Chủ tịch Quốc hội: Luật Kinh doanh bất động sản tránh sửa xong lại tạo ra vướng mắc khác

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, giai đoạn này sửa Luật Kinh doanh bất động sản là cần thiết nhưng đòi hỏi sâu sát để đáp ứng yêu cầu, tránh sửa xong nhưng không giải quyết được vướng mắc hay lại tạo ra những vướng mắc khác.
Quốc hội dự kiến giám sát thị trường bất động sản, nhà ở xã hội vào năm sau Thủ tướng: Bất động sản có nhiều vấn đề “nóng” phải tiếp tục từng bước giải quyết

Sáng 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lý giải lý do tại sao chương trình phiên họp diễn ra trong 2,5 ngày, trống 0,5 ngày làm việc là do dự án Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) dù dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhưng đến nay vẫn chưa có hồ sơ dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ dù đã đôn đốc nhiều lần nhưng vẫn xảy ra tình trạng chậm gửi hồ sơ, tài liệu dự án luật.

Trong thời gian 2,5 ngày làm việc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 3 dự án luật trong chương trình xây dựng luật pháp lệnh 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 gồm Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, thị trường bất động sản là một trong những thị trường cơ bản trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo Chủ tịch Quốc hội, ngành nghề kinh doanh bất động sản cũng là một trong những yếu tố đảm bảo cho tăng trưởng của nền kinh tế và liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau. Dự án luật này đã thực hiện trong thực tế được 8 năm, đến nay vẫn còn có một số vướng mắc và bất cập. Do đó, lần này Chính phủ để đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản.

Chủ tịch Quốc hội: Luật Kinh doanh bất động sản tránh sửa xong lại tạo ra vướng mắc khác
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh; nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề tính thống nhất của hệ thống pháp luật bởi dự án Luật này liên quan đến nhiều luật khác.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, giai đoạn này sửa là cần thiết, đòi hỏi sâu sát để đáp ứng yêu cầu, tránh sửa xong nhưng không giải quyết được vướng mắc hay lại tạo ra những vướng mắc khác.

Trình bày tờ trình tóm tắt dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu sự cần thiết sửa đổi luật.

Theo đó, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 điều chỉnh một lĩnh vực rộng, tác động đến rất nhiều ngành, nhiều thành phần kinh tế, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Sau gần 8 năm triển khai thực hiện, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, pháp luật về kinh doanh bất động sản cũng đã xuất hiện những tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi bổ sung.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) gồm 11 chương với 93 điều. Trong đó, dự thảo luật bổ sung các khái niệm mới như: dự án bất động sản, chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản.

Dự án luật bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm mới như: thu tiền mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng quy định; sử dụng tiền mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai của bên mua, thuê mua trái pháp luật nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật ban hành sau như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư và phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.

Bên cạnh đó, dự án luật cũng bổ sung quy định về áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản và các luật khác có liên quan để xác định rõ việc áp dụng pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản; đồng thời là nguyên tắc giải quyết khi có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa nội dung, quy định của Luật Kinh doanh bất động sản với các luật khác có liên quan trong hoạt động kinh doanh bất động sản, đặc biệt là kinh doanh bất động sản trong các dự án đầu tư bất động sản để kinh doanh và đảm bảo sự phù hợp, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Cùng với đó, dự án luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành về các loại bất động sản đưa vào kinh doanh, đồng thời làm rõ hoạt động kinh doanh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản với việc chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Dự thảo luật lần này cũng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn; Kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; kinh doanh quyền sử dụng đất; chuyển nhượng dự án bất động sản; hợp đồng kinh doanh bất động sản; kinh doanh dịch vụ bất động sản; xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; điều tiết thị trường bất động sản; quản lý nhà Nước về kinh doanh bất động sản…

Hậu Lộc
Phiên bản di động