Cầu kỳ thú chơi hoa thủy tiên trong văn hóa Hà Nội xưa
Xu hướng chơi cây Tết theo phong cách "bền vững" của Gen Z Di tích lịch sử ở Hà Nội “ghi điểm” nhờ tích cực chuyển đổi số Thị trường cây cảnh "nở sớm" trước mùa Tết 2024 |
Một nét văn hóa xưa của Hà thành diễm lệ
Người Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với sự cầu kỳ và tao nhã, thể hiện rõ từ lời ăn tiếng nói đến những thú chơi truyền thống.
Như người xưa truyền tai nhau câu nói: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".
Câu nói này khắc sâu tinh thần người Hà Nội, nơi mà hoa thủy tiên không chỉ là một thú chơi, mà còn là biểu tượng của sự thanh lịch và tinh tế.
Bên bàn trà ngày xuân của người Hà Nội, những đóa thủy tiên tinh khôi khoe sắc điểm màu cho câu chuyện năm mới thêm tươi sáng. |
Ngược dòng về những thế kỷ 18 - 19, trước Tết khoảng một tháng, các gia đình quyền quý tìm mua những củ hoa thủy tiên to đẹp.
Người con gái lớn trong nhà sẽ đảm nhận tay dao tay kéo cắt gọt để chuẩn bị cho thời khắc hoa nở đúng giao thừa.
Xưa kia, tại đền Bạch Mã có cuộc thi thưởng hoa thủy tiên nhưng đến những năm 1960 thì bị thất truyền.
Trải qua những thăng trầm theo dòng lịch sử, ngày nay nghệ thuật bonsai hoa thủy tiên vẫn tồn tại nhờ những con người yêu màu sắc Hà Nội cổ xưa.
Đặc biệt, những tâm huyết của những người trẻ, đam mê khám phá nét đẹp truyền thống, đã làm cho thú chơi hoa thủy tiên trở nên thanh nhã hơn bao giờ hết.
Trong tác phẩm "Một người Hà Nội", nhà văn Nguyễn Khải đã dựng lên hình tượng một người phụ nữ Hà Nội gốc cầu kỳ, kỹ tính, thông minh, thanh lịch từ lối sống đến miếng ăn, cách ứng xử hàng ngày.
Khi viết về nhân vật cô Hiền ngồi lau chùi chiếc bát hoa thủy tiên, ông đã trải bút: "Bên ngoài trời rét, mưa rây lả lướt chỉ đủ làm ẩm áo chứ không làm ướt, lại nhìn một bà lão (nếu là một thiếu nữ thì phải hơn) lau đánh cái bát bày thủy tiên thấy Tết quá, Hà Nội quá, muốn ở thêm ít ngày ăn một cái tết Hà Nội.
Hình ảnh người con gái Hà Nội ngồi tỉa củ thủy tiên cho mùa Tết có nét gì đó yêu kiều, đằm thắm mà lại hết sức trầm mặc, suy tư. |
Năm nay chắc chưa thể có thủy tiên. Dân Hà Nội nhảy tàu lên Lạng Sơn buôn bán đủ thứ mà lại không buôn được vài ngàn củ thủy tiên nhỉ? Ví thử có thủy tiên liệu còn có người biết gọt tỉa thủy tiên? Lại thêm cái cách sống, cái tâm lý sống ồ ạt, xô bồ, vụ lợi của đám người vừa thoát khỏi cái chết cái khổ đã dễ gì có được sự bình tĩnh để thưởng thức vẻ đẹp trang trọng của một rò hoa thủy tiên".
Hương sắc của thủy tiên mang đầy chất quý phái, như chén ngọc đĩa ngà nở ra với mùi hương tinh khiết, quyến rũ và cao sang. Bát hoa thủy tiên đẹp không chỉ là sự kết hợp tinh tế của lá xanh, rễ trắng như ngọc mà còn là sự phối hợp hài hòa của những búp hoa nhiều tầng, nhiều tán, và mỗi bông nở nhụy vàng duyên dáng.
Cánh hoa trắng tinh khôi và lấp lánh giống như kim tuyến thêm phần làm nổi bật vẻ đẹp tao nhã của thú chơi hoa thủy tiên.
Đối với những người “sành” thủy tiên, đây là loài hoa vừa khó tính và dễ tính, đòi hỏi sự tận tâm và kỹ thuật cao trong quá trình chăm sóc.
Từ quá trình gọt tỉa đến việc thay nước và chải rễ hàng ngày, mỗi bước đều yêu cầu người chơi sự tỉ mẩn như chăm sóc một đứa trẻ.
Chọn củ thủy tiên phải thông thạo, nhẹ nhàng, và công đoạn gọt phải được thực hiện với sự tinh tế, để tạo nên những bát hoa thủy tiên tuyệt vời. Bởi phải tinh mắt, kỹ lưỡng, khéo tay như vậy nên chăm hoa thủy tiên mới “khó”.
Nhưng khi đã hiểu hoa, yêu hoa thì những công đoạn kỳ công ấy lại trở nên quen thuộc trong từng đường dao, nút buộc.
"Nàng tiên nước" nghiêng mình theo điệu múa bên "dòng suối bạc" đầy trang nhã |
Người xưa tin rằng, nếu có một bát hoa thủy tiên nở đúng thời khắc giao thừa, năm mới sẽ đầy may mắn, bình an, vạn sự như ý. Thủy tiên không chỉ là thú chơi mà còn được sử dụng để thờ cúng trong những ngày Tết, tạo thêm sự trang trí và ý nghĩa tâm linh cho không gian gia đình.
Sự thanh tao, tĩnh lặng của thủy tiên giúp người chơi tránh xa khỏi sự hối hả của cuộc sống hiện đại.
Sự dễ biến đổi của lá, rễ thủy tiên khiến nó trở nên sống động, nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với người chơi, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tận tâm.
Hướng dẫn chăm sóc và tỉa hoa thủy tiên mùa Tết Giáp Thìn
Đối với việc chăm sóc những chậu thủy tiên duyên dáng cho dịp Xuân sắp tới, yếu tố đầu tiên người trồng cần chú ý đó là thời điểm. Hoa thủy tiên nở phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện thời tiết.
Trong điều kiện trời nóng ẩm, quá trình nở hoa sẽ diễn ra nhanh chóng, trong khi thời tiết lạnh có thể làm chậm quá trình này.
Thông thường, sau khoảng 20 - 25 ngày, hoa thủy tiên sẽ bắt đầu nở, cho phép chúng ta lựa chọn thời gian gọt củ từ mùng 5 đến mùng 9 tháng 12 âm lịch.
Chăm sóc hoa thủy tiên đòi hỏi người chơi phải "hiểu" hoa và dành tâm sức, thời gian cho từng chậu cây |
Đối với năm nhuận thời tiết ấm hơn, giả sử ở miền Bắc, việc gọt củ có thể diễn ra trước tết khoảng 21 - 22 ngày, trong khi ở miền Trung và Nam, thích hợp nhất là khoảng 15 tháng Chạp. Trong giai đoạn ngâm nước, thời tiết có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào điều kiện cụ thể.
Việc chuẩn bị những củ hoa thủy ưng ý cần được ưu tiên kỹ càng. Củ thủy tiên có thể mua tại các hàng cây cảnh, đặc biệt là khu chợ Bưởi, với thời gian thích hợp là từ tháng 11 âm lịch. Khi chọn củ, nên lựa chọn củ già, chắc tay, đồng đều, nhiều củ phụ tròn và phình to.
Đối với giá cả, mức dao động từ 30 - 50 nghìn đồng mỗi củ. Trong trường hợp chưa sẵn sàng gọt tỉa, giữ nguyên lớp đất bảo vệ củ.
Khi tiến hành cắt tỉa củ hoa thủy tiên, người chơi nên chuẩn bị những loại dao nhỏ, sắc để đảm bảo vết cắt ngọt, gọn gàng tránh gây thương tổn sâu cho hoa.
Các vết cắt và gọt sẽ lành sau vài ngày, vì vậy, quá trình gọt củ thủy tiên chủ yếu là bóc các lớp vỏ để lộ ra lá và hoa, tạo hình dáng theo ý muốn.
Việc gọt, tỉa, cạo, và cắt là quy trình tạo ra chậu thủy tiên có lá uốn lượn thấp, hoa vươn cao duyên dáng.
Hoa thủy tiên có thể được cắt tỉa theo nhiều hình dáng đa dạng khác nhau tùy vào sở thích, nhưng người chăm hoa cần nắm được ý tưởng tạo hình cho cây. Bởi chỉ cần sẩy tay một đường, cả một củ thủy tiên đẹp hoàn toàn có thể bị phá hủy. |
Đầu tiên, dùng dao tách nhẹ từng lớp vỏ củ cho đến khi lộ hoàn toàn các mầm củ. Các mầm nhỏ mọc xiên xẹo được cắt bỏ, chỉ giữ lại các mầm chính giữa củ nằm thẳng hàng nhau.
Bóc bao mầm: Rãnh giữa các mầm được khoét, bao mầm sẽ được bóc để lộ mầm hoa ra. Bạn có thể lựa chọn theo kẽ lá để xẻ một đường từ trên xuống dưới và khéo léo lựa mũi dao vào bao bọc mầm cây để bóc từ từ. Điều này đòi hỏi sự khéo léo để tránh rạch vào mầm hoa hoặc xén vào lá mầm.
Xén lá và cạo cuống hoa: Lá thủy tiên nếu để tự nhiên sẽ mọc thẳng, che mất hoa, vì vậy, việc xén lá sẽ tạo cho lá có độ cong và uốn lượn dưới hoa. Cuống hoa cũng cần được cạo nhẹ để tạo độ uốn cong, tạo nên lọ thủy tiên mềm mại.
Thủy dưỡng: Sau khi gọt, đặt củ hoa trong chậu nước khoảng 4 - 6 tiếng, thay nước mỗi lần. Chùi sạch các vết cắt rồi xả và ngâm lại vào nước.
Sau hai ngày, lửa củ lên và đặt củ trong lọ hoặc bát thủy tinh, phủ bông hoặc khăn ướt lên phần củ cắt lộ để tránh bị khô và thâm. Sau bốn đến năm ngày ngâm nước, lá non sẽ bắt đầu mọc ra.
Điều chỉnh thời điểm nở hoa: Trong khoảng 5 - 6 ngày từ khi hoa nhú đến khi hé nở, bạn có thể điều chỉnh thời điểm này bằng nhiệt độ và ánh sáng.
Muốn củ ra hoa sớm, sử dụng nước ấm, phơi ngoài nắng ban ngày và chiếu sáng bằng đèn điện ban đêm. Ngược lại, nếu muốn củ ra hoa muộn, sử dụng nước lạnh và để ở nơi râm mát hoặc tối.
Thủy tiên thích ứng được với nhiều loại chậu và hợp với nhiều kiểu bày trí đa dạng khác nhau |
Thú chơi hoa thủy tiên không chỉ là một sở thích mà còn là nghệ thuật và văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó là sự kết hợp của kiến thức, nghệ thuật và lòng đam mê, làm nổi bật vẻ đẹp bền vững trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
Trong sự bùng nổ của thế giới sống động, thú chơi hoa thủy tiên đưa người chơi đến gần với cái đẹp tinh tế, giúp họ trải nghiệm sự thanh tao và tĩnh lặng, như một chuyến du lịch ngắn giữa những thời khắc quan trọng của năm mới. Thủy tiên không chỉ là hoa, nó là biểu tượng của nghệ thuật sống, là sự kết nối với quá khứ và hy vọng cho tương lai.