Cô gái Thái lập kỳ tích lịch sử cho điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31
5 năm và hành trình đổi màu huy chương của VĐV điền kinh Khuất Phương Anh Giọt mồ hôi phía sau tấm huy chương Bạc Điền kinh 200m nam Cập nhật SEA Games 30 (10/12): Mỏ vàng đến từ điền kinh, bơi |
Ngày 18/5/2022 trở thành mốc son đáng nhớ của riêng bản thân Lò Thị Hoàng và cả điền kinh Việt Nam. Trên sân vận động Mỹ Đình, cô gái sinh năm 1997 đã thực hiện một kỳ tích mà trước đây những nữ vận động viên Việt Nam như Lò Thị Hằng, Bùi Thị Xuân, Trần Thị Thắm chưa thể làm được đó là giàng huy chương Vàng ném lao nữ SEA Games.
Cú ném 56.37m của Hoàng không chỉ giúp cô có tấm huy chương Vàng SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp mà đây còn là tấm huy chương Vàng ném lao nữ đầu tiên của điền kinh Việt Nam tại đấu trường SEA Games.
Lò Thị Hoàng xuất sắc giành huy chương Vàng môn ném lao nữ tại SEA Games 31 (Ảnh tổng hợp) |
Thành tích 56.37m cũng trở thành kỷ lục mới tại SEA Games, vượt qua kỷ lục cũ 55.97m do Buoban Pamang (Thái Lan) xác lập trên tại SEA Games 2007 cách đây 15 năm. Lò Thị Hoàng đã đổi màu tấm huy chương giành được ở SEA Games 30 gần 3 năm trước ở Philippines (53.77m).
Lò Thị Hoàng sinh 6/10/1997 tại Sơn La và là người dân tộc Thái. Sau khi giành tấm huy chương Vàng lịch sử, cô gái 25 tuổi xúc động:
“Tôi sinh ra ở vùng quê nghèo nên tôi có quyết tâm phải thay đổi cuộc sống của mình. Tôi đã học tập và rèn luyện trong nhiều năm và hiện đã có bằng đại học chuyên ngành huấn luyện tại Đại học TDTT Từ Sơn, Bắc Ninh. Tôi muốn dành tấm huy chương này cho cả gia đình, những người đã luôn ủng hộ tôi vì nghiệp thể thao mà phải xa nhà biền biệt”.
Cô gái 25 tuổi đi vào lịch sử khi mang về tấm huy chương Vàng đầu tiên bộ môn ném lao nữ cho điền kinh Việt Nam tại các kỳ SEA Games (Ảnh tổng hợp) |
Tôi rất bất ngờ với thành tích này vì 2 vận động viên đối thủ của Thái Lan rất mạnh. Họ đã đoạt huy chương Vàng ở kỳ SEA Games trước. Thời gian trước SEA Games, tôi bị chấn thương, thành tích yếu, lại thêm ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nên không được tham dự các giải trong nước và không kiểm tra được thành tích của mình. May mà thầy cô và gia đình luôn động viên, bên cạnh tôi”.
Chia sẻ thêm về thời khắc lịch sử của bản thân, Lò Thị Hoàng cho biết với cô, vai trò của mẹ không thể kể hết. Mỗi khi mệt mỏi, không tập luyện được hay gặp áp lực quá nhiều thì Hoàng thường gọi về cho mẹ để để nhận được sự động viên, bảo ban.
"Bố mẹ tôi bảo phải cố gắng vì chúng tôi là người dân tộc, hiếm người được đi học nên làm gì cũng phải nỗ lực hơn. Việc bố mẹ từ trên kia xuống xem tôi thi đấu là động lực lớn vì như mọi người biết, ở trên kia xuống đây cũng không phải là dễ. Tấm huy chương Vàng này xin tặng bố mẹ tôi”, Lò Thị Hoàng tâm sự.
Nữ vận động viên dân tộc Thái òa khóc trong vòng tay của mẹ và HLV (Ảnh tổng hợp) |
Nhớ về áp lực sau khi chứng kiến các đồng đội ở đội tuyển điền kinh Việt Nam liên tiếp gặt hái thành công những ngày thi đấu trước, vận động viên 25 tuổi bày tỏ: “Đợi đến những ngày thi cuối mới được thi đấu, nó áp lực lắm. Tối hôm trước và cả chiều hôm thi tôi thấy rất khó ngủ, không thể chợp mắt được. May mắn khi ra thi đấu, tôi đã có được huy chương Vàng.
Lần thứ 2 tôi tham dự SEA Games và sau khi chỉ về Nhì vào 3 năm trước, thật bất ngờ cũng như may mắn vì tôi đã đánh bại được vận động viên Thái Lan. Tháng 7 này sẽ tròn 10 năm tôi theo nghiệp thể thao, nhiều vất vả, chấn thương đã đến nhưng tôi đã vượt qua và chắc chắn sẽ nỗ lực hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc”.