Bài 2: Nỗ lực kết nối cộng đồng sáng tạo
Bản sắc làm nên sự khác biệt
Sáng 22/11, tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã diễn ra Đối thoại “Thành phố sáng tạo Hà Nội – Hội luận người trong ngành”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, được thực hiện bởi Hội đồng Anh và Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Tại đây, những người trong ngành công nghiệp sáng tạo như KTS Đoàn Kỳ Thanh, nhà thiết kế Vũ Thảo, diễn giả Poppy Jarratt… đã cùng thảo luận về việc xây dựng Thành phố sáng tạo thiết kế.
Trong một không gian khá mở, bên tách café, không còn khoảng cách của diễn giả với người tham dự, các sinh viên, cộng đồng sáng tạo cùng nhau trò chuyện vô cùng cởi mở về việc xây dựng một cộng đồng sáng tạo.
Nhà báo Trương Uyên Ly và diễn giả Poppy |
Diễn giả Poppy với vai trò là điều phối mạng lưới thiết kế của thành phố Dundee (Scotland) đã chia sẻ về việc cô tích cực phát triển quan hệ hợp tác quốc tế với mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Poppy dành nhiều tâm huyết để kiến tạo những cơ hội cho các nhà thiết kế của Dundee và cho ra đời Dundee Design Census – một công cụ để khuyến khích các cơ hội cho các nhà thiết kế.
Poppy cho rằng, Hà Nội cũng giống như nhiều thành phố khác trên thế giới, việc trở thành Thành phố Sáng tạo mở ra một chặng đường mới cho việc xây dựng thương hiệu và bản sắc của một thành phố.
Trong khi đó, nhà thiết kế Vũ Thảo, một gương mặt trẻ, nhà sáng lập và giám đốc sáng tạo của Kilomet109 – một thương hiệu thời trang môi trường của Hà Nội lại đem đến những câu chuyện về việc theo đuổi một hướng đi bền vững. Chị đã cộng tác với nhiều cộng đồng nghệ nhân thủ công bản địa ở khắp các vùng miền ở Việt Nam để trồng cây, quay sợi, in và nhuộm vải cho Kilomet109.
Chị chia sẻ, trong lĩnh vực thiết kế rất cần tạo nên sự khác biệt. “Bản sắc giúp ta có sự khác biệt, là “mật mã riêng của chúng ta”. Đó chính là vốn liếng bạn có bên trong. Và những thiết kế của người Việt rất cần có bản sắc” – chị nói.
Nhà thiết kế Vũ Thảo trao đổi với các bạn trẻ về việc tạo ra sự khác biệt cho các thiết kế |
Cần những không gian vật lý cho cộng đồng sáng tạo
Đáng chú ý, sự có mặt của kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, người luôn bền bỉ với các dự án sáng tạo tại Hà Nội và dành cho người Hà Nội khiến nhiều bạn trẻ hào hứng. Anh và các cộng sự, đối tác từng tạo dựng nên tổ hợp Zone 9, X98, Hà Nội Creativity City, đồng thời theo đuổi rất nhiều các mô hình dự án sáng tạo, phát triển, thu hút đông đảo giới trẻ. Những mô hình này tạo ra được công ăn việc làm và có sức ảnh hưởng đến đời sống văn hóa – tinh thần của người dân Hà Nội.
Ngồi “lê la café” với anh tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, nhiều bạn trẻ đã thẳng thắn đặt câu hỏi về việc làm thế nào để có thể kết nối cộng đồng sáng tạo hay việc chọn lựa những di sản.
KTS Đoàn Kỳ Thanh trò chuyện cởi mở với các bạn trẻ về kết nối cộng đồng sáng tạo |
“Nghĩ về công nghiệp sáng tạo, anh nghĩ trước tiên đến điều gì?” – Trước câu hỏi này, KTS Đoàn Kỳ Thanh đáp: “Tôi tìm cách kết nối những người sáng tạo với nhau để tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo. Làm thế nào để tạo ra sự cộng hưởng trong ngành sinh thái sáng tạo? Đó là rất cần không gian vật lý để mọi người gặp gỡ nhau, tạo cảm hứng thật sự từ nơi chốn như vậy. Không gian vật lý ấy phải đủ lớn để tạo thành hệ sinh thái” – KTS Đoàn Kỳ Thanh nói.
Nhiều câu hỏi đặt ra về việc một số những cơ sở công nghiệp cũ tại TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… có nét tương đồng như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, liệu có thể trở thành những không gian sáng tạo được không? Theo kinh nghiệm của KTS Đoàn Kỳ Thanh, khi chọn một địa điểm để biến nó thành một tổ hợp sáng tạo cần tính đến vị trí, giao thông, phương tiện đi lại và khả năng kết nối vùng.
“Tôi lấy ví dụ, Bảo tàng Hà Nội không phải là một không gian sáng tạo tiềm năng và hiện rất lãng phí dù diện tích rộng. Bởi lẽ, nơi này đang bị kẹt giữa 2 đường cao tốc, các tuyến đường chia cắt, khả năng tiếp cận rất hạn chế” – KTS Thanh đánh giá.
Về việc xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo Hà Nội và phát triển nguồn lực, vị KTS này cho rằng, việc tổ chức những sự kiện như thế này chỉ mang tính chất lan tỏa, nâng cao nhận thức. Về lâu dài, chính quyền cần phải coi đó là những sự kiện thường nhật, tạo thành một lối sống văn hóa trong cộng đồng.
“Khi chưa có điều kiện, bước đầu, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những chợ sáng tạo, tại đây, ai có sản phẩm, ý tưởng gì thì chia sẻ và bán. Sáng tạo vốn ở trong tất cả các ngành nghề chứ không phải riêng lĩnh vực nghệ thuật. Do đó, khi có không gian, những ý tưởng đó được cộng hưởng và kết nối. Công nghiệp sáng tạo phát triển từ đó” – KTS Đoàn Kỳ Thanh chia sẻ giải pháp.
Đối thoại “Thành phố sáng tạo Hà Nội – Hội luận người trong ngành” diễn ra tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sáng 22/11 |
Cũng bày tỏ sự lạc quan về Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, anh Thanh cho rằng, với nguồn lực, sự cố gắng của cộng đồng sáng tạo và những gì hiện có thì Lễ hội năm nay được coi là thành công, bởi sự kiện được lan tỏa và đã nâng tầm nhận thức của cộng đồng về ngành công nghiệp sáng tạo.
“Với một không gian di sản rộng như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Lễ hội có thể vươn tầm quốc tế chứ không đơn thuần là của một thành phố. Tuy nhiên, với những gì đang bắt đầu, sự tham gia đông đảo của cộng đồng sáng tạo, của chính quyền, của người dân…, chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai sáng hơn về những không gian sáng tạo của thành phố từ những di sản công nghiệp như thế này” – vị kiến trúc sư này nói.
Nhà báo Trương Uyên Ly: Tôi cho rằng, Lễ hội năm nay đã thành công về quy mô. Mọi người có không gian để hoạt động, vui chơi. Lực lượng giới trẻ ở các trường đại học như ĐH Kiến trúc, Đại học Xây dựng,.. tham gia rất đông đảo. Bên cạnh đó, vẫn còn có những khó khăn chung mà việc giải quyết không thuộc phạm vi của thành phố, mà nằm ở các cơ quan, bộ phận khác nhau. Những doanh nghiệp sáng tạo chưa có pháp nhân mà phần lớn hoạt động như một doanh nghiệp xã hội. Tuy vậy, chính quyền TP và cộng đồng sáng tạo đang rất nỗ lực để làm nên một Lễ hội thành công. Vì thế, tới đây, rất cần sự thay đổi về luật pháp để hỗ trợ cho cộng đồng sáng tạo – những người cốt lõi cần được hưởng lợi. |
(Còn nữa)
Chuyên gia Pháp hiến kế tái thiết di sản công nghiệp hiệu quả |
Đánh thức hệ giá trị di sản dọc bờ sông Hồng |
"Dòng chảy" khơi nguồn sáng tạo từ di sản |
Khẳng định thương hiệu Thành phố sáng tạo |