Giới thiệu tài liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954
Làm rõ ý nghĩa, tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ Triển lãm hơn 300 tài liệu, hiện vật về nền giáo dục thời quân chủ Trưng bày hơn 300 tài liệu tại Triển lãm “Đấu xảo - Nơi tinh hoa hội tụ” |
Tham dự buổi thông báo có sự hiện diện của Đại tá Nguyễn Bội Giang, Đại tá - Nhà báo Trần Hồng (cựu chiến binh tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ), GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng lãnh đạo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cùng các nhà báo, phóng viên báo chí, truyền hình.
Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã chia sẻ thông tin về khối tài liệu lưu trữ về Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneva năm 1954. Theo bà, Trung tâm đang bảo quản một lượng lớn hồ sơ và tài liệu liên quan đến cả hai sự kiện.
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. |
Các tài liệu này tái hiện chân thực về bối cảnh lịch sử, quá trình lãnh đạo và chuẩn bị cho chiến dịch, diễn biến và kết quả của chiến dịch cũng như ý nghĩa của nó trong lịch sử. Bên cạnh đó, tài liệu còn phản ánh quá trình phối hợp, sự góp sức chung tay của cả nước trong cuộc chiến lịch sử tại Điện Biên Phủ.
Khối tài liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneva năm 1954 tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đóng vai trò quan trọng trong việc ghi lại một phần của sự vĩ đại và hào hùng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.
Trong kho tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, không chỉ là những bản ghi chính thức của các cơ quan nhà nước như Phủ Thủ tướng, Quốc hội, Bộ Lao động, Bộ Nội vụ, Uỷ ban Kháng chiến Hành chính liên khu III, Uỷ ban hành chính Khu tự trị Tây Bắc, Uỷ ban Kháng chiến Hành chính khu Tả Ngạn, Nha Giao Thông; mà còn là những hình ảnh sống động về thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954), bao gồm tài liệu ảnh từ Bộ Ngoại giao.
Ngoài ra, còn có tài liệu, tư liệu, sách, báo cá nhân từ các cá nhân nổi tiếng như Đặng Thai Mai, Đại tá Hà Văn Lâu.
Những văn bản quý giá được lưu trữ tại Trung tâm |
Hình ảnh về những sự kiện lịch sử quan trọng thời điểm 1954 đã được bảo quản và lưu trữ cẩn thận |
Không chỉ là một bảo tàng lịch sử, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III còn là điểm giao thoa văn hóa, lịch sử giữa các quốc gia. Ngoài ra, trong vô số các văn bản được lưu trữ lại, còn chứa đựng những câu chuyện, tâm tư của dư luận quốc tế về cuộc chiến Điện Biên Phủ; sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đối với các thương bệnh binh và hàng binh; cũng như tinh thần lạc quan và sự hy sinh của quân và dân ta trong chiến dịch lịch sử này.
Khối tài liệu đặc biệt nhấn mạnh về sự lãnh đạo tài tình và những quyết sách chiến lược nhạy bén của Đảng và Chính phủ, cũng như sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ độc lập dân tộc. Nó cũng thể hiện rõ vai trò quan trọng của sự đoàn kết và quyết tâm của toàn dân, toàn quân trong cuộc đấu tranh, cũng như đánh giá cao vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng chỉ huy chiến dịch.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát tình hình mặt trận |
Là người kề cận bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp những năm kháng chiến ác liệt, Đại tá - Nhà báo Trần Hồng bày tỏ sự xúc động khi chứng kiến những tài liệu lịch sử quan trọng đã được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tận tâm giữ gìn, phục dựng
Ông bày tỏ: "Quý vị đã giữ được những tài liệu trân quý, phản ánh sự thật. Xin nhấn mạnh hai chữ "sự thật", bởi tài liệu rất đa chiều, đến từ nhiều phía, kể cả Pháp hay những phóng viên nước ngoài đến tác nghiệp tại chiến trường năm ấy. Tất cả cùng hợp nhất để phản ánh một bức tranh chân thật về cuộc chiến "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" của quân và dân ta trong năm 1954. Những tài liệu này sẽ là nền tảng cho thế hệ mai sau luôn có cơ hội tìm hiểu, học hỏi và nghiên cứu lâu dài, đem lại giá trị vững bền cho tương lai".
Đại tá - Nhà báo Trần Hồng |
Khối tài liệu liên quan đến Hội nghị Geneva năm 1954, bao gồm các văn kiện, hình ảnh về bối cảnh lịch sử, diễn biến và kết quả của hội nghị, cũng như tác động và quá trình thực thi hiệp định sau này, phản ánh một cách sinh động về diễn biến của hội nghị, cũng như sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, khối tài liệu liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneva được bảo quản cẩn thận, đóng góp quan trọng cho nghiên cứu về lịch sử, quân sự, ngoại giao và văn hóa của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, nhấn mạnh: "70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là một sự kiện lịch sử quan trọng của Việt Nam. Tổ chức giới thiệu tài liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneva nhằm lan tỏa giá trị của chiến dịch này, đưa thông điệp về Chiến thắng Điện Biên Phủ đến với công chúng, đặc biệt là truyền đạt giá trị yêu nước đến với các thế hệ trẻ."
Bà Nguyễn Thị Nga và bà Trần Việt Hoa ân cần mang tài liệu lịch sử đến bên Đại tá Nguyễn Bội Giong, tránh để vị cựu chiến binh 98 tuổi phải di chuyển nhiều. |
Bà Nga cũng cho biết: "Để kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đang hợp tác với Bảo tàng Lịch sử trong việc tổ chức triển lãm và xuất bản sách. Đặc biệt, chúng tôi cũng phối hợp với Lưu trữ Quốc gia Pháp, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để tổ chức Triển lãm Quan hệ Việt Nam - Pháp: Từ Điện Biên Phủ đến đối tác chiến lược, với nguồn tài liệu đa dạng từ nhiều cơ quan, tổ chức."
Sau đây là một vài hình ảnh về buổi giới thiệu:
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc cẩn thận quan sát những tài liệu được lưu trữ |
Để hiểu kỹ về những ghi chép lịch sử mang tính chiến lược này cần rất nhiều thời gian nghiên cứu |
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tặng quà lưu niệm các vị khách mời |
Tài liệu về Hiệp định Geneva |
Những bức ảnh quý được lưu lại |
Chất liệu giấy của tài liệu xưa khá mỏng, cần sự chăm sóc đặc biệt ở nhiệt độ lạnh. Các chuyên viên cần sát trùng, đeo bao tay khi làm việc với các tài liệu quý này. |
Khuông nhạc ghi lại những nốt âm vang bi tráng, hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ. |