"Dòng chảy" khơi nguồn sáng tạo từ di sản
Tham dự lễ khai mạc có bà Ramla Khalidi – Quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam; Ông Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch; Ông Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Ông Phạm Quý Tiên, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố; Ông Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cùng đông đảo cộng đồng sáng tạo và Nhân dân Thủ đô.
Để di sản công nghiệp trở thành không gian sáng tạo
Phát biểu khai mạc tại lễ khai mạc, bà Vũ Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm ra đời cách đây gần 120 năm. Nơi đây từng là những phân xưởng do người Pháp quản lý và từng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử ngành đường sắt nước ta. Hệ thống nhà xưởng, máy móc hiện tại được xây dựng, lắp đặt hơn 40 năm trước.
“Nhắc lại lịch sử của nhà máy là dịp để chúng ta có thể cảm nhận rõ hơn chủ đề của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo năm 2023 với chủ đề “Dòng chảy” – bà Vũ Thu Hà nói.
Đồng chí Vũ Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu |
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh, Thăng Long - Hà Nội hình thành, phát triển gắn liền với dòng chảy sông Cái - sông Hồng. Trong tương lai, Hà Nội tiếp tục đặt sông Hồng vào trung tâm của phát triển. Và Dòng chảy còn mang ý nghĩa tượng trưng, đó là sự kế thừa, tiếp nối quá khứ vào trong cuộc sống hiện đại mà những gì diễn ra tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm hôm nay là thí dụ điển hình. Trên nền những phân xưởng sản xuất - nơi ghi dấu ấn của sự phát triển công nghiệp hàng trăm năm qua - sẽ là những triển lãm, những màn trình diễn nghệ thuật, những cuộc hội thảo, toạ đàm.
“Việc sản xuất của Nhà máy sẽ được di dời đến một nơi khác, nhưng những hoạt động này là gợi ý, để di sản của Nhà máy có thể sẽ được tiếp nối, được tái sinh, trở thành những không gian văn hoá - sáng tạo” – Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà nói.
Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và Phó Chủ tịch UBND Vũ Thu Hà tham dự lễ khai mạc |
Cũng theo bà Vũ Thu Hà, Hà Nội nghìn năm văn hiến là nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, Thành phố vì hòa bình với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề. Hà Nội cũng là nơi hội tụ những di sản công nghiệp hàng đầu của cả nước, với những nhà máy, xưởng sản xuất từ thời Pháp thuộc, cho đến những nhà máy, phân xưởng được xây dựng ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO (UCCN) trong lĩnh vực Thiết kế năm 2019. Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định, dù có hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều hoạt động bị đình trệ, Hà Nội đã có nhiều hoạt động để cụ thể hoá những cam kết xây dựng Thành phố Sáng tạo.
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng |
Cụ thể, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, ưu tiên triển khai hiệu quả, thiết thực các chương trình đầu tư để bảo tồn, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn; các dự án, công trình văn hóa trọng điểm như: Hoàng thành Thăng Long, đền thờ Ngô quyền, Thành Cổ Loa; các công trình văn hóa mới tiêu biểu, có không gian cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
"Hà Nội cũng duy trì, phát triển quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng thiết thực, hiệu quả, tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại, ngoại giao văn hóa, giao lưu hợp tác với các thành phố, thủ đô các nước, các thành phố là thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO… và là thành viên tích cực trong liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước" - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh
Các đại biểu tham dự |
Hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo
Phát biểu tại buổi lễ, bà Ramla Khalidi – quyền Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nói, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 chắc chắn là một sự kiện quan trọng đối với người dân Hà Nội cũng như du khách để tôn vinh nguồn lực văn hóa sáng tạo phong phú của Thủ đô.
Bà Ramla Khalidi – quyền Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam |
“Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội là ví dụ điển hình cho thấy sự thành công của thành phố trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành thủ đô sáng tạo của Việt Nam. Thông qua quan hệ đối tác công tư góp phần thúc đẩy một ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo vô cùng năng động và hướng đến giới trẻ, Hà Nội đã chứng minh văn hóa có thể được coi là động lực cho phát triển kinh tế xã hội khi huy động nguồn năng lượng trẻ dồi dào để đổi mới và biến thành phố thành một nơi chốn tốt đẹp hơn cho mọi công dân của mình”, bà Ramla Khalidi thông tin.
Các đại biểu nhấn nút khai mạc Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 |
Ngoài ra, bà cũng bày tỏ vui mừng: “Chúng tôi đã được lắng nghe các đồng nghiệp, những người thực hành sáng tạo và người dân Hà Nội chia sẻ những trải nghiệm và ấn tượng tích cực của họ về sự chuyển mình này của Thủ đô. Qua những công trình nghệ thuật và sáng tạo, chúng ta có thể nhìn và cảm nhận cách mà sự phát triển của các nguồn lực văn hóa trong thành phố đã và đang đem lại sức sống mới cho đô thị này. Với hơn một nghìn năm bề dày truyền thống được truyền qua nhiều thế hệ, Hà Nội đang sở hữu tiềm năng để trở thành đơn vị tiên phong trên mọi lĩnh vực phát triển”.
Một số tiết mục văn nghệ khai mạc |
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 được tổ chức từ ngày 17/11 đến 26/11 gồm nhiều nội dung, hoạt động hướng đến vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay, đó là ứng xử với những di sản công nghiệp.
Ngoài không gian chính là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, các hoạt động của Lễ hội còn được tổ chức tại: Tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên, Ga Gia Lâm… Đây đều là những di sản công nghiệp gắn bó với Hà Nội trong thời gian qua.
Các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật Tuồng truyền thống trong lễ khai mạc |
Chủ đề “Dòng chảy” tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng, Sáng tạo, với hơn 60 hoạt động văn hóa, 4 công trình giới thiệu kiến trúc và các hoạt động nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, hội thảo, tọa đàm, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo… Những hoạt động này sẽ đem đến những ý tưởng cho việc tái thiết những di sản công nghiệp thành những không gian hữu ích, đem lại những giá trị kinh tế - văn hoá - xã hội.
Đặc biệt, Lễ hội năm nay không chỉ tôn vinh sự sáng tạo trên chất liệu truyền thống, mà còn là nơi 200 đơn vị, nhà sáng tạo, kiến trúc sư, nghệ nhân, đặc biệt là nhiều nghệ sĩ trẻ trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo thăng hoa trong cảm xúc, thoải mái thể hiện những ý tưởng sáng tạo với các không gian triển lãm độc đáo ấn tượng.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 được tổ chức bởi Sở VH&TT Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc, với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc UN-Habitat, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, UBND quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình và đơn vị liên quan. |