Bắc Giang: Hệ lụy khi khai tử chức danh cán bộ khuyến nông, thú y cấp cơ sở
Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến ngày 19/5, dịch tả lợn Châu Phi đã và đang bùng phát tại 34 tỉnh, thành phố, với số lượng lợn bị tiêu hủy đến nay là gần 1,5 triệu con, chiếm 5% tổng đàn lợn toàn quốc. Trong đó chủ yếu tập trung tại các địa phương phía Bắc. Điều đáng nói là trong khi dịch diễn biến phức tạp và có nguy cơ tiếp tục phát sinh rất cao trong thời gian tới thì ở một số địa phương vẫn còn tình trạng lơ là chủ quan.
Tính đến ngày 15/5/2019, toàn tỉnh Bắc Giang có 91.411 con lợn nghi mắc các bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tai xanh, lở mồm long móng buộc phải tiêu hủy tương ứng 5.480,8 tấn lợn. |
Qua kiểm tra của các đoàn công tác do Bộ NN&PTNT tổ chức thời gian qua cho thấy, tại một số địa phương, việc chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời. Công tác tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa triệt để, chưa bố trí đủ lực lượng tiêu hủy lợn đảm bảo đúng thời gian quy định, để người chăn nuôi tự tiêu hủy, vứt xác lợn ra môi trường…gây ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh. Một số địa phương còn chậm hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy và chưa bố trí đủ kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Tình trạng xác lợn chết bị vứt bừa bãi ra kênh mương khiến bệnh dịch càng có nguy cơ lây lan tại huyện Hiệp Hòa |
Tại tỉnh Bắc Giang, tình trạng xác lợn chết bị vứt bừa bãi ra kênh mương, hàng trăm con trôi dạt từ huyện Phú Bình - Thái Nguyên về kênh N3 tại kè Gia Tư, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa - điểm giao của kênh mương với huyện Phú Bình khiến bệnh dịch càng có nguy cơ lây lan. Bên cạnh đó, mùi hôi thối từ xác lợn chết không những làm ảnh hưởng đến môi trường đất, nước và phát tán mầm bệnh… mà còn làm đảo lộn cuộc sống của người dân xung quanh.
Tính đến hết 15h30 ngày 15/5/2019, toàn tỉnh Bắc Giang có 91.411 con lợn nghi mắc các bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tai xanh, lở mồm long móng buộc phải tiêu hủy tương ứng 5.480,8 tấn lợn.
Tính hình dịch tả lợn Châu Phi hiện đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tình Bắc Giang và không ngừng tăng lên từng ngày. |
Trao đổi với PV, ông Lương Đức Kiên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang) cho biết tình hình dịch tả lợn Châu Phi hiện đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh, số lượng lợn chết đang tăng lên từng ngày.
Ông Kiên cho biết, do chưa có Vắc xin điều trị nên công tác khống chế dịch tả lợn gặp rất nhiều khó khăn. Công tác tiêu hủy chưa kịp thời dẫn đến mầm bệnh phát tán nhanh, khi lợn chết thì thường bị xuất huyết trên da và ruồi, nhặng bám rồi bay đi khắp nơi là một phần nguyên nhân dẫn đến dịch lan rộng, khó kiểm soát.
Do chưa có Vắc xin điều trị nên công tác khống chế dịch tả lợn gặp rất nhiều khó khăn |
"Bên cạnh đó, do công tác nắm bắt thông tin từ thôn, xã khi xuất hiện ổ dịch hiện nay rất bị động vì các cán bộ thú ý, khuyến nông cấp xã đã được sắp xếp chuyển đổi sang làm công việc khác dẫn đến việc tiêu hủy, xử lý lợn dịch chưa được kịp thời vì không có cán bộ chuyên trách. Trước đây, chỉ cần ở xã nào có vấn đề gì liên quan về nghành là chúng tôi nắm bắt được ngay nhưng giờ thì có khi mấy ngày mới biết được thông tin " - ông Kiên chia sẻ.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 05/04/2018 Sở Nội Vụ tỉnh Bắc Giang đã ban hành Văn bản số 367/SNV-XDCQ&CTTN xin ý kiến đối với phương án quy định chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố.
Công văn của Sở Nội vụ gửi các huyện, thành phố rà soát cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở |
Được biết, tổng số cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở tại tỉnh Bắc Giang là 451 người, trong đó hợp đồng không thời hạn là 444; hợp đồng ngắn hạn có 7 người.
Anh Trần Văn Chỉnh – Cán bộ khuyến nông xã Hoàng Thanh, huyện Hiệp Hòa, người có hơn 20 năm gắn bó với công tác khuyến nông, thú y cho rằng nếu bây giờ bố trí sang công việc khác thì anh cũng rất khó để hòa nhịp, làm tốt công việc được vì không có chuyên môn.
Chia sẻ với PV, anh Diêm Đình Nhã - Cán bộ Thú y xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên cũng cho rằng, việc cắt giảm, bố trí lại cán bộ là việc lớn, ảnh hưởng tới đời sống, công ăn việc làm và công tác chuyên môn tại địa phương.
Qua tìm hiểu được biết, tại các huyện Lạng Giang, Yên Thế, Lục Nam và các huyện còn lại thì các cán bộ khuyến nông, thú y đều rất bất ngờ và lo lắng trước đề án của Sở Nội Vụ. Các cán bộ này đều có chung mong muốn, nếu thực sự là đề án thì phải được thông báo để đối thoại, trao đổi bày tỏ tâm tư nguyện vọng, chứ không thể đùng một cái thông báo là xong.
Hàng trăm cán bộ cơ sở như anh Chỉnh có nguy cơ mất việc hoặc chuyển đổi công việc khác |
Ông Nguyễn Quốc Mỹ - Trạm trưởng Thú y huyện Hiệp Hòa cho rằng lực lượng cán bộ cơ sở rất quan trọng và có vai trò đặc biệt trong công tác phòng chống dịch bệnh.
"Đặc điểm của dịch bệnh là xảy ra trên các đàn vật nuôi chứ không phải vài con nhỏ lẻ, đặc biệt một số bệnh truyền nhiễm của động vật lây lan gây nguy hiểm sang người là rất lớn như: Bệnh liên cầu khuẩn ở lợn, cúm gia cầm, bệnh dại... Trong những năm gần đây tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn ổn định. Đó là thành quả của đội ngũ cán bộ thú y cơ sở, là những người trực tiếp phát hiện sớm, giám sát điều trị, dập dịch kịp thời" - Ông Mỹ nói thêm.
Ông Nguyễn Quốc Mỹ - Trạm trưởng Thú y huyện Hiệp Hòa trao đổi với PV về đề án tinh giảm cán bộ cơ sở năm 2018 |
Ông Dương Văn Khoát - Chủ tịch UBND Ngọc Vân, huyện Tân Yên cho biết: "Chúng tôi không đồng ý với đề án cắt giảm cán bộ khuyến nông, thú y và mong muốn giữ lại các cán bộ ở vị trí này để phục vụ chuyên môn trên địa bàn vì đây là đội ngũ vô cùng quan trọng góp phần tích cực trong phát triển kinh tế địa phương".
Trước đó, trả lời báo chí, ông Bùi Ngọc Sơn - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang cho biết: "Toàn bộ số cán bộ hiện nay chúng tôi đang rà soát và đến năm 2020 sẽ sắp xếp hết số cán bộ đó chứ không phải là cắt bỏ, lộ trình hiện nay chúng tôi cũng mới chỉ xin ý kiến. Chúng tôi không bố trí hai chức danh này ở xã nữa mà nhiệm vụ đấy sau này sẽ giao cho Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp trực thuộc cấp huyện và nhà nước sẽ đặt hàng".
"Trước mắt, chúng tôi đã sắp xếp được hơn 100 cán bộ, còn lại đến 2020 là được hết, cán bộ nào có nguyện vọng không muốn làm nữa, chúng tôi sẽ giải quyết chế độ theo quy định", ông Sơn nói.
Tiếp xúc, trò chuyện thêm với hàng chục cán bộ khuyến nông, thú y khác, nhóm PV ghi nhận hầu hết đều tâm tư, lo lắng nếu phải chuyển sang làm việc khác không đúng chuyên môn.
Phải chăng, đề án sắp xếp cắt giảm cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở là một phần nguyên nhân dẫn đến dịch tả lợn Châu Phi đang bùng phát, lây lan tại tỉnh Bắc Giang do bị động trong công tác nắm bắt, phát hiện các ổ dịch tại các thôn, xã vì thiếu cán bộ chuyên trách dẫn đến tiêu hủy, xử lý chậm.
Trách nhiệm này thuộc về bộ phận tham mưu chưa sâu sát, thiếu thực tế hay do sức ép phải cắt giảm biên chế theo chỉ đạo của Chính phủ bằng mọi cách?
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.