e magazine
09/10/2022 08:51
Hãy hun đúc niềm tự hào là công dân của Thủ đô

09/10/2022 08:51

Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Với mỗi người dân Hà Nội, khoảnh khắc thiêng liêng ở thời khắc đó hẳn sẽ còn mãi.

Hãy hun đúc niềm tự hào là công dân của Thủ đô

Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Với mỗi người dân Hà Nội, khoảnh khắc thiêng liêng ở thời khắc đó hẳn sẽ còn mãi. Còn với người nghiên cứu lịch sử như PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, mỗi khi diễn ra các sự kiện trọng đại của Thủ đô, trong ông lại trỗi dậy niềm tự hào khi được sống và làm việc tại mảnh đất này.

Những ngày tháng 10 lịch sử, PV Báo Tuổi Trẻ Thủ đô đã có dịp trò chuyện và ghi lại dòng chảy ký ức vẹn nguyên của nhà nghiên cứu này về những ngày tháng hào hùng của Thủ đô và đất nước.

Hãy hun đúc niềm tự hào là công dân của Thủ đô

PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, ngày 10/10/1954 đã trở thành một mốc son chói lọi trên chặng đường phát triển của Thủ đô. Theo ông, đâu là giá trị lịch sử cốt lõi của sự kiện này?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Nếu chúng ta nhắc đến ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 thì phải bắt đầu từ cuộc Cách mạng tháng 8/1945. Thời phong kiến, Thăng Long – Hà Nội đã là kinh đô của nước Đại Việt. Khi nhà Nguyễn lên trị vì vào năm 1802, thì kinh đô về Huế. Như vậy, trong hơn 1 thế kỷ, từ 1802- 1945, Hà Nội không phải là kinh đô của cả nước.

Khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa ra đời. Đảng, Bác Hồ và Quốc hội đã quyết định chọn Hà Nội là Thủ đô và từ đó, Hà Nội trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước.

Sau Cách mạng Tháng 8/1945, chúng ta bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Chính phủ, Trung ương Đảng và Bác Hồ phải rời Hà Nội đi kháng chiến lên Việt Bắc. Lúc đó, Việt Bắc được gọi là Thủ đô kháng chiến. Kháng chiến thắng lợi với việc Pháp bắt buộc phải ký Hiệp định Giơ – ne – vơ năm 1954 và ngày 10/10/1954, Hà Nội được giải phóng. Đảng, Chính phủ, Bác Hồ trở lại Thủ đô và Hà Nội lại tiếp tục là trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước.

Vì vậy, sự kiện ngày 10/10/1954 có ý nghĩa to lớn, khẳng định thắng lợi vĩ đại của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thắng lợi này không còn mang ý nghĩa của riêng Thủ đô nữa mà là của cả nước. Hà Nội trở thành niềm tin của nhân dân cả nước. Đồng bào tin rằng, Thủ đô được giải phóng, miền Bắc mạnh lên thì sự nghiệp giải phóng, thống nhất non sông về một mối sẽ sớm thành hiện thực. Có thể nói, đó là niềm cổ vũ động viên về chính trị, tinh thần vô cùng to lớn và mạnh mẽ đối với sự nghiệp cách mạng chung, tạo ra khí thế mới, vận hội mới cho đất nước.

Hãy hun đúc niềm tự hào là công dân của Thủ đô

PV: Thưa ông, từ đó đến nay, Hà Nội đã trải qua 68 năm xây dựng và phát triển. Là một người nghiên cứu lịch sử, ông đánh giá giai đoạn nào, Thủ đô có những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội mang dấu ấn lịch sử đậm nét?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Sau ngày Hà Nội được giải phóng, Đảng bộ, chính quyền Thủ đô bắt tay vào sự nghiệp xây dựng, phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra. Lúc này, toàn dân Hà Nội phấn khởi, hăng hái xây dựng kiến thiết Thủ đô.

Thời kỳ năm 1954 – 1965 là chặng khôi phục lại kinh tế của Hà Nội. Cuối năm 1954, Thủ đô chỉ có một vài công trình, nhà máy như Nhà máy Điện Biên Phủ, Nhà máy Đèn Bờ hồ, Nhà máy xe Lửa Gia Lâm. Nhưng đến năm 1957-1958 đã hiện diện những cơ sở công nghiệp lớn: Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Dệt 8/3, hình thành khu công nghiệp Thượng Đình gồm: Nhà máy Cao su Sao vàng, Nhà máy xà phòng, Nhà máy Rạng Đông… Vì thế, gam màu nổi bật nhất trong bức tranh của Hà Nội giai đoạn này chính là những cơ sở công nghiệp lớn được hình thành.

Khi bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, giáo dục rất rõ. Hàng hóa phong phú, dân Hà Nội tự túc được 90% hàng tiêu dùng, cung cấp cho toàn miền Bắc, hoạt động giáo dục, văn hóa sôi nổi. Các trường Đại học nở rộ như Đại học Tổng hợp, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Dược, Đại học Kinh tế Quốc Dân, Đại học Sư phạm, Đại học Nông Lâm, Đại học Kiến Trúc.

Đặc biệt, lúc đó, Bác Hồ rất chú trọng, quan tâm đến công tác đào tạo, giáo dục cho con em cán bộ tập kết ra Bắc nên đã mở thêm 28 cơ sở giáo dục phổ thông đến đại học. Có thể nói, thời kỳ này, giáo dục là một điểm nhấn quan trọng của Thủ đô. Tôi vẫn nhớ, ngày Chủ nhật, đường phố Hà Nội, sinh viên đông hơn người dân thường. Hà Nội lúc đó là thành phố của sinh viên.

Trong ký ức của tôi, xe điện là đặc trưng của Hà Nội những năm sau giải phóng. Sáng sáng, các tuyến xe điện từ Bờ Hồ nhộn nhịp tỏa đi đến Chợ Mơ, Bưởi, Hà Đông, từ Hàng Than vào nhà thương Cống Vọng (Bệnh viện Bạch Mai bây giờ) tạo nên một không khí làm việc, học tập náo nức, khẩn trương, vô cùng sôi nổi.

“Xe điện chạy leng keng như đàn con nít

Xum xuê chợ Bưởi, ríu rít Đồng Xuân

Bắp cải, xu hào, đào ngọt Nhật Tân

Hoa tím, hoa dơn Ngọc Hà duyên dáng

Chào anh công nhân làm ra ánh sáng

Tan ca đêm Yên Phụ ra về” (Tố Hữu)

Tiếp đến, giai đoạn từ 1965 – 1975, người Hà Nội làm nhiệm vừa đánh giặc, vừa phát triển kinh tế, đúng nghĩa câu “tay cày, tay súng”. Hà Nội khi đó một lần nữa chứng tỏ vai trò đầu tàu của mình. Đầu năm 1972, theo tiếng gọi của miền Nam ruột thịt, tất cả sinh viên các trường đại học ở Hà Nội đã xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận, vào Nam chiến đấu. Những gương mặt thanh niên Hà Nội bấy giờ như Đặng Thùy Trâm, Vũ Xuân Thiều,... đã trở thành tiêu biểu của tầng lớp sinh viên, trí thức Hà Nội với khát vọng độc lập, tự do, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của riêng mình để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng chung.

Tôi vẫn còn nhớ những câu thơ của những chàng trai, cô gái đang tuổi đôi mươi mà tràn đầy nhiệt huyết, “bước vội hành quân” mà trái tim vẫn hướng về Hà Nội:

Xốc lại ba lô bước vội hành quân

Nhìn phương Bắc chúng tôi chào Hà Nội

Ôi thiêng liêng nơi đó có Bác Hồ

Có Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du

Có đường Điện Biên bắt đầu từ Trần Phú

Đêm trông ngóng ngọn đèn thành phố…

Năm 1972, đế quốc Mỹ đánh bom phá hoại miền Bắc mà Hà Nội là trọng điểm hủy diệt. Nhưng cuối cùng, với khát vọng được sống trong hòa bình, Hà Nội đã làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy khắp năm châu, địa cầu như chúng ta thấy.

Còn nhớ, sáng 19/12/1972, khi ấy tôi đang là giảng viên của Học viện An ninh. Mỹ đánh vào Đài Tiếng nói Việt Nam và ngừng phát sóng mất 9 phút. Cả nước lo lắng, nhân dân thế giới tưởng Hà Nội bị tiêu diệt như Thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên từng bị xóa sạch năm 1953. Nhưng chỉ ngay sau đó vài phút, giọng phát thanh viên quen thuộc lại vang lên: “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội,...”. Cả nước sung sướng, vỡ òa. Chúng tôi ôm nhau, nhảy múa, nước mắt tuôn trong niềm hạnh phúc. Hà Nội vẫn lạc quan, vẫn vững vàng trong khói lửa, và nhân dân Hà Nội còn tươi vui, hát ca khi giọng ca sĩ Như Hoa cất lên trên Đài TNVN ngay sau tiếng bom: “Em xinh là xinh như cây lúa...”.

Điều này cho thấy, nhân dân Hà Nội luôn giữ vững niềm tin, tinh thần lạc quan và niềm khát khao hòa bình đến cháy bỏng.

Hãy hun đúc niềm tự hào là công dân của Thủ đô

PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Thủ đô Hà Nội cũng đã đạt nhiều thành tựu to lớn kể từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay. Cảm xúc của ông như thế nào khi chứng kiến sự đổi thay ấy?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Sau ngày hội non sông 30/4/1975, đế quốc Mỹ bị đánh đuổi hoàn toàn. Hà Nội cùng cả nước tiếp tục công cuộc tái thiết, góp phần xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ từng mong ước. Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới vào năm 1986, trong bối cảnh ấy, Đảng bộ và chính quyền Thủ đô đã rất kiên cường, vững vàng chèo lái, đưa Hà Nội trở thành “đầu tàu” về kinh tế, chính trị, văn hóa.

Năm 1999, Hà Nội được UNESCO công nhận là “Thành phố vì hòa bình”. Năm 2000, Hà Nội nhận danh hiệu “Thủ đô anh hùng”. Bước ra từ khói lửa, chiến tranh với bao đau thương, Hà Nội giờ trở thành 1 trong 17 thành phố lớn nhất thế giới. Thăng Long – Hà Nội được nhân dân thế giới ngưỡng mộ và ghi nhận. Danh hiệu đó đã phản ánh đúng tiến trình lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Hãy hun đúc niềm tự hào là công dân của Thủ đô

Những bước tiến dài, vượt bậc và kỳ diệu đó là thành quả của bao thế hệ quân và dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, bền bỉ lao động, kiên cường đấu tranh với khát vọng được sống trong hòa bình, sáng tạo nên một nền văn hiến rạng rỡ, lập nên nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời. Điều này là minh chứng cho đường lối đúng đắn của Đảng, Bác Hồ, sự đồng lòng góp sức của toàn dân và sự lãnh đạo vững vàng của Đảng bộ, chính quyền thành phố, đã huy động được mọi nguồn lực của cả nước với phương châm: “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

Hãy hun đúc niềm tự hào là công dân của Thủ đô

Trên thế giới, không nhiều thành phố được vinh danh như vậy. Đó là niềm tự hào đối với mỗi người dân Việt Nam.

Cũng như bất cứ ai sinh sống ở mảnh đất này, tôi luôn cảm thấy tự hào về những trang sử hào hùng, vẻ vang đó. Chúng ta phải nuôi dưỡng và hun đúc niềm tự hào là công dân Thủ đô, từ đó góp trí tuệ, công sức và gìn giữ lối sống thanh lịch của người Hà thành vốn có từ ngàn năm để Thủ đô văn hiến ngày càng văn minh hơn, hiện đại hơn, xứng đáng là trái tim của cả nước, xứng đáng được thế giới tôn vinh, ngợi ca.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thực hiện: Thái Sơn

Thái Sơn