Chống thao túng ngân hàng: Giải pháp giảm tỷ lệ sở hữu lúc này không phù hợp

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, giải pháp giảm tỷ lệ sở hữu nhằm chống sở hữu chéo, thao túng ngân hàng khi sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là không phù hợp lúc này...
Vốn ngân hàng vào bất động sản lại lo thêm rào cản Ngân hàng ACB khuyến mãi cho doanh nghiệp thanh toán thuế điện tử Thủ tướng yêu cầu tăng cường thanh tra, giám sát chặt chẽ hoạt động các ngân hàng

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo dự thảo, tỷ lệ sở hữu tối đa tại một tổ chức tín dụng được đề xuất giảm so với quy định hiện hành.

Cụ thể, tỷ lệ sở hữu tối đa của cá nhân giảm từ 5% xuống 3%, của tổ chức giảm từ 15% xuống 10% và của nhóm cổ đông có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.

Đề xuất trên cùng với việc mở rộng khái niệm người có liên quan có thể là nhằm chống lại tình trạng sở hữu chéo, tăng tính đại chúng trong sở hữu các tổ chức tín dụng, từ đó cải thiện tính minh bạch, giảm xung đột lợi ích khi cấp tín dụng và tăng tính an toàn cho các ngân hàng.

Những tồn tại trên thị trường trái phiếu thời gian qua dấy lên lo ngại tình trạng sở hữu chéo, doanh nghiệp sân sau trong các ngân hàng thương mại cổ phần chưa được xử lý dứt điểm, buộc phải có giải pháp căn cơ để khắc phục.

Chống thao túng ngân hàng: Giải pháp giảm tỷ lệ sở hữu lúc này không phù hợp
Ảnh minh họa.

Theo VCCI, mục tiêu tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng là cần thiết, song biện pháp tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu tối đa dường như không phải là giải pháp phù hợp vào thời điểm này.

VCCI cho rằng, tỷ lệ sở hữu tối đa ở các mức 5%, 15% và 20% ở Việt Nam hiện nay đã tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, tình trạng cấp tín dụng tập trung cho một nhóm khách hàng có liên quan vẫn thường xuyên diễn ra, làm tăng rủi ro của hệ thống.

"Như vậy, dường như quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa đã không thực sự phát huy tác dụng, các cổ đông dù không rơi vào trường hợp người có liên quan theo định nghĩa của luật, vẫn có liên kết chặt chẽ với nhau để đồng thuận cấp tín dụng rất tập trung", VCCI đánh giá và cho biết, kết luận của Thanh tra Chính phủ đầu tháng 7/2023 cho thấy tình trạng cấp tín dụng tập trung vẫn diễn ra tại một số ngân hàng.

Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu của một số cổ đông cao không phải là vấn đề trực tiếp gây mất an toàn hệ thống ngân hàng. Nếu tỷ lệ sở hữu cao dễ dẫn đến xung đột lợi ích, khiến hoạt động cấp tín dụng thường được điều hướng vào cho các khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn mà không dựa trên các nguyên tắc và chuẩn mực phù hợp, từ đó mới gây mất an toàn cho ngân hàng.

Ở chiều ngược lại, tỷ lệ sở hữu tối đa quá thấp cũng không thực sự tốt cho việc quản trị ngân hàng. Khi đó, các cổ đông sẽ không thực sự gắn bó với hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Các cổ đông lớn thường không chỉ đầu tư tiền bạc mà còn mang theo cả công nghệ, quy trình quản trị vào các ngân hàng, giúp các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn.

Mặt khác, phương án giảm tỷ lệ sở hữu sẽ khiến một số cổ đông hiện hữu phải bán lại cổ phần của họ. Điều này không bảo đảm nguyên tắc bảo vệ quyền tài sản theo Hiến pháp.

Theo VCCI, một số quốc gia khác khi có sự thay đổi quy định pháp luật theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng thường chỉ áp dụng cho các giao dịch mua bán cổ phần sau khi quy định mới có hiệu lực, mà không bắt buộc các cổ đông hiện hữu phải bán cổ phần của mình.

Trên cơ sở đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định theo hướng thay vì giảm tỷ lệ sở hữu thì nên quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan với cổ đông sở hữu từ 3% trở lên đối với cá nhân, 5% đối với tổ chức và 10% đối với nhóm cổ đông.

Trong trường hợp vẫn quy định giảm tỷ lệ sở hữu thì không nên áp dụng hồi tố đối với các trường hợp đã sở hữu trước ngày luật này có hiệu lực…

Hậu Lộc
Phiên bản di động