Nhanh chóng gỡ điểm nghẽn cho năng lượng tái tạo Ninh Thuận

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Bộ Công thương phải nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, vướng mắc, để thúc đẩy sự phát triển các dự án năng lượng của quốc gia nói chung, trong đó có các dự án năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận.
Phó Thủ tướng: Giải quyết dứt điểm vướng mắc tại các dự án điện tái tạo Phó Thủ tướng: Giải quyết dứt điểm các dự án điện tái tạo vi phạm

Khó thành trung tâm năng lượng tái tạo nếu không gỡ nghẽn

Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã có bước phát triển mạnh mẽ về lĩnh vực năng lượng tái tạo, với mục tiêu xây dựng địa phương thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, là ngành kinh tế trụ cột. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc cần sự tháo gỡ, giúp sức của Trung ương để bảo đảm các điều kiện về nguồn lực, cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo bền vững.

Ninh Thuận được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Theo đó, tốc độ gió đạt từ 6,4-9,6m/giây (trung bình đạt 7,5m/s), lớn hơn so với cả nước, lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng, là điều kiện thuận lợi bảo đảm ổn định cho tuabin gió phát điện. Còn lượng bức xạ mặt trời từ 1.780 đến 2.015kWh/m2/năm; sự chênh lệch bức xạ giữa các mùa trong năm không nhiều; tổng số giờ nắng trong năm đạt từ 2.500 đến 3.100 giờ/năm, cao nhất cả nước, rất thuận lợi để phát triển hiệu quả các dự án điện mặt trời.

Với chính sách khuyến khích các loại hình điện năng lượng tái tạo và nhất là Nghị quyết số 115/NQ/CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về một số cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023, trong đó Chính phủ chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước (điện gió, điện mặt trời), tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển ngành kinh tế này.

Theo báo cáo của tỉnh Ninh Thuận, sự phát triển điện gió, điện mặt trời đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương chuyển biến mạnh mẽ. Chỉ tính riêng 3 năm gần đây, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng lần lượt so với các năm trước, năm 2020: 39,4%; năm 2021: 24,6%; năm 2022: 9,3%. Hằng năm, Ninh Thuận đóng góp sản lượng điện vào hệ thống lưới điện quốc gia đều tăng, năm 2020 khoảng 6 tỷ kWh; năm 2021 đạt 6,822 tỷ kWh, năm 2022 gần 7 tỷ kWh.

Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận là một trong những địa phương cơ bản đã lập đầy đủ quy hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thu hút đầu tư phát triển nhiều dự án. Mục tiêu đến năm 2025, tổng công suất tăng thêm khoảng 3.000MW để đạt công suất tích lũy 6.500MW (điện mặt trời 3.440MW, điện gió trên bờ và gần bờ 1.200MW, thủy điện 360MW, điện khí thiên nhiên hóa lỏng-LNG 1.500MW); sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh.

Nhanh chóng gỡ điểm nghẽn cho năng lượng tái tạo Ninh Thuận
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, vướng mắc, để thúc đẩy sự phát triển các dự án năng lượng của quốc gia nói chung, trong đó có các dự án năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận.

Tỉnh Ninh Thuận cơ bản thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Trong đó, ngành năng lượng, năng lượng tái tạo đóng góp 22% GRDP và 29% tổng thu ngân sách của tỉnh; giải quyết 5,5% nhu cầu việc làm trong 4 ngành kinh tế trọng điểm; đạt 9-10% công suất lắp đặt trong cơ cấu toàn quốc; tiêu thụ đạt 20% sản lượng điện toàn tỉnh. Hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối cao với hệ thống lưới điện khu vực, quốc gia, phù hợp với định hướng phát triển quy hoạch và đáp ứng hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận.

Ngoài ra, đến năm 2030, điện gió trên đất liền phát triển khoảng 1.429MW; điện gió ven biển khoảng 4.380MW; điện gió ngoài khơi khoảng 2.000MW và đến năm 2045 phát triển khoảng 21.000MW; điện mặt trời khoảng 8.448MW. Cùng với đó, tỉnh Ninh Thuận cũng lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện, thành phố đến năm 2030, trong đó có phân bổ quỹ đất để phát triển các dự án năng lượng tái tạo với tổng diện tích 8.146ha... Tuy vậy, quá trình phát triển năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận vẫn còn có những điểm nghẽn, cần sự vào cuộc từ nhiều phía.

Theo tìm hiểu, hiện tại Ninh Thuận vẫn còn một số dự án điện năng lượng tái tạo chưa được công nhận vận hành thương mại. Không những thế, các dự án đưa vào vận hành thương mại phát lên lưới điện còn tình trạng bị cắt giảm công suất. Việc cắt giảm này làm thiệt hại rất lớn đến doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư các dự án năng lượng mới trên địa bàn tỉnh, khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trước những khó khăn, tỉnh Ninh Thuận đã đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sớm hướng dẫn những nhà đầu tư đàm phán khung giá phát điện các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp; điều phối, huy động tối đa công suất phát điện tránh gây lãng phí, hỗ trợ về nguồn lực trong điều kiện nhiều nơi còn xảy ra thiếu điện.

Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị các cấp sớm ban hành chính sách giá điện mới tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đã có trong quy hoạch và kêu gọi thu hút đầu tư các dự án mới. Cùng với đó, tỉnh đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, phân cấp cho các địa phương về thẩm quyền chuyển đổi đất rừng sang đất khác để thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt các dự án hạ tầng truyền tải điện.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, kế hoạch đưa ra mục tiêu phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng, dịch vụ du lịch, đô thị ven biển của cả nước. Trong đó, xây dựng trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận.

Để Ninh Thuận trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng, các chuyên gia cho rằng, các cấp có thẩm quyền cần sớm có những chính sách, cơ chế tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà hiện nay các dự án năng lượng tái tại đang gặp phải.

Cơ chế đặc thù giải quyết triệt để những vướng mắc

Hồi giữa tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên có buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận về tháo gỡ khó khăn liên quan tới việc triển khai các Quy hoạch điện VII, VIII.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ trưởng đã cùng với các đồng chí lãnh đạo bộ và các đơn vị chức năng thuộc vộ đã và đang rất nỗ lực, rất thiện chí ủng hộ, giúp đỡ, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của Ninh Thuận. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số vướng mắc cần phải xử lý một các đồng bộ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, để giải quyết những vướng mắc gây cản trở trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản, Bộ Công thương đã thông qua Bộ Chính trị, Chính phủ và hiện nay là Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình lên dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Theo đó, tất cả những khó khăn, vướng mắc mà chúng ta phát hiện ra trong quá trình thực tiễn vận hành Luật Điện lực hiện nay đều được đề cập trong Luật Điện lực (sửa đổi), hiện luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Nhanh chóng gỡ điểm nghẽn cho năng lượng tái tạo Ninh Thuận
Một dự án điện năng lương tái tạo tại Ninh Thuận.

"Đây là cơ sở để chúng ta giải quyết một cách triệt để những vướng mắc gây khó khăn trên phạm vi cả nước, trong đó có tỉnh Ninh Thuận", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương đã trình và được đồng ý chủ trương để trình với Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ trình với Bộ Chính trị một cơ chế đặc thù giải quyết triệt để những vướng mắc trong Kết luận thanh tra 1027 của Thanh tra Chính phủ về lĩnh vực điện.

"Tất nhiên, cơ chế đặc thù này chỉ được ban hành khi và chỉ khi những kết luận của Thanh tra Chính phủ được triển thực hiện ở mức tối đa, nghĩa là những gì có thể thực hiện được thì phải thực hiện, còn những gì không thể thực hiện thì mới xin cơ chế đặc thù", Bộ trưởng nêu.

Giải đáp những kiến nghị cụ thể của tỉnh Ninh Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trước hết, Bộ Công thương hoàn toàn ủng hộ tỉnh Ninh Thuận sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, năng lượng tái tạo của cả nước bởi Ninh Thuận hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi hơn bất kể một địa phương nào trong khu vực, cũng như cả nước.

Đồng thời, Quy hoạch điện VIII đã xác định Ninh Thuận là địa điểm triển khai nhiều dự án nguồn và truyền tải các loại hình nguồn điện. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Ninh Thuận khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư và phối hợp triển khai theo kế hoạch được phê duyệt, một mặt là để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mặt khác để thực hiện những mục tiêu đã đề ra; đồng thời, đề nghị tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo để phát triển các dự án trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản.

Bên cạnh đó, theo Kết luận 1027 và Kết luận 1631 của Thanh tra Chính phủ trong lĩnh vực khoáng sản, trước hết cần thực hiện những nội dung có thể thực hiện được, còn những điều vướng, không làm được thì mới báo cáo và xin cơ chế đặc thù.

Mới đây, ngày 5/12, báo cáo tại buổi thăm và làm việc tại Ninh Thuận của đoàn công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, những năm qua trên địa bàn Ninh Thuận đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, vận hành và đang hoạt động với tổng công suất năng lượng tái tạo 3.750MW, bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời (chiếm 18% năng lượng tái tạo của cả nước). Với tổng công suất này địa phương mới tiêu dùng hết 16%, còn lại 84% đang truyền tải đi các địa phương khác. Nếu phải truyền tải đi vùng sâu, vùng xa thì giá sẽ rất khác.

Trong Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, Ninh Thuận tiếp tục đầu tư 3.200MW, trong đó có 1.500 MW điện khí ở khu vực Cà Ná. Số còn lại là năng lượng tái tạo gồm thủy điện tích năng, điện gió, điện mặt trời, chưa kể là điện mặt trời áp mái mà Chính phủ đã chủ trương cho phát triển theo hình thức tự sản tự tiêu.

Luật Điện lực sửa đổi và Quy hoạch điện VIII dự kiến sẽ sửa đổi và bổ sung trong quý I/2025 cho phép phát triển tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo của các vùng miền trong cả nước nếu chứng minh được phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương và chứng minh được đầu tư năng lượng tái tạo sẽ hiệu quả hơn so với đầu tư vào các ngành kinh tế khác.

Đồng thời, Chính phủ đã có chủ trương, cơ chế cho mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện lớn và khách hàng sử dụng điện lớn, chủ trương phát triển điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản tự tiêu. Trong khi đó, Ninh Thuận có tiềm năng rất lớn về năng lượng gió để phát triển năng lượng tái tạo. Với những tiềm năng vô cùng lớn trên, Ninh Thuận hoàn toàn có thể phát triển tối đa nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai gần để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của vùng và cả nước.

"Vì thế, Ninh Thuận hoàn toàn có khả năng là nơi thu hút đầu tư, trung tâm công nghiệp dịch vụ, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vùng; trung tâm đổi mới sáng tạo và trung tâm dữ liệu quốc gia, hướng đến trung tâm dữ liệu của vùng, Việt Nam, ASEAN và của cả thế giới", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói và nhấn mạnh thêm: "Ninh Thuận có đủ các điều kiện, vì vậy, Bộ Công thương hoàn toàn ủng hộ tất cả các đề xuất để Ninh Thuận phát triển năng lượng tái tạo, trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước; trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng sạch của vùng; trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm dữ liệu vùng và quốc gia".

Nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn

Theo báo của của Tỉnh ủy Ninh Thuận tại buổi làm việc với Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 5/12, tỉnh này nhấn mạnh ngành năng lượng tái tạo là thế mạnh, đột phá nhưng còn khó khăn do quy hoạch, cơ chế chính sách, giá, ban hành chậm và nhiều vướng mắc; tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng truyền tải điện chậm (57 dự án với công suất 3.700MW, trong đó 36 dự án điện mặt trời, 21 dự án điện gió, hàng năm lên lưới 8,7 tỷKWh).

Do đó, để hỗ trợ tỉnh tận dụng thành công thời cơ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh trong thời gian tới; tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ Chính trị có chủ trương trình Quốc hội ban hành các nhóm chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận, trong đó có việc thu hút đầu tư để phát triển năng lượng tái tạo bền vững thúc đẩy hình thành các trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước; trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo liên vùng.

Tỉnh cũng đề nghị Trung ương sớm cho ý kiến, có cơ chế xử lý vướng mắc các dự án điện mặt trời, điện gió theo Kết luận 1027/KL-TTCP ngày 28/4/2023 của Thanh tra Chính phủ, trong đó có dự án điện mặt trời, điện gió của tỉnh Ninh Thuận để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Về việc này Trung ương đã cho chủ trương tháo gỡ khó khăn trong dự án để tránh lãng phí. Bộ Công thương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đã tiến hành rà soát và trình cấp cao vào ngày 26/11/2024 một đề án giải quyết khó khăn của các dự án, theo hướng xem xét, hướng dẫn các bộ, ngành khắc phục các sai phạm. Ngay khi có chủ trương của cấp có thẩm quyền, Chính phủ chỉ đạo, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Ninh Thuận để tiến hành tháo gỡ khó khăn.

Kết luận buổi làm việc, nhấn mạnh về tiềm năng, thế mạnh của Ninh Thuận về phát triển năng lượng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng nếu giải quyết tốt vấn đề năng lượng thì đời sống của Nhân dân Ninh Thuận sẽ rất tốt.

Về một số vướng mắc các dự án điện gió, điện mặt trời hiện nay, Tổng Bí thư đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Bộ Công thương phải nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, vướng mắc, để thúc đẩy sự phát triển các dự án năng lượng của quốc gia nói chung, trong đó có các dự án năng lượng ở Ninh Thuận.

"Tiền bạc của Nhà nước, của doanh nghiệp, của Nhân dân. Anh có phải có trách nhiệm xử lý, sai đến đâu xử lý đến đó. Trong cái sai đó có cả quản lý của Nhà nước, ai quản lý sai, ai vi phạm thì phải xử lý", Tổng Bí thư Tô Lâm nói.

Nhấn mạnh quá trình phát triển của Ninh Thuận còn chưa tương xứng với tiềm năng, Tổng Bí thư chỉ rõ những thế mạnh để phát triển như tiềm năng du lịch; kinh tế biển, cảng biển và trung tâm dịch vụ logistics; năng lượng điện mặt trời, điện gió; công nghiệp muối và hóa chất sau muối… Tất cả giá trị tiềm tàng của Ninh Thuận rất lớn cần có cách nhìn mới mang tính thời đại, toàn cầu, mang hơi thở của kỷ nguyên vươn mình để đánh thức tiềm năng đang ẩn chứa trong đất và người Ninh Thuận.

Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Tổng Bí thư đề nghị các Ban đảng Trung ương, Chính phủ và bộ, ngành Trung ương tìm hướng xử lý, giải quyết với quan điểm Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các địa phương chủ động, sáng tạo, phát huy được tiềm năng, thế mạnh.

Hậu Lộc
Phiên bản di động