Có cần thiết phải thay đổi môn thi vào lớp 10 hằng năm?
Áp lực từ môn thi thứ 3
Theo dự thảo thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT do Bộ GD&ĐT công bố mới đây, phương thức tuyển sinh lớp 10 bao gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Quyền lựa chọn phương thức xét tuyển sẽ được giao về các địa phương. Đối với việc tổ chức thi tuyển, để đảm bảo thống nhất và đảm bảo quan điểm kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, dự thảo Quy chế quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hằng năm. Môn thi thứ 3 được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Bộ GD&ĐT cho biết, việc lựa chọn môn thi thứ 3 có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Về phương án thi lớp 10, hiện có 60/63 sở GD&ĐT đồng ý với phương án 3 môn thi tuyển sinh và cho rằng điều này phù hợp thực tế và giảm áp lực.
Tuy nhiên việc lựa chọn môn thi thứ 3 thế nào đang có nhiều quan điểm trái chiều.
Việc lựa chọn môn thi thứ 3 đang nhận được nhiều quan điểm trái chiều |
Về đề xuất này, chị Trần Khánh Hà - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Newton số 5 (Thanh Oai, Hà Nội) cho rằng, kỳ thi vào lớp 10 ở đa số các địa phương sẽ lựa chọn tiếng Anh là môn thi thứ 3. Ưu điểm của việc ấn định tiếng Anh cùng 2 môn chính là Toán và Ngữ Văn là đảm bảo sự ổn định trong thi cử. Mặc dù vậy, nhược điểm của phương án này là dễ dẫn đến việc học lệch.
Ngoài ra, việc ấn định 3 môn thi như trên cũng dễ dẫn đến sự thiếu công bằng bởi những em có năng khiếu ngoại ngữ hoặc có điều kiện đầu tư học thêm ngoại ngữ sẽ có lợi thế hơn trong cuộc cạnh tranh vào lớp 10 so với các học sinh còn lại.
Vì vậy, chị Hà đề xuất, số môn thi chỉ nên duy trì 3 môn. Trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Riêng môn thứ 3, thay vì cố định môn tiếng Anh như lâu nay thì nên là một môn tự chọn.
“Khi học sinh chọn một trong các môn văn hóa đang học ở lớp 9 làm môn thi thứ 3 sẽ bắt buộc các trường phải chú trọng dạy đều các môn, chấm dứt tình trạng môn chính - môn phụ. Quan trọng hơn là học sinh được lựa chọn môn thi phù hợp với sở trường của mình để có sự cạnh tranh công bằng; đồng thời khi lên THPT các em cũng có sự lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp”, cô Hà bày tỏ.
Cần sự ổn định
Bày tỏ băn khoăn trước đề xuất của Bộ GD&ĐT, chị Nguyễn Nam (phụ huynh học sinh Trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng) cho rằng việc Bộ GD&ĐT giao địa phương chọn môn thi thứ ba nhưng thay đổi hàng năm cơ bản không quá khác biệt so với hình thức bốc thăm trước đó đã được đề xuất và rút bỏ.
"Mục tiêu của kỳ thi lớp 10 là phân luồng, chọn lọc học sinh và chúng ta đang cũng đang định hướng thực hiện mục tiêu, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học nên tôi thấy việc để cố định 3 môn thi Toán, Ngữ văn và tiếng Anh là hợp lý. Điều này vừa giúp các kỳ thi có tính ổn định hơn, vừa giúp các con tăng cường học tiếng Anh nhiều hơn và có thêm thời gian để nâng cao các kiến thức thực tế khác", chị Nam chia sẻ.
Đa số học sinh và phụ huynh đều mong muốn việc tổ chức các kỳ thi THCS, THPT được giữ ổn định |
Sau khi được thầy cô và bố mẹ nói về dự thảo Quy chế thi tuyển sinh, Ngọc Diệp (học sinh lớp 8 Trường THCS Tân Mai, quận Hoàng Mai) cho biết đang cảm thấy khá lo lắng, hồi hộp trước thông tin này.
Theo Ngọc Diệp, TP Hà Nội đã thực hiện thi tuyển sinh lớp 10 với 3 môn là Toán, Ngữ văn và ngoại ngữ nhiều năm này, do đó, tâm lý học sinh cũng như hướng dạy học của nhà trường tập trung vào 3 môn này để học sinh dự thi.
"Bây giờ nếu thay đổi ngoại ngữ bằng một môn thi khác và phải tới cuối tháng 3 mới công bố, chúng em sẽ cảm thấy rất áp lực, bởi khoảng cách từ cuối tháng 3 đến ngày thi chỉ khoảng 2 tháng trong khi mỗi học sinh thường có thế mạnh ở mỗi môn học khác nhau nên sẽ không đủ thời gian để ôn luyện, bổ sung kiến thức", Ngọc Diệp nói.
Cũng theo nữ sinh lớp 8, hiện nay, ngoài học chính ở trường, Diệp còn tham gia 3 lớp học thêm Toán, Ngữ văn và tiếng Anh ở trung tâm bên ngoài để chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp sắp tới. Do đó, trước thông tin trên, Ngọc Diệp đã bàn bạc với bố mẹ và dự định sẽ học thêm 2 môn là Vật lý và Sinh học để chắc chắn hơn trước các kỳ thi.
Tương tự, Tuấn Hải (học sinh lớp 9, Trường THCS Tân Định, quận Hoàng Mai) cho rằng, việc thi 3 môn vào lớp 10 là phù hợp, song, việc thay đổi quá đột ngột cũng khiến em gặp áp lực.
“Không chỉ em mà cả bố mẹ và gia đình cũng lo lắng trước thông tin này. Em mong muốn sẽ có những thay đổi từ từ để học sinh chúng em có thể thích nghi và chuẩn bị trước”, nam sinh chia sẻ.
Hiểu được sự lo lắng của gia đình, Tuấn Hải đang lên kế hoạch để cải thiện các môn học còn đuối, kém. Đồng thời, nam sinh lớp 9 cũng bày tỏ mong muốn, môn thi thứ 3 sẽ sớm được công bố để em và các bạn giảm bớt áp lực học tập, ôn luyện hiệu quả hơn.