"Anh thầy" dạy Văn và hành trình tìm Chí Phèo, Thị Nở giữa đời thực
Thầy giáo của những học sinh cá biệt Thầy giáo 14 năm dạy trẻ mầm non giữa Sài Gòn Hình ảnh thầy giáo “tìm lại tuổi thơ” chơi trò trốn tìm cùng học sinh “đốn tim” dân mạng |
Đi dạy để cân bằng cuộc sống
Từ một học sinh chuyên khối B với sự tò mò vốn có, Nguyễn Huy Hoàng chọn thi báo chí với niềm khao khát đem lại những điều tốt đẹp cho mọi người. Đỗ trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền khoa PTTH - Học viện Báo chí và Tuyên truyền với số điểm khá cao, Nguyễn Huy Hoàng nhận được lời mời dạy từ phụ huynh các bạn học sinh. Bén duyên với nghề dạy Văn, kể từ đấy Hoàng luôn trăn trở suy nghĩ về phương pháp giảng dạy mới.
Thầy giáo dạy văn 9x được học trò xưng hô bằng cái tên gần gũi “anh thầy”. |
Là một người học báo và làm báo, được đi nhiều và tiếp xúc nhiều làm cho Nguyễn Huy Hoàng thấy nếu đưa hơi thở cuộc sống vào những giờ dạy Văn thì thực sự thú vị. Chọn giảng dạy như là cách xả stress cho riêng mình, Nguyễn Huy Hoàng đã tìm được niềm vui riêng và cả sự hứng thú riêng. Anh chia sẻ: “Có nhiều lúc tôi nghĩ sẽ không tiếp tục việc “tay trái” này nữa. Nhưng, chính ánh mắt và nụ cười của các em làm tôi thấy mình phải tiếp tục”.
Với cách truyền tải thông tin “chẳng giống ai” đó là đưa những biến động trong đời sống làm dẫn chứng, luận điểm cho bài Văn. Thầy Nguyễn Huy Hoàng quan niệm rằng: “Bài Văn hay nhất là bài Văn chưa viết ra, luận điểm hay nhất là luận điểm chưa có ai khai thác”.
Câu nói cửa miệng mỗi khi bắt đầu bài dạy của thầy giáo Nguyễn Huy Hoàng là: “Hôm nay các em nghe được gì? Thấy được gì?”. Trong quá trình giảng dạy, Hoàng luôn hỏi học trò rằng: “Nếu như Chí Phèo, Thị Nở có tồn tại trong thời đại này không? Nếu như Nam Cao sống lại thì ông ấy sẽ viết cái gì?”. Hoàng không áp đặt học trò của mình đi theo lối viết của mình, Hoàng là người định hướng và luôn đề cao những sự sáng tạo của học sinh. Hoàng cũng thừa nhận, chính tình yêu Văn học đã giúp tôi tìm cho mình một lối rẽ khác, riêng biệt không giống ai.
Chia sẻ về phương pháp dạy Văn của mình, Hoàng cho biết: “Sai lầm lớn nhất trong cách dạy Văn đấy là đọc cho học sinh ghi chép, học vẹt. Tôi đã trải qua, nên tôi hiểu rõ, vì vậy, tôi muốn các học trò của tôi phải tiếp cận Văn học theo một cách gần gũi, chân thực nhất”.
Bằng những phương pháp hiệu quả, các lớp Văn thầy Hoàng luôn rộn ràng với khoảng gần 70 học sinh theo học đều đặn. Những học trò theo học Hoàng vẫn thường đạt được những điểm số rất cao, nó trở thành động lực để Hoàng cố gắng mỗi ngày.
Học Văn là học tập sự tử tế
Suốt những năm tháng còn là cậu học sinh cấp 3, Hoàng vẫn mơ ước được trở thành một bác sỹ để chữa bệnh giúp đời. Ngày đấy, trong suy nghĩ của mình, Hoàng luôn cho rằng chỉ có bác sỹ mới cứu được con người. Tuy nhiên, việc xem nhiều các chương trình truyền hình thực tế giúp Hoàng nhận ra rằng làm báo cũng có thể giúp người, cứu rỗi con người khỏi những đắng cay của cuộc sống.
Thầy Hoàng (ở giữa) bên học trò của mình sau giờ lên lớp. |
Theo Hoàng, học Văn là để học tập sự tử tế. Lý giải về điều này, Hoàng cho hay, Hoàng luôn hướng học sinh đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, luôn muốn các em chia sẻ về những mảnh đời bất hạnh như Chí Phèo, Thị Nở ở ngoài đời thực.
Hoàng chia sẻ: “Học Văn, dạy Văn chính là học tập sự tử tế. Trong mỗi giờ dạy của mình tôi luôn coi học sinh là những người bạn của mình. Bởi, chỉ có ở tâm thế đó tôi mới có thể lắng nghe tốt nhất. Mỗi người sống trong đời luôn có cho mình một giá trị cốt lõi. Tôi và học trò xây dựng cốt lõi của việc học Văn là sự tử tế”.
Là một người từng được Hoàng hướng dẫn ôn thi, bạn Tuấn Anh (sinh viên Học viện An ninh nhân dân) chia sẻ: “Em vốn là dân khối A rất sợ môn Văn nhưng muốn thi An ninh thì cần có tổ hợp Toán, Văn, Sử. May mắn nhất là nhóm chúng em đã gặp được “anh thầy”. Hầu hết trong nhóm chúng em đều đạt điểm cao. “Anh thầy” dạy chúng em phương pháp làm bài sao cho “ăn chắc mặc bền”. Có nghĩa không viết thì thôi nhưng viết là phải có điểm. Đó cũng là lý do mà khi đi thi về em cũng không hiểu vì sao em có thể đạt 9.0 điểm môn Ngữ Văn”.
Còn Duy Linh (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thì cho biết: “Anh Hoàng là một người thầy một người anh đã dìu dắt chúng em từng những bước chân đầu tiên khi chuẩn bị vào cánh cửa trường đại học. Anh chưa bao giờ TẠO cho chúng em khoảng cách thế hệ mà luôn là một người tràn đầy sự nhiệt huyết, năng lượng, lòng say mê với nghề và cả những hoạt động ngoài lề cũng vậy. Lời nói và hành động của anh luôn đi liền với nhau, chính vì vậy mọi thứ anh làm đều rất chỉn chu, chi tiết và đầy tỉ mỉ. Điều đó thể hiện anh là một người luôn đặt mình vào trong công việc”.
Chúng tôi kết thúc cuộc phỏng vấn, Hoàng lại tiếp tục ca dạy ngày cuối tuần của mình. Họ lại tiếp tục một hành trình mới, trên bảng ghi: "Mị và A Phủ - Tiếng nói thân phận một thời đại!".