Cơ chế “lưỡng tính” cho báo chí
Báo chí là nhịp cầu kết nối cho sự phát triển của Vĩnh Yên Báo chí cần có cách làm và tư duy mới phù hợp với kinh tế thị trường |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa có bài phát biểu với báo chí nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024). Trong đó, Bộ trưởng đã nhấn mạnh 3 vấn đề lớn về xu thế phát triển báo chí.
Chuyển đổi số báo chí
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, 1 trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng là tuyên truyền mà báo chí là lực lượng tuyên truyền xung kích và chủ lực. Đảng, Nhà nước phải quan tâm đầu tư cho lực lượng báo chí.
Theo Bộ trưởng, trước đây, vũ khí là trang giấy, cây bút thì nay còn thêm công nghệ, mà chủ yếu là công nghệ số. Cơ quan báo chí trước đây viết báo nay tạo ra nền tảng số để nhiều người tham gia viết báo, mà nền tảng số chính là công nghệ.
Trước đây, chỉ có báo chí viết bài, nay nhiều người viết trên mạng thì báo chí phải có công cụ công nghệ để đánh giá được xu thế thông tin, tâm trạng người dân trên không gian mạng để viết bài định hướng dư luận.
Một cơ quan báo chí được gọi là đã chuyển đổi số thì có tới 30% chi phí, cả chi đầu tư và chi thường xuyên, là dành cho công nghệ. Về nhân lực thì cũng tới 30% là dân công nghệ. Để chuyển đổi số các cơ quan báo chí thì phải cần đầu tư.
"Đất nước đang hiện đại hoá thì báo chí cũng phải hiện đại hoá. Đầu tư cho công nghệ số thì không lớn, không tốn nhiều chi phí nhưng hiệu quả mang lại thì rất lớn và nhanh", Bộ trưởng nhìn nhận.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, vừa qua, ngân sách dành cho đầu tư báo chí là rất khiêm tốn (0,22% tổng chi đầu tư của Nhà nước), sau khi có chiến lược chuyển đổi số báo chí thì vẫn chưa tăng thêm.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo các cơ quan chủ quản báo chí đầu tư công nghệ số để hiện đại hoá cơ quan báo chí của mình. Một trong những thuận lợi lớn để chuyển đổi số báo chí, hiện đại hoá công nghệ số cho báo chí là chúng ta có nhiều công ty công nghệ số mạnh, xuất sắc, khi có ngân sách đầu tư là có thể giao nhiệm vụ cho họ thực hiện chuyển đổi số báo chí.
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã mưu Thủ tướng ban hành chiến lược chuyển đổi số báo chí. Bộ đã thành lập trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí và Bộ cũng là đầu mối quản lý Nhà nước về công nghệ số.
"Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Cải cách đột phá về cơ chế cho báo chí
Chia sẻ về cơ chế “lưỡng tính” cho báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cơ quan báo chí vừa là một đơn vị sự nghiệp lại vừa là doanh nghiệp.
Trong đó, báo chí là đơn vị sự nghiệp vì thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, cung cấp dịch vụ thông tin như là dịch vụ công, bởi vậy cần được Đảng và Nhà nước đầu tư, giao nhiệm vụ, đặt hàng.
Đại biểu Quốc hội trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội. |
Nhưng cơ quan báo chí bây giờ phải cạnh tranh với các nền tảng số, phải thu hút được lực lượng làm báo, làm truyền thông có chất lượng trên thị trường, phải chấp nhận các cơ thế của thị trường. Vì vậy, cơ quan báo chí cũng phải hoạt động như doanh nghiệp.
Bộ trưởng cho rằng, cải cách có tính đột phá là chấp nhận cho các cơ quan báo chí có hai cơ chế hoạt động song song "vừa là đơn vị sự nghiệp, vừa như doanh nghiệp", nhưng báo chí kinh doanh là để làm báo, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Một vấn đề nữa được Bộ trưởng đặt ra là thay đổi nhận thức của chính quyền các cấp về truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng.
Theo Bộ trưởng, trước đây, truyền thông chính sách được coi là việc của một mình các cơ quan báo chí. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị, truyền thông chính sách phải được coi là một chức năng, một nhiệm vụ, một việc của chính quyền các cấp.
Do vậy, chính quyền các cấp phải có bộ máy chuyên biệt làm công tác truyền thông và có ngân sách thường xuyên hàng năm để thực hiện nhiệm vụ này thông qua đặt hàng báo chí. Ngân sách này chính là nguồn để đặt hàng các cơ quan báo chí.
Bộ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở này đã ban hành một kế hoạch hành động về kiện toàn bộ máy làm công tác truyền thông các cấp, hướng dẫn bố trí ngân sách và sửa các thông tư liên quan về định mức kinh tế - kỹ thuật để các chính quyền các cấp có thể đặt hàng báo chí.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Khảo sát về uy tín nghề nghiệp trong xã hội thì nghề báo được xếp thứ 9/10 năm 2018, đến năm 2022 đã lên hạng xếp thứ 3/10, chỉ sau nghề nhà giáo và nghề y. Nhân lực làm báo chí cả nước là 41.000 người, trong đó có 23.000 người được cấp thẻ nhà báo. Số lượng cơ quan báo chí là 797, trong đó báo là 127. Số lượng báo đã giảm 40% so với trước quy hoạch. Ngân sách Nhà nước chi cho báo chí năm 2023, bao gồm cả thường xuyên và đầu tư là 7.800 tỷ đồng, chiếm 0,47% tổng ngân sách Nhà nước. Hiện đang là mức thấp. Một năm, các cơ quan báo chí tạo ra khoảng 40 triệu tin bài và khi đi vào không gian mạng thì lan toả ra thành 400 triệu tin bài, tạo thành dòng chủ lưu trên không gian mạng. Mỗi năm sản xuất 20.000 giờ phát thanh và 50.000 giờ truyền hình. Tỷ lệ về truyền thông chính sách chiếm 20%. |