Cán bộ Đoàn, người trẻ phải vượt qua cám dỗ

'Mặc dù trong các tổ chức thì Đoàn vẫn là tổ chức khiêm tốn, đáng yêu hơn cả. Nhưng theo tôi thì Đoàn vẫn phải rất cảnh giác, tránh xa các cám dỗ, các bệnh hình thức, hành chính hóa. Làm sao phải gần gũi với thanh niên', nguyên Bí thư T.Ư Đoàn Phạm Phương Thảo nói.
Người trẻ đổ xô đi phẫu thuật để giống ảnh 'sống ảo' trên mạng xã hội Một thế hệ người trẻ Việt hoang mang khi bước ra thế giới
can bo doan nguoi tre phai vuot qua cam do
Hội thảo diễn ra ngày 19/5. Ảnh: Trường Phong

Trao đổi tại Hội thảo Khoa học Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng 19/5, Bí thư Thành Đoàn TP HCM Phạm Hồng Sơn cho rằng, điều cần học đầu tiên ở Bác là ở tính hành động.

“Bác nói là Bác thực hiện, khi thực hiện đều rất quyết liệt. Điều này hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh của đất nước thời bấy giờ và ngay trong giai đoạn hiện nay. Sự hành động rất cần thiết, không chỉ với Đoàn thanh niên mà trong tất cả các cấp các ngành, sự hành động vì dân, vì sự phát triển của cộng đồng là rất quan trọng”, anh Sơn nói.

Anh Sơn trích dẫn một đoạn bài viết của Bác: “Tôi khuyên các bạn chớ đặt ra những chương trình kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần đến to, từ dễ dần đến khó, từ thấp dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hiện hẳn hoi hơn là trăm chương trình to tát mà không làm được”, đồng thời cho rằng, điều này thể hiện tư tưởng to lớn của Người, đó là đã nói là làm, làm bằng những công việc rất cụ thể.

Thành Đoàn TP HCM cũng đã có nhiều chương trình làm theo tinh thần và lời dạy của Bác, tuy nhiên vẫn có những hạn chế, đôi khi là sự chọn lọc chưa chu đáo, chương trình đặt ra lớn nhưng kết quả còn cần có thời gian để đánh giá...

Anh Sơn nhấn mạnh đến việc học tập, tu dưỡng theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh và niềm tin vào thế hệ trẻ. Dù thừa nhận, ở đâu đó có bộc lộ một chút lo lắng, băn khoăn, nhưng từ góc độ một người làm công tác thanh niên, anh Sơn cho rằng thế hệ đi trước hoàn toàn có thể an tâm vào thế hệ trẻ.

“Có thể ở trong xã hội cũng còn nhiều vấn đề chúng ta không mong muốn, những hiện tượng người trẻ dính vào tệ nạn, nhưng sự trưởng thành, sự phát triển của đất nước, trong đó có những đóng góp của người trẻ là một điều tiên quyết. Hình ảnh của những người trẻ đang hừng hực khí thế trên các công trường nhà máy, trong lao động, sản xuất, trong chiến đấu rất đáng được ghi nhận”, anh Sơn nói.

Theo anh Sơn, trong cuộc sống, nếu vượt qua được những cám dỗ thì sẽ trưởng thành.

“Bác có viết cho thanh niên thế này, học cái tốt thì khó, ví như leo núi phải vất vả khó nhọc mới lên đến đỉnh được, còn học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi, trượt chân một cái là ngã xuống vực sâu. Chúng ta tin tưởng trong xã hội cái tốt còn rất nhiều, chỉ có điều làm sao khơi gợi, lan tỏa để hạn chế cái xấu, chứ cái xấu không bao giờ lấn át được cái tốt. Trong thời gian qua Đoàn đã cố gắng, nỗ lực nhưng chưa đủ sức để làm tốt hơn. Đó không chỉ trách nhiệm của Đoàn mà còn là các cấp cac ngành”, anh Sơn nói.

Chia sẻ với ý kiến này, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn Phạm Phương Thảo cho rằng, tổ chức Đoàn phải gần với thanh niên, lắng nghe thanh niên. Thủ lĩnh thanh niên phải gặp gỡ, đối thoại, xử lý các vấn đề của thanh niên. Phong trào thanh niên cần gắn với thực tiễn đời sống xã hội.

“Vừa rồi, việc thanh niên tham gia kêu gọi làm sạch môi trường, nhặt rác, trồng cây đã tạo uy tín, niềm tin trong người dân”, bà Thảo đánh giá.

Cùng với đó, bà Thảo cũng cho rằng, tổ chức Đoàn, cán bộ Đoàn phải cảnh giác trước những cám dỗ, biểu hiện “quan Đoàn”, hành chính hóa. “Mặc dù trong các tổ chức thì Đoàn vẫn là tổ chức khiêm tốn, đáng yêu hơn cả. Nhưng theo tôi thì Đoàn vẫn phải rất cảnh giác, tránh xa các cám dỗ, các bệnh hình thức, hành chính hóa. Làm sao phải gần gũi với thanh niên”, bà Thảo nói thêm.

Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong:

Học Bác phải trở thành việc làm thường xuyên

“Tìm đọc lại những trang bản thảo Di chúc của Bác từ năm 1965, ngay lần đầu tiên chuẩn bị cho việc đi xa của mình, Đoàn viên và thanh niên đã được Bác yêu thương quan tâm, nhắc đến ngay sau khi nói về Đảng, bởi lẽ trong suốt cuộc đời của mình, Đoàn viên, thanh thiếu nhi là đối tượng nhận được nhiều tình cảm, tin tưởng, sự quan tâm dạy bảo, định hướng của Bác Hồ.

Trong Di chúc, Đoàn viên thanh niên được Bác đặt vào vị trí người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa hồng vừa chuyên, là lực lượng cách mạng cho tương lai. Tư tưởng này nhất quán theo Bác cho đến bản Di chúc chính thức năm 1969. Đó là sự quan tâm, tầm nhìn chiến lược của Bác cho tương lai của Đảng, cho đất nước. Đó còn là sự quan tâm rất đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn viên, thanh niên trong sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc.

Cuộc vận động tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần được tiếp tục với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực của từng cá nhân. Tổ chức học tập và làm theo tấm gương của Bác phải dần trở thành việc làm thường xuyên, là quá trình đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi hoàn thiện mình hơn, phải luôn nhớ lời căn dặn của Bác, việc gì cũng phải thiết thực, nói được, làm được.

Bằng tinh thần và lực lượng to lớn của mình, tuổi trẻ Việt Nam sẽ đóng góp sức mình để xây dựng nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác hằng mong muốn”

Nguyễn Anh
Theo TPO
Phiên bản di động