Các giải pháp cấp bách của EVN trước nguy cơ thiếu điện mùa nắng nóng
Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu EVN khẩn trương đàm phán, huy động dự án điện tái tạo Miền Bắc nguy cơ thiếu 4.900MW điện vì nắng nóng Giá điện tăng 3%: EVN nói gì? |
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thực hiện công điện số 397/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã cập nhật tình hình thủy văn của các hồ thủy điện, báo cáo các cấp có thẩm quyền, đồng thời xây dựng các phương án vận hành điện.
Thứ nhất, giải pháp về vận hành, EVN huy động tối đa các loại hình nguồn điện để cố gắng giữ mực nước đến cuối tháng 5/2023, nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thủy điện.
Đồng thời, các đơn vị trong EVN tăng cường kiểm tra, củng cố, khắc phục các khiếm khuyết để nâng cao độ tin cậy, khả dụng các tổ máy phát điện, các đường dây/trạm biến áp truyền tải; bố trí lịch sửa chữa các tổ máy phát điện hợp lý; dịch chuyển giờ cao điểm các nguồn thủy điện nhỏ để tăng thêm công suất khả dụng vào các thời điểm hệ thống cần.
Ảnh minh họa. |
Thứ hai, giải pháp về bổ sung nguồn điện, EVN đàm phán và ký kết các hợp đồng mua bán điện với Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy thủy điện Sông Lô 7, Nhà máy thủy điện Nậm Củm 3; Nhà máy điện BOT Vân Phong 1.
Đối với các dự án nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp, EVN tiếp tục đàm phán và thống nhất mức giá tạm thời để vận hành cho đến khi hai bên thoả thuận được mức giá điện chính thức nhằm kịp thời khai thác cung cấp cho hệ thống điện.
Cùng với đó, EVN cũng đã đàm phán với Công ty Quốc tế Vân Nam - Trung Quốc (YNIC) để tăng sản lượng, công suất mua điện. Tập đoàn cũng tăng cường nhập khẩu điện từ Lào trên cơ sở thực hiện và báo cáo các cấp có thẩm quyền để triển khai thủ tục đóng điện đường dây, thử nghiệm nhà máy.
Thứ ba, giải pháp về tăng cường năng lực truyền tải, EVN đã chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ các công trình tăng cường năng lực truyền tải Bắc - Trung, các công trình đấu nối và giải toả nguồn thuỷ điện Tây Bắc và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Đồng thời, hoàn thiện lắp đặt tụ bù trên lưới điện để đảm bảo điện áp, đặc biệt tại miền Bắc và tăng thêm khả năng truyền tải, khả năng nhập khẩu Trung Quốc.
Thứ tư, giải pháp tiết kiệm điện và thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR). Theo đó, EVN tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện và thực hiện triệt để các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Lập phương án thực hiện chương trình DR, đẩy mạnh thực hiện DR tự nguyện phi thương mại trong các tháng 5, 6, 7, 8 trên cơ sở phân bổ công suất khả dụng của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.
Các công ty điện lực có kế hoạch cung cấp điện các tháng, đặc biệt là trong các tháng 5, 6, 7, 8 và thông báo trước cho các khách hàng lớn biết để chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất.
Thứ năm, EVN đã thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng điện, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Ban Chỉ đạo. Tập đoàn cũng yêu cầu lãnh đạo các tổng công ty, công ty điện lực, các nhà máy thuỷ điện thực hiện báo cáo, tham mưu với lãnh đạo UBND, sở ngành địa phương của các tỉnh về các giải pháp tiết kiệm nguồn nước và tiết kiệm điện tại địa phương.
Trong một diễn biến khác, trước tình hình cấp điện mùa nắng nóng rất khó khăn, EVN đã có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố kiến nghị chỉ đạo thực hiện tiết kiệm điện.
Trước đó, ngày 28/4, EVN cũng đã có văn bản báo cáo Bộ Công thương về tình hình nguy cấp về cung ứng điện, trong đó có nêu trường hợp các tình huống cực đoan, những ngày nắng nóng kéo dài, mức nước của các hồ thủy điện lớn giảm sâu,... thì hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng rất khó khăn về cung cấp điện.
Bên cạnh đó, cũng tại văn bản này, EVN cũng kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp cấp bách để khắc phục các khó khăn về cung cấp điện, không chỉ với mùa nắng nóng năm 2023 mà còn đối với những năm tới đây