Bộ Công thương: Có 8 dự án điện tái tạo chuyển tiếp đã thống nhất giá tạm thời

Ngành điện đã thống nhất giá tạm thời của 8 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Khi đáp ứng đầy đủ quy định, các chủ đầu tư sẽ được huy động lên lưới điện quốc gia…
Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh cấp phép hoạt động các dự án điện gió, điện mặt trời Quy hoạch điện VIII vừa được duyệt có gì nổi bật? Các giải pháp cấp bách của EVN trước nguy cơ thiếu điện mùa nắng nóng Mới có 31/85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp nộp hồ sơ đàm phán giá điện

Chiều 18/5, Bộ Công thương đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải.

Liên quan đến tình hình cung ứng điện, ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay các hồ thủy điện đang trong tình trạng mức nước giảm, nhiều hồ xuống dưới mực nước chết gây khó khăn vận hành cung ứng điện.

Mặc dù vậy, nhờ sớm nhận định được tình hình, Bộ Công thương đã có nhiều văn bản văn chỉ đạo về vấn đề vận hành cung ứng nhiên liệu như than, khí cho sản xuất điện. Ngay trong tháng 5, bộ đã tổ chức họp với các tập đoàn để có chỉ đạo cụ thể, với quan điểm nỗ lực cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Bộ Công thương yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các kế hoạch về cung cấp điện, cung cấp than cho phát điện, đàm phán nguồn điện gió, mặt trời chuyển tiếp để huy động nguồn điện, khắc phục các sự cố tại các nhà máy, thực hiện tiết kiệm điện… để giảm căng thẳng cung ứng điện.

Đối với vấn đề huy động các nguồn điện năng lượng tái tạo, ông Hòa cho biết, ngay trong ngày 18/5, Bộ Công thương đã thống nhất giá tạm thời của 8 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Trên cơ sở đó, khi các chủ đầu tư đáp ứng đầy đủ quy định thì sẽ huy động lên lưới.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Điều tiết điện lực, giá tạm thời chỉ là một yếu tố để đáp ứng tiêu chí về huy động nguồn điện lên lưới.

Bộ Công thương: Có 8 dự án điện tái tạo chuyển tiếp đã thống nhất giá tạm thời
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của EVN, tính đến ngày 10/5/2023 có 31/85 dự nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất chưa vận hành thương mại (COD) là 1.956,8MW đã nộp hồ sơ đàm phán mua điện với EVN. Trong đó, có 2 nhà máy đã được duyệt giá tạm thời.

Cụ thể, có 15 dự án hoàn thiện hồ sơ và đang tiến hành thỏa thuận giá điện; 11 dự án chưa gửi đầy đủ hồ sơ và cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến pháp lý của dự án; 5 dự án mới gửi hồ sơ đang được EVN rà soát.

Hiện đã có 16 nhà đầu tư đề xuất về việc áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán. Trong đó, đã có 6 nhà máy điện đã họp và thống nhất mức giá điện tạm thời với EVN bao gồm: Nhà máy điện gió Nam Bình 1, Nhà máy điện gió Viên An, Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai, Nhà máy điện gió mặt trời Phù Mỹ 1, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3 và Nhà máy điện gió Hanbaram.

Ngày 10/5 vừa qua, EVN đã phê duyệt giá tạm thời cho Nhà máy điện gió Nam Bình 1 và Nhà máy điện gió Viên An.

Theo quy định của Luật Điện lực, dự án điện chỉ được đưa vào khai thác khi đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Tuy nhiên, theo hồ sơ nhà đầu tư gửi, mới chỉ có 13/85 nhà máy năng lượng chuyển tiếp (chiếm khoảng 15%) đã được Bộ Công thương cấp giấy phép hoạt động điện lực. Và trong số 6 nhà máy điện đã thống nhất giá tạm thời, mới có 3 nhà máy điện điện gió Nam Bình 1, Hưng Hải Gia Lai, Habaram được cấp giấy phép.

Trong một diễn biến liên quan, Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 182/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc thực hiện kết luận của Lãnh đạo Chính phủ liên quan đến đàm phán giá bán điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng xong chưa được vận hành.

Thông báo nêu rõ, để có thể đạt được mục tiêu về phát triển bền vững, Chính phủ đã và đang thực hiện các giải pháp cần thiết để chuyển đổi năng lượng quốc gia, trong đó có các chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo.

Thời gian vừa qua, nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, bổ sung nguồn điện quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cho thấy còn nhiều dự án đã được doanh nghiệp đầu tư nhưng chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Do đó, để kịp thời khắc phục tình trạng này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3/10/2022, Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 theo đúng quy trình, thủ tục và quy định.

Trong thời gian chưa có quy định cụ thể về phương pháp định giá, đàm phán giá và có văn bản hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính và đàm phán giá điện đối với điện gió, điện mặt trời.

Ngoài ra, nghiên cứu thêm phương án tính toán giá tương tự cho dự án BT giao thông: Kiểm toán lập, thống nhất mức lợi nhuận có thể chấp nhận, đảm bảo động lực đầu tư cho doanh nghiệp.

Đồng thời, Bộ Công thương chỉ đạo các cơ quan đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án đã hoàn thành.

Đối với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định, Bộ Công thương khẩn trương có văn bản trước ngày 20/5/2023 chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đàm phán với các chủ đầu tư với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện.

Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện.

Đối với dự án chưa đủ điều kiện vận hành, còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, Bộ Công thương và các địa phương nơi có dự án điện chuyển tiếp khẩn trương hướng dẫn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục hồ sơ theo quy định.

Đối với các dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng đã hết kỳ quy hoạch, Bộ Công thương có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp và địa phương nơi có dự án thực hiện đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội và các quy định có liên quan khác.

Lãnh đạo Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương có văn bản trước ngày 25/5/2023 hướng dẫn các UBND các tỉnh, thành phố thực hiện việc xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án chuyển tiếp có thời gian thực hiện quá 24 tháng so với thời hạn được quy định tại giấy chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu theo đúng quy định.

Hậu Lộc
Phiên bản di động