Yên Bái: Hiệu quả từ đột phá cải cách hành chính
Yên Bái: Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội đền Đông Cuông Yên Bái chú trọng bảo tồn di sản văn hóa Cơ quan báo chí "3 cùng" để lan tỏa vẻ đẹp của đất và người Yên Bái |
Ngày nộp thủ tục hành chính trực tuyến
Xác định năm 2023 là năm bứt phá về chuyển đổi số, tỉnh Yên Bái đã triển khai ứng dụng công nghệ vào cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Vì thế, việc thực hiện các TTHC bằng dịch vụ công trực tuyến đã không còn xa lạ với người dân TP Yên Bái và các huyện.
Tại TP Yên Bái, việc xây dựng mô hình "Ngày nộp TTHC trực tuyến” đã thay đổi thói quen và nhận thức, mang lại sự hài lòng đáng kể cho người dân. Cụ thể, cứ vào thứ 5 hằng tuần, Bộ phận Phục vụ hành chính công và các đơn vị của TP Yên Bái chỉ tiếp nhận hồ sơ TTHC trực tuyến, không tiếp nhận hồ sơ giấy và thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Yên Bái. Để triển khai mô hình này hiệu quả, Bộ phận Phục vụ hành chính công TP đã bố trí khu vực dành riêng cho người nộp hồ sơ trực tuyến, trang bị đầy đủ máy móc; phân công cán bộ chuyên trách hướng dẫn người dân các thao tác nộp TTHC trực tuyến.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đã yêu cầu lựa chọn những nhóm TTHC gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để tập trung triển khai thực chất, thuận lợi, kịp thời, hiệu quả. |
Bà Phạm Mai Hương, Phó Trưởng Bộ phận Phục vụ hành chính công TP Yên Bái cho biết, tùy từng đối tượng người dân, cán bộ sẽ có những cách tuyên truyền và hướng dẫn khác nhau. “Chẳng hạn, đối với đối tượng người cao tuổi ít sử dụng những thiết bị thông minh, chúng tôi đã bố trí cán bộ chuyên trách phối hợp với cán bộ các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn người dân cách nộp hồ sơ trực tuyến. Qua đó, người dân hiểu và nắm được cách thực thức thực hiện, hình thành thói quen thực hiện các TTHC bằng hình thức trực tuyến”, bà Hương cho biết.
Cuối tháng 11/2023, chị Nguyễn Thị Hằng (ở phường Đồng Tâm, TP Yên Bái) làm thủ tục cấp giấy lái xe. Thay vì phải mất nhiều thời gian đi lại, chị Hằng được cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện trực tuyến. Các công đoạn diễn ra khá đơn giản, thủ tục minh bạch, công khai mức phí khiến chị Hằng rất đỗi ngạc nhiên. “Trước đây, phải đi lại và chờ đợi rất lâu nhưng nay tôi đã có thể làm có thể làm tại nhà, vừa không mất thời gian, không tốn công sức mà vẫn theo dõi được tiến trình cấp giấy”, chị Hằng hồ hởi cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn khen thưởng tập thể Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiều thành tích trong công tác nâng cao năng lực cạnh tranh DDCI năm 2022 |
Dấu ấn của cải cách TTHC, chuyển đổi số không chỉ ở TP Yên Bái mà còn ở các huyện còn khó khăn. Điển hình như huyện Văn Yên, địa phương duy nhất của tỉnh Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thực hiện Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, dịp cuối năm vừa qua. Theo đó, thực hiện Đề án 06, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện được bố trí địa điểm giúp người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến với 344 TTHC cấp huyện và 107 thủ tục cấp xã có liên kết với cơ cở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đến thời điểm hiện tại, 100% TTHC tại cấp huyện và xã không yêu cầu người dân cung cấp số hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện. Cùng với đó, các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn huyện cũng đã triển khai đón người bệnh đi khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp; đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực: An sinh xã hội, y tế, giáo dục, chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp, lương hưu.
Từ làm thay sang hướng dẫn, hỗ trợ
Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết và công bố kết quả xếp hạng chỉ số CCHC, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số CCHC, năng lực cạnh tranh của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, TP năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đã yêu cầu lựa chọn những nhóm TTHC gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để tập trung triển khai thực chất, thuận lợi, kịp thời, hiệu quả; thay đổi tư duy từ "làm thay, làm hộ" sang hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử, không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn…
Đoàn Thanh niên tỉnh Yên Bái hỗ trợ người dân tại Trung tâm Hành chính công tỉnh |
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các Sở, ban, ngành cùng UBND các cấp nắm bắt, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; rà soát, nhận diện và có giải pháp tháo gỡ kịp thời các "điểm nghẽn”, "nút thắt”, vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Thực hiện chỉ đạo trên, TP Yên Bái cùng các huyện đã có nhiều mô hình hay, sáng tạo và hiệu quả. Ví như, mô hình "TTHC không chờ" ở 15 xã, phường đạt hiệu quả cao trong việc chi trả, thanh toán dịch vụ công bằng phương thức không dùng tiền mặt như: Thu phí chợ, thu phí dịch vụ hành chính công, thu phí vệ sinh môi trường, thu Đảng phí, Đoàn phí, chi trả phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, chi trả kinh phí bồi thường GPMB…
Nhờ triển khai hiệu quả công tác CCHC, duy trì, thực hiện tốt việc giải quyết TTHC, đến nay, tỷ lệ dịch vụ đủ điều kiện mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Yên Bái đạt 100%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt 70%; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 100% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC tại 3 cấp chính quyền.
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
Song song với tăng cường kỹ năng số cho công dân và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, Yên Bái cũng chú trọng cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh. Tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều nghị quyết quan trọng về hỗ trợ doanh nghiệp. Tính riêng năm 2023, tỉnh đã hỗ trợ thành lập 5 doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh với kinh phí là 201 triệu đồng, hỗ trợ thành lập mới 26 hợp tác xã, với kinh phí hỗ trợ là 450,8 triệu đồng. Đặc biệt, tỉnh tổ chức 2 chương trình “Cà phê doanh nghiệp”, duy trì, triển khai thực hiện chương trình “Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp” năm 2023 và tổ chức tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã.
Năm 2023, tỉnh Yên Bái cấp chứng nhận đăng ký thành lập cho 330 doanh nghiệp, đạt 100% kế hoạch; 102 tổ hợp tác (bằng 127,5% kế hoạch), 500 tổ hợp tác (đạt 166,7% kế hoạch). Tỉnh cũng đã cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 60 dự án, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 4.500 tỷ đồng và 20,4 triệu USD.
Chương trình “Cà phê doanh nhân” trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền Yên Bái |
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 là tiếp tục cải cách TTHC nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập môi trường thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, thu hút các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển; tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại hóa nền hành chính; nâng cao chỉ số CCHC (PAR INDEX); chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, TP (DDCI); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS); chỉ số hiệu quả và quản trị hành chính công (PAPI).
“Đặc biệt, Yên Bái sẽ quyết liệt đổi mới cơ chế quản lý điều hành, tăng cường phân cấp quản lý Nhà nước gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực thi trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch; nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động; tạo thuận lợi, công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhấn mạnh.