Vụ Công ty MIKA bị “tố” lừa đảo: Đã có kết quả giám định tài liệu
Cán bộ Công an quận Long Biên ''làm khó'' báo chí
Liên quan đến vụ việc người dân tố cáo Công ty Cổ phần nhân lực quốc tế MIKA (Công ty MIKA, trụ sở ở Long Biên, Hà Nội) có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; theo tài liệu mà phóng viên mới nhận được, cơ quan công an đã có kết luận giám định chữ ký và chữ viết của bà Phạm Thị Muôn - Giám đốc công ty.
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Long Biên đã có thông báo gửi đến anh L.V.N (SN 1988, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về việc này.
Trong thông báo, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Long Biên cho biết, sau quá trình giám định, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP Hà Nội kết luận: "Chữ ký, chữ viết dòng họ tên Phạm Thị Muôn (dưới chữ ký) trên mẫu cần giám định là Bản cam kết, đại diện bên A: Phạm Thị Muôn đề ngày 08/01/2020 với chữ ký, chữ viết đứng tên Phạm Thị Muôn trên các mẫu so sánh là chữ do cùng một người ký và viết ra''.
Bản cam kết có chữ ký, chữ viết của bà Phạm Thị Muôn. |
Để xác minh thông tin, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã liên hệ với ông Nguyễn Hữu Hiếu - Đội phó Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế (Công an quận Long Biên) nhưng vị này từ chối thông tin.
Ông Hiếu đề nghị phóng viên lấy lại giấy giới thiệu của báo và đến liên hệ lại thì mới có thể báo cáo lãnh đạo và chia sẻ thêm thông tin theo quy định. Đáng nói, trước đó, phóng viên cũng đã đặt giấy giới thiệu và làm việc trực tiếp với ông Hiếu nên việc vị này từ chối thông tin khiến phóng viên cảm thấy khó hiểu.
Trước đó, trong cuộc trao đổi ngày 19/11, ông Hiếu xác nhận, Công an quận Long Biên đã nhận được nhiều đơn tố cáo của công dân về dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động của Công ty MIKA.
Hình ảnh bà Phạm Thị Muôn và ông Trịnh Quang Lâm, đại diện lãnh đạo Công ty MIKA |
"Sau khi nhận được đơn tố cáo, tin tố giác tội phạm, chúng tôi đã cử những điều tra viên có kinh nghiệm tiến hành xác minh. Đồng thời, cũng đã làm việc với đại diện công ty và thu thập các hồ sơ, tài liệu liên quan để phục vụ công tác điều tra và gửi đi trưng cầu giám định'', vị này nói và cho biết thêm khi nào có kết quả sẽ thông tin sau.
Cũng theo ông Hiếu, hiện tại vụ việc đang tạm đình chỉ điều tra vì hết thời hạn. Nguyên nhân là do cơ quan công an vẫn đang chờ kết quả giám định các hồ sơ, chứng cứ liên quan. Lý giải đến nay vẫn chưa có kết quả giám định, đại diện Công an quận Long Biên cho biết là vì lượng hồ sơ thu thập khá nhiều bởi có khoảng 30 người tố cáo.
Bên cạnh đó, vị đại diện Công an quận Long Biên cũng tiết lộ, vụ việc này còn liên quan đến một đối tượng hiện đang sinh sống tại Nhật Bản. "Chúng tôi cũng đã làm thủ tục đề nghị Viện Kiểm sát tối cao cùng với các đơn vị liên quan phối hợp liên hệ với phía Nhật Bản để tương trợ tư pháp'', vị này chia sẻ thêm.
Có dấu hiệu lừa đảo
Cũng liên quan đến việc này, ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, Công ty MIKA là không được cấp phép xuất khẩu lao động, những đơn vị không được cấp giấy phép mà vẫn hoạt động trong lĩnh vực này là đơn vị lừa đảo.
Trụ sở cũ của Công ty MIKA |
Ông Nguyễn Hồng Dân nói thêm, đối với những doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động thì Sở này không được phép kiểm tra. "Công ty có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động thì bình thường sẽ kiểm tra. Chúng tôi không được kiểm tra nếu doanh nghiệp không có giấy phép. Còn nếu có dấu hiệu lừa đảo thì bên công an sẽ có thẩm quyền xử lý'', ông Dân cho biết.
Nhận định về sự việc này, Luật sư Vũ Tuấn Linh - Công ty Luật Đông Hà Nội cho rằng, với trường hợp của Công ty MIKA, hàng chục người lao động tố cáo dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản với cùng hành vi tương tự nhau. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã khẳng định Công ty MIKA không có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn tiến hành thu tiền thì việc tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hoàn toàn có cơ sở.
Giấy hẹn trả tiền có chữ ký của bà Phạm Thị Muôn |
''Trong trường hợp này, các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Công an quận Long Biên cần sớm kết thúc điều tra vụ Công ty MIKA bị tố cáo lừa đảo xuất khẩu lao động để trả lại quyền lợi cho người dân, giúp họ ổn định tâm lý và cuộc sống'', Luật sư Linh nhận định.
Trước đó, báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được đơn của tập thể người lao động tố cáo bị Công ty Cổ phần nhân lực quốc tế MIKA có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong hoạt động xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.
Theo đơn của người lao động, Công ty MIKA đăng tải thông tin có nhu cầu tuyển lao động sang Nhật Bản làm việc với mức lương là 40 triệu/tháng trở lên. Thời gian để sang Nhật Bản làm việc mà đại diện công ty cam kết là trong thời gian 6 - 8 tháng từ khi nộp hồ sơ.
Những người lao động vì tin tưởng công ty, đồng thời với mong muốn có nhu cầu sang Nhật Bản làm việc nên đã ký hợp đồng lao động và đóng tiền cho Công ty MIKA, số tiền đóng ít nhất 30 triệu đồng, nhiều nhất là gần 100 triệu đồng và có phiếu thu.
Tuy nhiên, sau khi hết thời hạn cam kết, Công ty MIKA không thực hiện được việc như thoả thuận và cũng không trả lại tiền cho những người lao động. Hiện nay, còn rất nhiều người lao động chưa nhận được lại số tiền đã đóng cho Công ty MIKA nên đã tố cáo Công ty có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người lao động.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.