Chính phủ lý giải quy định cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn
Nên quy định ngưỡng phạt lái xe có nồng độ cồn Không nên cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn |
Nên hay không việc cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn
Ở phiên thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa qua, có nhiều ý kiến trái chiều về quy định cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn.
Theo đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa), việc quy định nghiêm cấm tuyệt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Chính phủ đã có ý kiến giải trình hợp lý.
Theo đó, quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất các tai nạn nghiêm trọng.
Trên thực tế, việc xử lý quyết liệt vi phạm liên quan đến nồng độ cồn có tác dụng tích cực nhất định về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, ông Trí cho rằng, quy định này cũng có phần chưa phù hợp dưới góc độ văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam, cũng như về mặt sinh học…
Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa). |
Do đó, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng quy định này trên cơ sở yêu cầu thực tiễn, các căn cứ khoa học, đảm bảo tính khả thi.
Tương tự, đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) đồng tình "không nên quy định cứng nhắc, cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn".
Ông Bình đề nghị thiết kế quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tức cho phép lái xe có nồng độ cồn nhất định, nếu vượt ngưỡng cho phép mới bị xử phạt.
"Một người uống ly nước nho ngâm đường cho dễ tiêu hóa nhưng khi lái xe, nếu đo nồng độ cồn thì vẫn bị xử phạt. Điều này chưa hợp lý và chưa thuyết phục, dễ gây tranh cãi khi người dân bị thổi nồng độ cồn", ông Bình nêu ví dụ.
Chính phủ lý giải nguyên nhân cấm tuyệt đối
Ngược lại với các ý kiến trên, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) ủng hộ quy định cấm lái xe có nồng độ cồn.
Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, tác hại của người tham gia giao thông mà trong người có nồng độ cồn là rất lớn, 50% vụ tai nạn nghiêm trọng có nguyên nhân là từ việc lái xe trong máu có nồng độ cồn.
Ảnh minh họa. |
Mặt khác, theo ông Thịnh, việc cho phép uống rượu ở mức nào đấy sẽ tạo ra không gian thúc đẩy hành vi vi phạm. Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của nước ta chưa cao nên quy định cấm sẽ phù hợp hơn.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội của Chính phủ, quy định cấm hành vi "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn.
Nội dung này cũng thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 6 Điều 5 quy định "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" là hành vi bị cấm).
Theo Chính phủ, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông và thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.
Chính phủ đánh giá, sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể.
Với ý kiến đề nghị điều chỉnh theo hướng quy định mức tỷ lệ nồng độ cồn cụ thể được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Chính phủ cho biết sẽ nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi.