Căn cước gắn chip không thể theo dõi di chuyển của công dân

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc sử dụng thẻ căn cước điện tử có gắn chip, Bộ Công an và bất cứ cơ quan nào cũng không thể theo dõi tình hình di chuyển của công dân...
Đại biểu Quốc hội băn khoăn tên gọi “căn cước công dân” hay “căn cước” Cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi góp phần giảm bớt thủ tục hành chính

Ngày 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Căn cước, đây là tên gọi mới của Luật Căn cước công dân theo đề nghị của Chính phủ.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá việc tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước vừa nhằm hướng tới mục tiêu quản lý Nhà nước toàn diện, vừa tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng thông tin cá nhân.

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, đại biểu Quốc hội cho rằng chỉ nên thể hiện những thông tin mang tính chất ổn định, không trùng lắp; cân nhắc một số thông tin chưa phù hợp; đề nghị không nên sử dụng QR code, chỉ nên dùng chip điện tử trên thẻ căn cước.

Căn cước gắn chip không thể theo dõi di chuyển của công dân
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể, bảo đảm không trùng lặp, thống nhất giữa các loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay của công dân.

Bên cạnh đó, việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thống nhất với sự cần thiết cấp thẻ căn cước điện tử cho công dân mang lại nhiều tiện lợi khi được tích hợp nhiều thông tin.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, nhiều công dân lo ngại căn cước gắn chíp, căn cước điện tử liệu có bị theo dõi. Do đó, để người dân an tâm, đại biểu đề nghị Bộ Công an giải thích, làm rõ về vấn đề này.

Căn cước gắn chip không thể theo dõi di chuyển của công dân
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, liên quan đến việc sử dụng thẻ gắn chip song song với sử dụng mã QR code, đề nghị cân nhắc theo hướng chỉ sử dụng chip điện tử trên thẻ căn cước.

Theo đại biểu Phúc, như vậy là đảm bảo các điều kiện sử dụng, khai thác thông tin khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự và không nên tích hợp mã QR code cùng chip điện tử trên thẻ căn cước.

Giải trình về lo ngại việc sử dụng thẻ căn cước gắn chip và mã QR code sẽ bị theo dõi, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định không theo dõi và không thể theo dõi được.

"Bộ Công an hay bất cứ cơ quan nào cũng không thể theo dõi tình hình di chuyển của công dân. Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh cho công dân sử dụng thẻ căn cước", Bộ trưởngTô Lâm khẳng định.

Đại tướng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu giải trình các vấn đề đại biểu nêu, hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Hậu Lộc
Phiên bản di động