Chuyển đổi số phải có sản phẩm và đo đếm được

“Dứt khoát bỏ bệnh hình thức trong chuyển đổi số, làm phải thực chất, hiệu quả, phải có sản phẩm và sản phẩm đó phải đo đếm được. Vì vậy, chuyển đổi số gắn với nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, sẽ tạo động lực thúc đẩy nhu cầu và năng lực sáng tạo cho mọi tổ chức, cá nhân vì lợi ích chung...”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội khẳng định.
Nhiều mô hình, hoạt động chuyển đổi số sáng tạo, đột phá Di tích lịch sử ở Hà Nội “ghi điểm” nhờ tích cực chuyển đổi số Trang bị kiến thức, kỹ năng ứng dụng chuyển đổi số cho sinh viên

Chủ động tham mưu chuyển đổi số

Năm 2023, Sở TT&TT Hà Nội xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở đó, Sở TT&TT Hà Nội đã chủ động tham mưu UBND TP ban hành các văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, Sở coi trọng yếu tố con người. Theo đó, TS Nguyễn Việt Hùng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở, quán triệt những nội dung cơ bản trong quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm tại Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đến toàn thể cán bộ viên chức thuộc Sở. Bên cạnh đó, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cũng truyền đạt một số quan điểm về xây dựng thành phố thông minh. Qua đó, 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, từ đó nâng cao trách nhiệm giải quyết công việc, hoàn thành tốt các nội dung liên quan đến công tác chuyển đổi số.

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động không dùng tiền mặt tại tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động không dùng tiền mặt tại tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm

Năm vừa qua, Sở cũng tập trung tham mưu UBND TP báo cáo Ban Cán sự Đảng TP xây dựng chương trình hành động triển khai Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình đã đề ra; ban hành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển chính quyền số, bảo đảm an toàn thông tin mạng TP Hà Nội năm 2023 và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc TP tổ chức thực hiện.

Với sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn cùng các Ban, sở, ngành, TP Hà Nội đã ban hành danh mục dữ liệu mở chuyên ngành, được triển khai chia sẻ trong nội bộ cơ quan Nhà nước và với công dân. Đồng thời, TP đã chỉ đạo triển khai Cổng dữ liệu thành phố và hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP). Đây là hệ thống cơ bản làm nền tảng để các đơn vị tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong cơ quan Nhà nước.

Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng đánh giá ưu thế của việc thanh toán không dùng tiền mặt
Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng đánh giá ưu thế của việc thanh toán không dùng tiền mặt

Với sự chủ động của cơ quan chuyên môn, chỉ trong thời gian ngắn, TP Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các hệ thống lớn, dùng chung như: Hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và các quy định, quy chế kèm theo để bảo đảm vận hành, khai thác.

Trước đó, Sở TT&TT cùng các cơ quan chuyên môn khác đã kịp thời tham mưu UBND TP kiện toàn, hợp nhất Ban Chỉ đạo chuyển đổi số TP thành Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số TP Hà Nội và ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ thành viên; đảm bảo công tác chỉ đạo thống nhất, tổng thể, thể hiện rõ trách nhiệm của từng ngành trong công tác CCHC, chuyển đổi số của TP.

Từng bước chuyển đổi số vững chắc

Với sự chủ động của cơ quan chuyên môn, hiện, Hà Nội là một trong các tỉnh, TP đầu tiên bảo đảm đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Các chỉ số xếp hạng, đánh giá liên quan đến chuyển đổi số được nâng cao.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm mua sách và thanh toán bằng mã QR
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm mua sách và thanh toán bằng mã QR

Trong năm 2023, TP đã đưa vào vận hành các hệ thống thông tin quan trọng, cốt lõi của TP nhằm cung cấp số liệu, thông tin phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TP đến ba cấp trực thuộc đảm bảo đồng bộ, tập trung, thống nhất, liên thông, tích hợp với các hệ thống của Trung ương (hệ thống quản lý văn bản và điều hành TP; hệ thống thông tin báo cáo TP; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP…). Toàn bộ công chức TP từ cấp xã đến TP đều thực hiện xử lý văn bản điện tử trên một hệ thống dùng chung của toàn TP, giúp lãnh đạo TP, các đơn vị kiểm soát việc xử lý tới từng công chức.

Về hạ tầng số, Trung tâm Dữ liệu chính của TP Hà Nội đang được tập trung triển khai để sớm đưa vào khai thác, sử dụng; cùng với đó, tiếp tục duy trì, bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt mạng diện rộng WAN của thành phố, hệ thống giao ban trực tuyến TP (đã được triển khai tới 3 cấp chính quyền).

 Chuyển đổi số là xu thế tất yếu
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Hà Nội cũng đang phối hợp các doanh nghiệp tập trung triển khai chữ ký số miễn phí cho người dân tại bộ phận một cửa của các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Đến nay, toàn địa bàn đã cấp khoảng hơn 41.000 chữ ký số miễn phí cho công dân để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Điểm nhấn đầu tháng 10/2023, Sở TT&TT Hà Nội đã chủ trì, phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hà Nội, Sở Công thương tổ chức sự kiện “Phát động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”. Đây là sự kiện mở đầu cho việc triển khai diện rộng thanh toán không dùng tiền mặt tại tất cả các quận, huyện, thị xã trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số

Sở TT&TT đã triển khai công tác tuyên truyền về chuyển đổi số trên các cơ quan báo chí Hà Nội và Trung ương; hệ thống thông tin cơ sở; trang/cổng thông tin điện tử cơ quan Nhà nước TP; đồng thời, lan tỏa thông tin trên các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.

Đến nay, các cơ quan báo chí TP đều đã xây dựng chuyên mục “Chuyển đổi số", thường xuyên đăng tải các văn bản, chỉ đạo của Trung ương và TP; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, tổ chức, doanh nghiệp thấy được lợi ích của chuyển đổi số; ghi nhận những nỗ lực, cách làm hay của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện… bằng nhiều hình thức phong phú.

 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải (ngồi giữa) phát biểu tại Hội nghị TP thông minh Việt Nam - Châu Á 2023 do Sở TT&TT Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam tổ chức
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải (ngồi giữa) phát biểu tại Hội nghị TP thông minh Việt Nam - Châu Á 2023 do Sở TT&TT Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam tổ chức

Đồng thời, ngành TT&TT thực hiện đăng tải tin, bài về chính quyền số, chính quyền điện tử, công tác chuyển đổi số và công tác cải cách hành chính trên địa bàn TP Hà Nội… lên các tài khoản Zalo, Lotus; lan tỏa tới gần 13,3 triệu lượt tài khoản người dùng và trên các trang thông tin điện tử tổng hợp có lượng người đọc lớn; chỉ đạo Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội xây dựng chuyên trang chuyển đổi số: chuyendoiso.hanoi.gov.vn trên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội và đưa vào hoạt động từ tháng 2/2022; xây dựng nội dung phát thanh bằng giọng đọc AI tuyên truyền về chuyển đổi số trên hệ thống đài truyền thanh của 579 xã, phường, thị trấn... Ngoài ra, Sở vận động các doanh nghiệp có màn hình LED quảng cáo đăng tải thông tin về chuyển đổi số của thành phố, đặc biệt tại các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng...

TS Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội phát biểu tại Hội nghị TP thông minh Việt Nam - Châu Á 2023
TS Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội phát biểu tại Hội nghị TP thông minh Việt Nam - Châu Á 2023

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số còn được thực hiện bởi các Tổ Công nghệ số cộng động tại các thôn xóm... Qua hình thức này, người dân nắm được chủ trương, định hướng của Chính phủ, thành phố về chuyển đổi số và được hướng dẫn sử dụng các dịch vụ số do cơ quan Nhà nước cung cấp; Ngoài ra, Sở TT&TT còn tổ chức hội thảo “An toàn thông tin cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên chuyển đổi số” nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao sự hiểu biết, nhận thức rõ tầm quan trọng, những cơ hội và thách thức của việc đảm bảo an toàn thông tin cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số; đồng thời tạo điều kiện kết nối, trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

“Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số là một nội dung quan trọng, giải pháp chính, xu thế tất yếu và là cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp vượt lên. Chuyển đổi số không chỉ là mức ứng dụng và phát triển cao hơn của công nghệ thông tin mà là “nút đột phá” trong phát triển kinh tế - xã hội. Đó là quá trình thường xuyên, liên tục. Với quy mô của một thành phố 10 triệu dân thì chuyển đổi số có khối lượng công việc không nhỏ nhưng với quyết tâm cao, TP Hà Nội chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng khẳng định.

Hoa Thành
Phiên bản di động