Chiến dịch Huế - Đà Nẵng qua lời kể của người lính thông tin

Chiến dịch Huế - Đà Nẵng đã góp phần làm nên thành công của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975. 49 năm qua đi, nhưng những ký ức của những ngày chiến đấu năm xưa vẫn còn đọng lại trong tâm trí của ông Nguyễn Văn Chi, cựu Đài trưởng thuộc Tiểu đoàn 1, Bộ Tư lệnh Quân sự Quân khu 5.
Giới thiệu tài liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 Những người lính "hóa đá bất tử" Tuyến xe khách Huế - Đà Nẵng chuyển thành tuyến xe buýt liền kề

"Khai man" để được tòng quân

Gia đình ông Nguyễn Văn Chi (thôn Xuân Phong, xã Đông Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) vốn rất giàu truyền thống cách mạng. Cha ông là bộ đội thời kháng chiến chống Pháp và bị địch bắt tù đày. Trong nhà, cả năm anh em ông Chi đều khoác màu áo lính, cống hiến tuổi trẻ cho nước nhà.

Người lính thông tin ấy năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng đôi mắt ông vẫn sáng lên khi nói về thời trai trẻ của mình. Trầm ngâm nhớ lại, ông Chi kể: “Tôi tham gia quân đội từ năm 17 tuổi, chưa đủ tuổi đi tham gia nghĩa vụ. Khi ấy, tôi nặng 54kg, cao lêu nghêu như một cái sào nên rất tự tin mình sẽ không bị phát hiện chưa đủ tuổi. Nhưng anh cán bộ tuyển quân lúc ấy vẫn nghi ngờ tôi “khai man” để được đi bộ đội, nên đã hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần. Nhưng tôi vẫn thiết tha xin được đi lính, cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Cuối cùng, may mắn là tôi vẫn được tòng quân cùng với bạn bè”.

Chiến dịch Huế - Đà Nẵng qua lời kể của cựu Đài trưởng
Ở tuổi thất thập, cựu chiến binh Nguyễn Văn Chi vẫn vô cùng khỏe mạnh và nhiệt tình. Gặp gỡ ông, người ta nhận ra ngay phẩm chất của người lính Việt Nam, kỷ luật, nghiêm túc nhưng cũng hết sức chân thành và hào sảng.

Sức khỏe ông Chi khi ấy được xếp loại A, đủ điều kiện để trở thành một người lính đặc công. Khi nghe tin, ông rất vui mừng và hào hứng chờ đợi đợt huấn luyện 3 tháng tại đơn vị được chỉ định. Tuy nhiên, kế hoạch đột ngột bị thay đổi chỉ vài ngày trước khi ông chính thức tham gia huấn luyện. Thay vì trở thành đặc công, ông được chỉ định huấn luyện trở thành lính thông tin, chuyên tiếp nhận và xử lý điện báo, dịch mã Morse mà không phải ra chiến trường.

Ông Chi cười, kể lại: “Lúc ấy tôi buồn lắm. Tôi nói với anh em đồng đội: ‘Làm lính mà không cầm súng ra chiến đấu thì nói làm gì?". Nhưng tôi vẫn tiếp nhận huấn luyện theo chỉ định của cấp trên, lòng tự an ủi rằng nhiệm vụ của mình trong tương lai cũng hết sức quan trọng, có đóng góp lớn trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc thân yêu”.

Năm 1972, chiến sĩ Nguyễn Văn Chi đã đảm nhận vai trò báo vụ, thường xuyên tiếp nhận các bức điện báo từ Tổng bộ ngoài miền Bắc chỉ đạo cho chiến trường miền Trung. Sau 3 năm công tác, ông được cấp trên đặc biệt chú ý bởi khả năng tiếp nhận và ghi chép chính xác các thông tin khẩn cấp. Sau đó, ông được thăng cấp cấp Đài trưởng, phục vụ trực tiếp cho lãnh đạo Bộ Tư lệnh quân khu 5. Nhiệm vụ của ông là thu thập mã Morse từ các nguồn thông tin và chuyển giao cho bộ phận cơ yếu tiến hành dịch mã một cách tối mật. Ngoài việc thu mã Morse, ông cũng chịu trách nhiệm huấn luyện các đồng chí lính thông tin về kỹ năng gõ mã Morse.

Ông Chi nhớ lại: "Tôi thường đóng quân trên nhiều khu đồi núi lớn bởi phải làm việc trên điểm cao để đảm bảo thu phát sóng hiệu quả. Mỗi khi đến giờ cơm, các anh chị em đồng chí sẽ nấu ở suối tận dưới thung lũng, cơm chín thì lại gọi nhau xuống ăn cơm. Mà gọi cũng rất riêng, tránh bị địch phát hiện nhưng vẫn muốn trêu nhau cho vui nên mấy đồng chí đã bày ra trò giả tiếng chim hót, thú rừng để "đối đáp" nhau. Đường lên xuống thì vừa dài vừa khó leo trèo, chúng tôi bảo nhau 'ăn được miếng khoai mì thì leo hết quả đồi là lại đói'. Gọi là cơm cho "sang" chứ chỉ toàn khoai mì, lá sắn, măng rừng, may ra thì bọc ngoài được lớp áo gạo mỏng. Ấy thế mà cứ ngày 3 bữa, leo lên leo xuống, sức thanh niên ăn ít chạy nhiều mà vẫn khỏe, vẫn chiến đấu được tốt lắm".

Tung "tin giả" làm nhiễu loạn địch

Ông Chi kể: “Để phục vụ cho chiến dịch Huế - Đà Nẵng làm tiền đề cho chiến dịch Giải phóng miền Nam năm 1975, mỗi đêm tôi phải tiếp nhận và ghi chép hàng trăm bức điện khẩn, thượng khẩn khác nhau. Các bức điện đều là chìa khóa hết sức quan trọng để những người đứng đầu có thể đưa ra chỉ thị, quyết định sống còn cho quân ta nên tôi không dám trễ nải. Đói hoa cả mắt, run cả tay hay có buồn ngủ rũ người vẫn phải ôm chặt lấy máy thu phát để nhận tín hiệu. Mà đâu dễ dàng gì khi địch liên tục đánh phá ác liệt, các cột thu truyền sóng của ta đôi khi bị sập dẫn đến đường dây liên lạc bị gián đoạn, là một Đài trưởng tôi phải tìm ra phương án khắc phục ngay lập tức”.

Người lính thông tin chia sẻ, việc thu Morse nhanh hay chậm tùy thuộc vào độ dài của bản điện và đòi hỏi sự nhạy bén, đôi tai tinh tường và chú ý đến từng âm thanh nhỏ khi nghe tín hiệu. Địch liên tục sử dụng các thiết bị phá sóng đa tần khiến cho ông vô cùng khó khăn khi tiếp sóng. Nhưng do đã quen với những trò “phá bĩnh” của địch, ông Chi đã tự tìm ra cách khắc phục khi đã nắm vững quy luật phá sóng ở các tần số của chúng, duy trì mạng lưới thông tin an toàn, bảo mật. Đồng thời, những bức điện của ta đều được quy định bằng mặt mã, có khi địch bắt được điện tín của ta cũng không dịch được, có khi ta tiến công và đánh chiếm mục tiêu rồi địch mới dịch được bức điện của ta.

Chiến dịch Huế   Đà Nẵng qua lời kể của cựu Đài trưởng linh
Những người lính thông tin ngày ấy (ảnh: TTXVN)

Nhớ lại lúc bị địch “bày trò phá bĩnh”, ông Chi vẫn tỏ ra rất “bức xúc”, thậm chí dằn tay lên bàn khá mạnh khi “vạch tội” kẻ thù: “Bọn nó (địch) bày đủ trò. Khi thì nó phá sóng bằng cách chèn tiếng gà mái kêu đẻ, cứ “cục cục tác, cục tác” vào tần sóng để chúng tôi không thể ghi được điện báo. Khi thì chúng phát nhạc Tây ầm ĩ, át hết cả tần số quân ta. Rồi máy bay phá sóng của chúng cứ bay là là quanh các khu nghi ta đóng quân như trêu tức. Tôi với anh em “cay cú” bảo nhau ‘Không phải lính thông tin thì “ông đây” lấy súng ra bắn bụng (máy bay) mày cho bõ ghét’.

Rồi có một lần, thằng Thiệu (Cựu Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu) nó đi máy bay ra khu vực chúng tôi đóng quân. Cứ bay qua bay lại cả ngày mà rải truyền đơn và phát loa kêu gọi quân ta đầu hàng. Trên thì loa cứ phát, truyền đơn cứ rải, dưới thì anh em Tiểu đoàn “gân cổ” chửi mắng nó ầm ĩ cho bõ ghét. Bắn máy bay nó ngồi không được vì phần bụng máy bay được bọc thép kiên cố. Khoảnh khắc ấy, tôi vẫn nhớ mình “chưa bao giờ ước ao có ngay một khẩu súng cối hoặc bazooka được nạp đạn sẵn sàng” để “nã” vào máy bay Nguyễn Văn Thiệu đang ngồi đến thế. Tức lắm, uất đến phát điên chứ” – ông Chi cau mày nhấn mạnh.

Chiến dịch Huế - Đà Nẵng qua lời kể của cựu Đài trưởng
Quân ta thành công giành lại khu vực Tòa án Quân sự Đà Nẵng (ảnh: TTXVN)

“Tôi may mắn vì đơn vị tôi đóng quân nằm sâu trong rừng, bao bọc bởi núi non trùng điệp. Địch rất khó dò ra được sóng để xác định vị trí đóng quân để đánh phá. Khi đang thu phát tín hiệu, nếu để địch bắt được sóng vô tuyến, chúng sẽ có cơ sở để xác định vị trí và bắn tên lửa vào căn cứ. Một vài đồng đội của tôi khi xưa cùng tham gia huấn luyện lính thông tin đã nằm xuống mãi mãi khi đang thực hiện nhiệm vụ cũng chỉ bởi lý do ấy”. Ông bảo, nghĩa tình đồng đội trải qua nhiều năm nhưng vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu bởi lẽ, những người lính xa lạ chẳng quen biết nhau, nhưng lại cùng chung chí hướng diệt thù.

Kể về ngày đánh chiếm thành công sân bay Đà Nẵng, ông Chi nhớ lại: “Trước khi ta chiếm được sân bay Đà Nẵng, tôi đã phải làm việc thâu đêm suốt sáng gần 2 tuần trời. Vừa tiếp nhận điện chỉ huy, vừa phát đi hàng chục, hàng trăm bức điện giả để làm nhiễu loạn thông tin của địch. Kiệt sức đến mức ngất đi, tỉnh dậy tôi được đồng đội mang khoai, sắn luộc đến “chi viện” để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi hồi hộp hàng đêm khi nhận những bức điện tối khẩn, dịch ngay (ZN) vì những thông tin then chốt ấy là chìa khóa cho trận đánh giải phóng Huế - Đà Nẵng. Nằm ở địa phương, nghe tiếng súng vọng lại từ phía xa xa cùng với tiếng tích – te đều đều của máy thu phát khiến trái tim tôi đôi khi khựng lại mấy nhịp vì bồi hồi”.

Chiến dịch Huế   Đà Nẵng qua lời kể của cựu Đài trưởng

Trong 3 ngày, từ 26/3/2975 đến 29/3/2975, ông Chi cùng Tiểu đoàn đã di chuyển về phía sân bay Đà Nẵng để chi viện cho quân ta. Khi nhận được thông tin ta đã chiếm sân bay Đà Nẵng thành công, ông và đồng đội đã “nhảy cẫng lên, reo hò ầm ĩ và khóc òa” khi tất cả đều hiểu, giờ đây việc Giải phóng miền Nam, Giải phóng Sài Gòn là việc trong tầm tay quân ta.

"Các anh em đồng đội và tôi vừa hò hét, vừa gõ mũ gõ xoong nồi ầm ĩ khi nghe tin. Tôi cùng đội lính thông tin hồ hởi thu dọn máy móc, trang thiết bị để đi sang "căn cứ mới". Có anh em vừa dọn vừa khóc sụt sịt như trẻ con. Chẳng trách được, bao nhiêu vất vả gian lao giờ mới được đền đáp, cảm xúc vỡ òa là điều dễ hiểu" - Ông Chi rưng rưng nói.

Địch tháo chạy tán loạn, Đài trưởng Nguyễn Văn Chi và anh em đồng đội di chuyển toàn bộ máy móc về đóng quân tại sân bay Đà Nẵng. Vị Đài trưởng đã rất bất ngờ, vui mừng khi biết quân ta đã thu được chiến lợi phẩm là nhiều máy móc thu phát sóng vô tuyến, radar rất hiện đại. Ông còn được làm việc tại hầm chỉ huy trước đây của tên Trung tướng VNCH Ngô Quang Trưởng. Nhắc đến việc này, Trung úy Nguyễn Văn Chi vô cùng tự hào và hóm hỉnh khoe: “Năm ấy, tớ "oai" lắm, được làm việc ở hầm thằng chỉ huy địch hẳn hoi nhé”.

Chiến dịch Huế   Đà Nẵng qua lời kể của cựu Đài trưởng
Quân ta tiến đánh vào kinh thành Huế (ảnh: TTXVN)
Chiến dịch Huế - Đà Nẵng qua lời kể của cựu Đài trưởng linh
Quân ta chiếm thành công Sân bay Đà Nẵng (ảnh: TTXVN)
Chiến dịch Huế   Đà Nẵng qua lời kể của cựu Đài trưởng
Sân bay Đà Nẵng thất thủ, địch tháo chạy tơi bời, quân đội Việt Nam chiếm lại căn cứ thành công

Qua những thử thách của chiến tranh, cựu chiến binh Nguyễn Văn Chi đã cống hiến tuổi thanh xuân, tài năng và tâm huyết của mình, hết lòng vì nhiệm vụ của một người lính thông tin. Dù đã về quê sống trong cảnh nông nhàn, ông Chi cũng rất năng nổ hoạt động trong các công việc cơ quan Đảng ủy tại địa phương.

Ông từng là nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đông Lĩnh (nay là Đông Quan, Đông Hưng, Thái Bình) với nhiều đóng góp đáng chú ý cho chính quyền và Nhân dân địa phương. Giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa và trở thành những câu chuyện buồn vui được kể lại, những người lính năm nào vẫn không khỏi bồi hồi nhớ lại mùa xuân huy hoàng của năm 1975. Bởi đối với họ, đó là một mùa xuân thực sự, tràn đầy khát vọng cống hiến Tổ quốc yêu thương.

Vào những ngày cuối của Chiến dịch Tây Nguyên, khi phát hiện địch rút lui từ tuyến phòng thủ Quảng Trị và có kế hoạch rút lui từ Huế và tập trung ở Đà Nẵng, Quân ủy Trung ương đã ra chỉ thị cho Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn 2 mở chiến dịch giải phóng Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế và Huế - Đà Nẵng sớm hơn dự kiến.

Ngày 21/3/1975, quân ta tiến công sâu vào căn cứ và bao vây quân địch trong thành phố Huế. Ngày 25/3/1975, lực lượng ta tiêu diệt địch ở các cửa biển Thuận An và Tư Hiền và chiếm giữ các cơ sở quan trọng.

Ngày 26/3/1975, thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên - Huế được giải phóng, uy hiếp quân địch ở Đà Nẵng từ phía bắc. Đồng thời, các lực lượng vũ trang của Quân khu 5 tiến công và nổi dậy, giải phóng Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Chu Lai và toàn bộ phía nam Quân khu 5. Cuộc tiến công Đà Nẵng bắt đầu ngay sau khi ta giải phóng thành công Huế, và vào 29/3/1975, thành phố này đã bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn, đánh dấu việc giải phóng thành công thành phố lớn thứ hai ở miền Nam.

Tùng Linh
Phiên bản di động