Báo chí nước ngoài nói gì về “Người vợ ba” của điện ảnh Việt?
Ngô Thanh Vân - “Đả nữ” toàn tài của điện ảnh Việt Lối đi mới dành cho điện ảnh Việt Nam ngoài thể loại hài nhảm |
Cảnh trong phim “Người vợ ba” |
Tờ tin tức New York Times vừa có bài bình về “The Third Wife” (tên tiếng Anh của bộ phim). Chuyện phim kể về Mây (Nguyễn Phương Trà My), một cô gái 14 tuổi đi thuyền ngược dòng để tới nhà chồng, cô được gả vào làm vợ ba của một người đàn ông trung niên mà cô chưa từng gặp mặt.
Tại đây, cô bắt đầu cuộc sống mới bên gia đình nhà chồng, một gia đình khá giả có nghề gia truyền nuôi tằm dệt lụa. Trong nhà có những gia nhân, có hai người vợ của chồng và những đứa trẻ. Thế giới được khắc họa trong phim dù thanh bình, trầm lắng nhưng lại ẩn chứa những xúc cảm cao trào, những khát khao mãnh liệt.
“Người vợ ba” có một màn sương hư ảo bao phủ, bộ phim đầu tay của nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh lấy bối cảnh Việt Nam ở thế kỷ 19. Nữ đạo diễn đã từng học điện ảnh ở trường Đại học New York (Mỹ).
Phim có sự chính xác rất tinh tế. Ngôi nhà mới của Mây nằm trong một thung lũng với cây cối, hoa cỏ thanh bình, nếp nhà gỗ truyền thống đẹp đẽ, nơi đây vừa như thiên đường vừa là tù ngục đối với những người phụ nữ sống ở đó.
Cảnh trong phim “Người vợ ba” |
Bị đè nén bởi những quy tắc hà khắc và sự gia trưởng, vậy nhưng nhịp sống hàng ngày của Mây vẫn có chỗ cho những lúc được ở một mình, được tận hưởng sự tĩnh lặng và những niềm vui nhỏ. Hai người vợ của chồng hơn cô nhiều tuổi, họ chào đón cô như một người em út, họ dành cho cô những lời khuyên thực tế về chuyện ân ái, cách sinh nở, cách ứng xử.
Chuyện phim theo chân Mây từ khi cô mới về nhà chồng cho tới khi cô mang bầu, trải qua những thay đổi về địa vị xã hội, về dáng vóc cơ thể, xung quanh cô vẫn là sự tịch mịch lặng lẽ. Sự chuyển đổi từ một cô gái non nớt trở thành một người phụ nữ trưởng thành ở Mây được đặt bên cạnh vòng đời của con tằm, một hình ảnh có ý nghĩa ẩn dụ đặt trong bối cảnh gia đình nuôi tằm dệt lụa.
Giống như những con tằm, những người vợ trong gia đình này là một phần không thể thiếu của công việc, ở đó, vừa có vẻ đẹp vừa rất thực tế. Những người phụ nữ vừa phải hợp tác với nhau để hoàn thành tốt mọi công việc lớn nhỏ trong nhà, bao gồm cả phương kế sinh nhai, đồng thời, họ lại vừa phải cạnh tranh nhau để thắng thế trong cuộc đua phòng the, cuộc đua sinh nở.
Họ cũng tựa như những con tằm rút ruột nhả tơ, cố gắng vắt kiệt sức mình trong mọi việc một cách tội nghiệp và không ngơi nghỉ.
Cảnh trong phim “Người vợ ba” |
Khi Mây có thai, cô mong mình sinh được con trai để vị thế trong gia đình được cải thiện. Cô cũng biết về mối quan hệ bí mật giữa người vợ hai của chồng và người con trai cả của ông, mối quan hệ đưa lại những mâu thuẫn và bi kịch cho gia đình.
Bộ phim là một hoạt cảnh sinh động khắc họa những khía cạnh bất công trong cuộc đời người phụ nữ ở thời kỳ mà sự gia trưởng còn tồn tại nặng nề trong đời sống gia đình, để rồi, chính sự gia trưởng cũng đưa lại những bất hạnh cho cả đàn ông.
New York Times cho rằng bộ phim quá hấp dẫn để coi là một tác phẩm thuộc thể loại tình cảm lãng mạn, cũng quá đẹp đẽ nên thơ để cho rằng phim chứa đựng những thông điệp đanh thép về nữ quyền, những gì mà Mây trải qua nằm giữa sự thương xót dịu dàng và cơn phẫn nộ trào dâng. Những sự tàn nhẫn mà cô phải đối diện là thực tế của cuộc sống.
Khả năng để những người phụ nữ đạt được sự tự do cho đời mình đôi khi cũng khuấy động cuộc sống của họ lên như một cơn gió nhẹ. Kết phim là một hàm ý về sự kháng cự lại số phận. Nhưng bộ phim cũng để các nhân vật tiếp tục ở lại trong sự không rõ ràng của chính họ, họ không chắc có thể làm được những gì và muốn đạt được những gì.
Cảnh trong phim “Người vợ ba” |
Chuyên trang điện ảnh Screen Daily nhận xét chuyện phim tựa như một tấm thảm thêu được thực hiện cầu kỳ tỉ mỉ đẹp mắt, những đau đớn hủy hoại xuất hiện trong sự thầm lặng.
Screen Daily nhận xét bộ phim có âm hưởng của chất nghệ thuật “art-house” đầy cuốn hút, mang hơi hướng phong cahcs của đạo diễn Trần Anh Hùng, nhưng nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh đã thực sự tạo được phong cách thẩm mỹ riêng khiến cô hiện lên như một nhà làm phim đầy tự tin, không hề nao núng trước những sự so sánh không tránh khỏi.
Chuyên trang điện ảnh Hollywood Reporter đánh giá bộ phim này giống như tác phẩm của một nhà làm phim dày dặn kinh nghiệm, thay vì là phim đầu tay; mặc dù vậy, trang tin này cũng nhấn mạnh rằng đây không phải hoàn toàn là một lời khen tuyệt đối. Theo Hollywood Reporter, bộ phim quá đậm chất thơ và sự nhạy cảm tinh tế đến mức đôi khi cảm giác như hơi quá.
Cảnh trong phim “Người vợ ba” |
Tờ tin tức giải trí uy tín Variety lại dành cho “Người vợ ba” quá nhiều lời khen hào phóng khi ngay từ đầu bài, trang tin này đã đánh giá bộ phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Phương Anh là một tác phẩm tinh tế, gợi cảm, đẹp đẽ, một câu chuyện u buồn về những người phụ nữ phải sống trong sự gia trưởng.
Variety cho rằng phim đầu tay này là một sự hiếm có, khi sự tươi mới mà phim đưa tới cho người xem không phải đến từ sự non nớt của nhà làm phim, mà là sự cân bằng giữa niềm đam mê mới mẻ và sự tiết chế khôn ngoan, điều mà nhiều nhà làm phim thường phải mất nhiều thập kỷ làm nghề mới đạt tới.
Kịch bản của phim được thực hiện sắc sảo nhưng không quá tham lam tình tiết hoặc cường điều hóa chi tiết. “Người vợ ba” là một bộ phim đẹp đẽ trong từng chuyển động đến mức trở thành một sự nuông chiều xa xỉ đối với người xem điện ảnh hiện đại. Ẩn dưới sự tĩnh lặng là những thông điệp không hề cũ kỹ.
Cảnh trong phim “Người vợ ba” |
Đằng sau những người phụ nữ xuất hiện trong phim là những số phận khắc nghiệt. Dù vậy, đạo diễn Nguyễn Phương Anh chỉ “lấy ra vài sợi chỉ bạc để dệt nên một bộ phim đầy xúc cảm khiến người xem đắm chìm trong đó, dù xa ngái nhưng cũng rất chân thực, đến mức người xem vẫn có thể tìm thấy một phần của mình trong phim”.