Chính phủ tổ chức họp gỡ vướng cho các dự án năng lượng tái tạo
Nhanh chóng gỡ điểm nghẽn cho năng lượng tái tạo Ninh Thuận Phó Thủ tướng: Giải quyết dứt điểm vướng mắc tại các dự án điện tái tạo |
Văn phòng Chính phủ vừa có công điện về việc tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.
Theo đó, dự kiến hội nghị sẽ được tổ chức vào chiều 12/12 tại trụ sở Chính phủ và trụ sở UBND các tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình. Ngoài ra còn có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công thương, lãnh đạo các Bộ Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường...
Ảnh minh họa. |
Hội nghị cũng có sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bí thư, Chủ tịch của 27 tỉnh có các dự án năng lượng tái tạo.
Đặc biệt, thành phần tham dự còn có các doanh nghiệp là chủ đầu tư của 154 dự án điện năng lượng tái tạo.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn về việc ban hành bổ sung, cập nhật kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Trong đó, đối với 154 dự án đang vướng mắc liên quan đến kết luận thanh tra, điều tra, sau khi cấp có thẩm quyền có ý kiến về chủ trương tháo gỡ, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương rà soát, theo các tiêu chí Bộ đã ban hành, cập nhật, bổ sung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo chia sẻ của chủ đầu tư một số dự án năng lượng tái tạo, họ muốn cơ quan có thẩm quyền sớm gỡ khó, hướng dẫn các thủ tục khắc phục sai phạm, vi phạm, bổ sung quy hoạch đối với các dự án.
Dự án trạm biến áp, đường dây 500kV và điện mặt trời của Công ty Trung Nam. |
Đồng thời, các nhà đầu tư cũng kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ họ hoàn thành các khâu về mặt quy trình để sớm được bán điện, được đưa nguồn điện sạch lên lưới thay vì phơi nắng, phơi mưa lãng phí.
Đơn cử như Dự án trạm biến áp, đường dây 500kV và điện mặt trời Thuận Nam 450MW của Công ty Trung Nam Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Được biết, mặc dù hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam hoạt động mang lại lợi ích cho nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo khác (tránh tình trạng giảm phát), lợi ích cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN (tránh bồi thường cho nhà đầu tư Nhiệt điện BOT Vân Phong), và lợi ích cho ngành điện (truyền tải, giải tỏa công suất), nhưng trách nhiệm đầu tư và quản lý, duy trì vận hành hệ thống truyền tải chỉ do Công ty Trung Nam Thuận Nam thực hiện.
Đáng nói, kinh phí để thực hiện toàn bộ các công việc trên (bao gồm trả lãi vay, chi phí đầu tư, mua sắm thiết bị dự phòng, thay thế, thực hiện quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng...) đều được bố trí từ nguồn thu duy nhất là doanh thu phát điện của Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam.
Trong bối cảnh hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam vận hành đến nay đã gần 4 năm, các thiết bị hoạt động liên tục rất có thể xảy ra hư hỏng (đặc biệt là khi Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đi vào hoạt động, đấu nối vào hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam, các thiết bị hoạt động với công suất cao khiến nguy cơ xảy ra hư hỏng thiết bị và cần được thay thế càng lớn).
Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động kinh doanh bán điện của Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam đang gặp khó khăn nghiêm trọng, khiến chủ đầu tư không thể đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ đầu tư, mua sắm vật tư dự phòng, thay thế thiết bị hư hỏng. Thậm chí, doanh thu không đủ chi trả tiền lương cho cán bộ, nhân viên, người lao động thực hiện công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống trạm và đường dây truyền tải.
Theo chủ đầu tư, với tình hình này, nguy cơ xảy ra sự cố nghiêm trọng, khả năng sập hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam là rất cao, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia, trong đó bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư BOT Vân Phong.
Với tình trạng cấp bách nêu trên, nhằm tránh nguy cơ xảy ra những sự cố nghiêm trọng đối với trạm biến áp 500kV Thuận Nam, gây thiệt hại đến hệ thống truyền tải điện quốc gia, chủ đầu tư đã có văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền đề nghị được thanh toán đầy đủ doanh thu phát điện của Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam, hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn về tài chính, đảm bảo đủ kinh phí duy trì, vận hành hệ thống truyền tải ổn định và an toàn, đồng thời tạo điều kiện tăng nguồn thu cho ngân sách.
Mới đây, ngày 5/12, báo cáo tại buổi thăm và làm việc của đoàn công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm, Tỉnh ủy Ninh Thuận nhấn mạnh ngành năng lượng tái tạo là thế mạnh, đột phá nhưng còn khó khăn do quy hoạch, cơ chế chính sách, giá, ban hành chậm và nhiều vướng mắc; tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng truyền tải điện chậm (57 dự án với công suất 3.700MW, trong đó 36 dự án điện mặt trời, 21 dự án điện gió, hàng năm lên lưới 8,7 tỷKWh). Do đó, để hỗ trợ tỉnh tận dụng thành công thời cơ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh trong thời gian tới; tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ Chính trị có chủ trương trình Quốc hội ban hành các nhóm chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận, trong đó có việc thu hút đầu tư để phát triển năng lượng tái tạo bền vững thúc đẩy hình thành các trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước; trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo liên vùng. Tỉnh cũng đề nghị Trung ương sớm cho ý kiến, có cơ chế xử lý vướng mắc các dự án điện mặt trời, điện gió theo Kết luận 1027/KL-TTCP ngày 28/4/2023 của Thanh tra Chính phủ, trong đó có dự án điện mặt trời, điện gió của tỉnh Ninh Thuận để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Về việc này Trung ương đã cho chủ trương tháo gỡ khó khăn trong dự án để tránh lãng phí. Bộ Công thương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đã tiến hành rà soát và trình cấp cao vào ngày 26/11/2024 một đề án giải quyết khó khăn của các dự án, theo hướng xem xét, hướng dẫn các bộ, ngành khắc phục các sai phạm. Ngay khi có chủ trương của cấp có thẩm quyền, Chính phủ chỉ đạo, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Ninh Thuận để tiến hành tháo gỡ khó khăn. Kết luận buổi làm việc, nhấn mạnh về tiềm năng, thế mạnh của Ninh Thuận về phát triển năng lượng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng nếu giải quyết tốt vấn đề năng lượng thì đời sống của Nhân dân Ninh Thuận sẽ rất tốt. Về một số vướng mắc các dự án điện gió, điện mặt trời hiện nay, Tổng Bí thư đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Bộ Công thương phải nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, vướng mắc, để thúc đẩy sự phát triển các dự án năng lượng của quốc gia nói chung, trong đó có các dự án năng lượng ở Ninh Thuận. "Tiền bạc của Nhà nước, của doanh nghiệp, của Nhân dân. Anh có phải có trách nhiệm xử lý, sai đến đâu xử lý đến đó. Trong cái sai đó có cả quản lý của Nhà nước, ai quản lý sai, ai vi phạm thì phải xử lý", Tổng Bí thư Tô Lâm nói. |