Vững niềm tin, tạo sức mạnh nội lực cho Hà Nội “cất cánh”

68 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ và Nhân dân TP Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước đã nỗ lực không ngừng, tạo nên nhiều thành tựu, đưa Thủ đô trở thành đầu tàu, động lực phát triển của khu vực phía Bắc và là nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng tinh thần đoàn kết, yêu nước, yêu hòa bình và khát vọng vươn lên của cả dân tộc.
Tuổi trẻ nô nức thi đua mừng ngày Giải phóng Thủ đô Hãy hun đúc niềm tự hào là công dân của Thủ đô Triển lãm "Con đường" chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô

Ngày 10/10/1954 không chỉ là ngày Thủ đô được giải phóng khỏi ách đô hộ mà còn là mốc son “giải phóng” sức mạnh nội lực của Hà Nội.

Quy mô và tầm vóc ngày càng lớn mạnh

Mỗi dịp tháng 10 về, Hà Nội lại ngập tràn cảm xúc hào hùng của những ngày đón chào đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng Thủ đô. Từ 5 cửa ô, lớp lớp đoàn quân tiến vào tiếp quản Hà Nội, hân hoan đi giữa phố phường rợp cờ hoa, rộn rã tiếng cười.

Ngày 10/10/1954 đi vào lịch sử như thế, không chỉ là mốc son đánh dấu sự thắng lợi của một dân tộc nhỏ bé trước một thế lực thực dân xâm lược hàng đầu thế giới, mà còn mở ra thời kỳ mới của thời đại Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của Thăng Long-Hà Nội.

Vững niềm tin, tạo sức mạnh nội lực cho Hà Nội “cất cánh”
Mỗi dịp tháng 10 về, Hà Nội lại ngập tràn cảm xúc hào hùng của những ngày đón chào đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng Thủ đô

Lịch sử ghi lại, ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục và cải tạo thành phố. Chỉ một năm sau, Hà Nội đã hoàn thành cải cách ruộng đất, một nhiệm vụ chiến lược cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ.

Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hàng chục vạn người con Thủ đô lên đường tòng quân chiến đấu khắp các chiến trường. Nơi hậu phương, Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Tự hào hơn nữa, Hà Nội đã cùng các địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12/1972), buộc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27/1/1973). Đây là tiền đề quan trọng để cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, thu non sông về một mối.

Đất nước thống nhất, Hà Nội là một công trường lớn, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân. Đặc biệt, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tiễn của địa phương, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các nghị quyết của Đảng bộ thành phố ngày càng đi vào cuộc sống, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các thành phần kinh tế, khơi dậy tiềm năng trí tuệ của Nhân dân. Nhờ đó, kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư, phát triển, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân.

Vững niềm tin, tạo sức mạnh nội lực cho Hà Nội “cất cánh”
Phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội là mối quan tâm hàng đầu của TP

Ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, thành phố chính thức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. 14 năm qua, Thủ đô Hà Nội tiếp tục gương mẫu đi đầu trên mọi “mặt trận”, đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả nước.

Từ một quy mô diện tích và dân số nhỏ bé (152,2km² với 43,7 vạn người), Hà Nội hôm nay mang tầm vóc của một đô thị lớn với diện tích 3.342,92km²; Dân số gần 10 triệu người với 30 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng, cả nước.

Diện mạo của Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang. Nhiều công trình, dự án kinh tế - xã hội quy mô lớn, hiện đại đã được hoàn thành làm cho TP hiện đại hơn. Hà Nội luôn giữ vai trò dẫn đầu trong sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ.

Mang trong mình những tiềm năng, sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn, truyền thống hào hùng, phẩm chất cao đẹp, Hà Nội đã làm nên những chiến công hiển hách và thành tựu vang dội được bạn bè thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, tham gia mạng lưới các “Thành phố sáng tạo”…

Vững vàng vượt qua thách thức

Từ hiện tại nhìn về quá khứ, càng trong hoàn cảnh khó khăn, Hà Nội càng phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, ý chí quật cường được hun đúc từ lịch sử. Đây cũng chính là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ giúp Hà Nội không chùn bước trước mọi khó khăn, cho dù với khó khăn chưa có tiền lệ như đại dịch COVID-19.

Trải qua gần 2 năm cùng cả nước chống dịch COVID-19, toàn thể lãnh đạo và Nhân dân thành phố đã nỗ lực hết mình để kiểm soát dịch bệnh. Trong 4 “làn sóng” dịch bệnh, TP luôn thể hiện vai trò gương mẫu, đi đầu, chủ động kịch bản, áp dụng giải pháp hành chính và chuyên môn y tế để khoanh vùng, dập dịch hiệu quả, từ đó, tập trung trung thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế như Chính phủ chỉ đạo.

Chia sẻ với báo chí thời điểm ấy, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nêu rõ, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là mối quan tâm hàng đầu của TP. Ngay trong lúc thực hiện giãn cách xã hội, TP đã bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP để cho vay đối với người lao động có nhu cầu phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh...

Hà Nội đã chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng tương ứng với mức độ dịch COVID-19 trên tinh thần là giảm mức độ ảnh hưởng của dịch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Vững niềm tin, tạo sức mạnh nội lực cho Hà Nội “cất cánh”
Du lịch Thủ đô phục hồi mạnh mẽ

Triển khai kế hoạch tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, TP chú trọng 3 nhiệm vụ quan trọng: Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; Điều hành, thu-chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Bằng những giải pháp quyết liệt, 8 tháng năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn luỹ kế ước thực hiện là 223.132 tỷ đồng, đạt 71,6% dự toán, bằng 110,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11.121 triệu USD, tăng 32,4% (cùng kỳ giảm 5,2%). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 3.519 triệu USD, tăng 34,4% so với tháng 8/2021 (cùng kỳ tăng 36,6%). Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 6,3%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 451,339 nghìn tỷ đồng, tăng 29% (cùng kỳ giảm 8,9%)... Khách quốc tế đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) ước đạt 477 nghìn lượt khách, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, thành phố thu hút 992,4 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 226 dự án với số vốn 141,3 triệu USD; 122 lượt tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm 374,6 triệu USD và 258 lượt góp vốn với số vốn 476,2 triệu USD. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 20.023 doanh nghiệp với số vốn 226.037 tỷ đồng (tăng 22% về số lượng doanh nghiệp và tăng 2% vốn đăng ký so với cùng kỳ). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 7.783 doanh nghiệp (tăng 7%). Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 342.181 doanh nghiệp...

Về an sinh xã hội, thành phố giải quyết việc làm cho 153.523/160.000 lao động, đạt 96% kế hoạch năm, tăng 38.728 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 33,7% so với 8 tháng đầu năm 2021. Công tác giáo dục nghề nghiệp được chú trọng. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp toàn thành phố tuyển sinh và đào tạo 172.423 lượt người, đạt 76,8% kế hoạch, tăng 161,37% so với cùng kỳ năm 2021...

Nỗ lực vượt qua khó khăn trước mắt, Hà Nội đồng thời phải quyết tâm thực hiện các dự án, công trình mang tầm nhìn chiến lược vừa tạo thế và lực mới cho Thủ đô phát triển, vừa giải quyết những vấn đề cấp bách mà cuộc sống đặt ra. Không chỉ có vậy, trên hành trình hướng tới tương lai, Hà Nội xác định rõ yêu cầu văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển bền vững. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Để phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến, Hà Nội sẽ đặt trọng tâm là xây dựng con người có nhân cách, có lối sống đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, văn minh, thanh lịch…

Với thành công bước đầu trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế- xã hội, Hà Nội đã có thêm những bài học kinh nghiệm quý báu để cùng với tinh thần, khí chất của 68 năm lịch sử làm nên những thành tựu mới; “Giải phóng” thêm các nội lực, tiềm năng, từ đó, góp phần tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP…

Tú Linh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động