Chủ tịch Quốc hội: Cán bộ ỷ lại, ngại khó thì đứng sang một bên
Chủ tịch Quốc hội ban hành các nghị quyết về công tác cán bộ Trình Quốc hội việc thành lập Trung tâm tài chính tại kỳ họp thứ 9 Chính phủ thống nhất sau sáp nhập sẽ giảm 50% số tỉnh, thành |
Theo Cổng thông tin Quốc hội, sáng 13/3, Đoàn kiểm tra 1910 của Bộ Chính trị do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Định để thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Định.
Qua nghe báo cáo và trao đổi, thảo luận, phát biểu kết luận bước đầu về dự thảo báo cáo kiểm tra của Đoàn đối với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Định, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, quá trình kiểm tra trên tinh thần phát hiện những vấn đề mới, tốt để phát huy; nhất là những bài học kinh nghiệm trong việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy cán bộ gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, nắm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, khắc phục từ thực tiễn thực hiện vừa qua.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận tỉnh Bình Định đã tích cực khắc phục khó khăn, bước đầu thực hiện tốt, nghiêm túc chủ trương của Đảng, Bộ chính trị trong việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; Chỉ thị số 35; Nghị quyết số 57 và Kết luận số 123; tạo được sự hưởng ứng, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức nhưng cả hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh Bình Định đã chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao, để đạt được nhiều kết quả tích cực.
![]() |
Đoàn kiểm tra 1910 của Bộ Chính trị do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Định để thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Định. |
Về một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bình Định cần quan tâm hơn nữa công tác chính trị, tư tưởng, phải triển khai một cách đồng bộ chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tạo sự thông suốt về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
“Có thông đường lối, thông chủ trương, thông chính sách thì làm mới hiệu quả được”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Bình Định đã nhận thức được còn những khó khăn, vướng mắc chưa nắm bắt kịp thời, chưa chủ động, quyết liệt đeo bám để giải quyết.
Cán bộ từ tỉnh, huyện tới xã chất lượng còn chưa đồng đều, cán bộ được phân công chưa đúng với năng lực chuyên môn hoặc là cán bộ được phân công nhưng không quyết liệt, quyết tâm, không lao vào để làm; chính những điều này làm hạn chế sự phát triển của Bình Định.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, xây dựng hệ thống chính trị của chúng ta vừa qua mang “hình nón”, trên tỉnh mạnh, huyện mạnh nhưng xã còn yếu. Chính vì thế mà Bộ Chính trị đặt quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy tới đây phải làm cho cơ sở mạnh, xã mạnh.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. |
“Phải công tâm, vô tư, khách quan trong sắp xếp bộ máy. Qua đợt sắp xếp này phải thanh lọc, chọn người có đức có tài, đủ tâm, đủ tầm để sắp xếp. Trong giai đoạn hiện nay nếu cán bộ không quyết liệt, quyết tâm, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, ngại khó ngại khổ thì đứng sang một bên để người khác làm. Cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy này rất khó, nhưng phải mạnh dạn làm, khó mà chúng ta lãnh đạo, chúng ta làm được thì mới là thắng lợi”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nêu một số định hướng để Bình Định phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tỉnh cần bám vào 5 trụ cột tăng trưởng, là những lợi thế lớn của tỉnh bao gồm: Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao; tận dụng lợi thế phát triển dịch vụ cảng và logistics; phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản dựa trên công nghệ cao; phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa để tạo thành một động lực cho tăng trưởng kinh tế; xây dựng Bình Định thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
Chủ tịch Quốc hội cũng Trần Thanh Mẫn đề nghị Bình Định tiếp tục triển khai 3 đột phá. Theo đó, cần ổn định môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh với các địa phương trong khu vực; cải cách thủ tục hành chính, thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư các dự án lớn. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nâng cao, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Về đột phá thứ ba, theo Chủ tịch Quốc hội, phải tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của Bình Định đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông. Cùng với đó nâng cao chất lượng quy hoạch trên tư duy đột phá, phát huy tiềm năng, lợi thế để tạo không gian và động lực mới cho Bình Định phát triển ổn định lâu dài.
“Cái yếu của mình là hay thực hiện theo phong trào. Mỗi địa phương, mỗi tỉnh có một thế mạnh khác nhau, mình cần nhìn rõ thế mạnh của mình để phát huy, liên kết, phối hợp với các tỉnh khác để cùng thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Cái này hết sức quan trọng. Không nên chạy theo kiểu địa phương kia có cái này thì địa phương khác cũng phải có cái đó ”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bình Định tiếp tục chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Chủ tịch Quốc hội cho biết, lần này sắp xếp tinh gọn lại bộ máy để làm sao phải mạnh thực sự, để gần dân, sát dân, kịp thời nắm bắt và giải quyết tâm tư, nguyện vọng.
Xung quanh vấn đề điều hành kinh tế-xã hội, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bình Định phải linh hoạt, thường xuyên nắm bắt kịp thời tình hình quốc tế, trong nước.
Nhấn mạnh, khối lượng công việc tới đây còn rất lớn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý Bình Định phải bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2025, nhất là vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18 của Trung ương và các Kết luận 126, 127, 128 của Bộ Chính trị; về tổ chức Đại hội Đảng các cấp theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị....
Trước mắt, Bình Định cần cập nhật ngay tiêu chí sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để triển khai thực hiện được ngay; vấn đề nào còn khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo Quốc hội xem xét.