướng phát triển lâu dài, Ly cùng các thành viên trong hợp tác xã lên kế hoạch mở rộng trồng trà hoa vàng. Dù trước đó chưa từng trồng loài cây này nhưng cô gái trẻ phối hợp cùng một số hộ gia đình ươm cây và trồng được 1,5ha, tổng số trên 3 nghìn cây. Đến nay, khoảng 500 cây đã cho thu hoạch với khoảng sản lượng khoảng 130kg hoa tươi. Loài cây đặc sản này đã được quy hoạch trồng trọt, sản xuất bài bản, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Thời gian tới, Ly và các thành viên trong hợp tác xã sẽ mở rộng diện tích trồng, thu mua hoa tươi và chế biến túi lọc trà hoa vàng, khẳng định thương hiệu loài cây này trên thị trường.

Song song với phát triển cây trà hoa vàng, Ly đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với hơn 5.000m2 chăn nuôi thủy sản và gia cầm, đem lại thu nhập cho gia đình khoảng 70 triệu đồng/năm.

Không chỉ phát triển kinh tế, Ly còn là đoàn viên gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Cô gái trẻ đã vận động gia đình cùng người dân trong thôn đăng ký trồng cây lâm nghiệp với nhiều loại như: Quế, mỡ, keo… Đến nay cá nhân cô gái trẻ đã trồng được 1ha quế và 6ha keo và đã gần đến tuổi khai thác. Theo ước tính, đến khi được khai thác, mỗi héc-ta có thể đem lại thu nhập khoảng 80 triệu đồng.

Trước khi về phát triển kinh tế tại quê hương, Ly từng theo học ngành Xã hội học, trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên).

“Tốt nghiệp ra trường, mình đã đi làm nhiều nơi nhưng đều không phù hợp. Khi trở về quê hương, mình đã gắn bó với cây trà hoa vàng và nhận ra tình yêu với nông nghiệp. Dù phải qua không ít khó khăn nhưng mình tin nếu quyết tâm, chúng ta hoàn toàn có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương”, Ly tâm sự.

Với những thành tích nổi bật trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, Ly vinh dự trở thành một trong 401 đại biểu tham dự Ðại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI.

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động