Vụ Công ty MIKA bị “tố” lừa đảo xuất khẩu lao động: Sở LĐTB&XH Hà Nội nói gì?
Vụ Công ty MIKA bị “tố” lừa đảo: Liệu có "chìm xuồng" Hàng chục người ‘tố’ bị Công ty MIKA lừa đảo xuất khẩu lao động |
Ngày 23/11, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội liên quan đến Công ty Cổ phần nhân lực quốc tế MIKA (Công ty MIKA) bị tố cáo có hành vi tư vấn, thu tiền để làm thủ tục cho người lao động đi làm việc tại Nhật Bản, nhưng không đưa được lao động đi và không hoàn trả tiền cho người lao động, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, đối với những doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động thì Sở này không được phép kiểm tra.
"Công ty có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động thì bình thường sẽ kiểm tra. Chúng tôi không được kiểm tra nếu doanh nghiệp không có giấy phép. Còn nếu có dấu hiệu lừa đảo thì bên công an sẽ có thẩm quyền xử lý'', ông Dân cho biết.
Trụ sở cũ của Công ty MIKA |
Theo ông Dân, để người lao động tránh bẫy lừa đảo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng chỉ có thể đưa ra khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ các doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu lao động được công bố trên website của Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).
"Công ty MIKA là không được cấp phép xuất khẩu lao động, những đơn vị không được cấp giấy phép mà vẫn hoạt động trong lĩnh vực này là đơn vị lừa đảo'', ông Dân nhận định.
Trước đó, liên quan đến vụ việc này, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã có văn bản gửi Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an (A03) về việc xử lý vi phạm đối với Công ty MIKA.
Theo nội dung văn bản, Cục Quản lý Lao động ngoài nước nhận được đơn của công dân tố cáo Công ty MIKA đã tư vấn, thu tiền để làm thủ tục cho người lao động đi làm việc tại Nhật Bản, nhưng không đưa được lao động đi và không hoàn trả tiền cho người lao động, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Văn bản của Cục Quản lý Lao động ngoài nước gửi cơ quan công an |
Tại văn bản, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết, Công ty MIKA không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp. Vì vậy, Cục này chuyển đơn tố cáo của công dân và đề nghị A03 kiểm tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời thông tin kết quả cho Cục biết.
Trước đó, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng đã có văn bản cung cấp thông tin cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Long Biên (Hà Nội) liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động của Công ty MIKA.
Theo đó, Cục Quản lý Lao động ngoài nước khẳng định, việc Công ty MIKA không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc không đăng ký hợp đồng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động là vi phạm Khoản 5,6,7 Điều 7 và Điều 74,75 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng cho biết sẽ tiến hành xem xét, kiểm tra việc liên kết hợp tác giữa Công ty MIKA và Công ty TNHH MTV Abey' Medical.
Cũng liên quan đến việc này, đại diện Công an quận Long Biên xác nhận, cơ quan này đã nhận được nhiều đơn tố cáo của công dân về dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động của Công ty MIKA.
"Sau khi nhận được đơn tố cáo, tin tố giác tội phạm, chúng tôi đã cử những điều tra viên có kinh nghiệm tiến hành xác minh. Đồng thời, cũng đã làm việc với đại diện công ty và thu thập các hồ sơ, tài liệu liên quan để phục vụ công tác điều tra và gửi đi trưng cầu giám định'', vị này cho biết.
Cũng theo vị này, hiện tại vụ việc đang tạm đình chỉ điều tra vì hết thời hạn. Nguyên nhân là do cơ quan công an vẫn đang chờ kết quả giám định các hồ sơ, chứng cứ liên quan. Lý giải đến nay vẫn chưa có kết quả giám định, đại diện Công an quận Long Biên cho biết là vì lượng hồ sơ thu thập khá nhiều bởi có khoảng 30 người tố cáo.
Bên cạnh đó, vị đại diện Công an quận Long Biên cũng tiết lộ, vụ việc này còn liên quan đến một đối tượng hiện đang sinh sống tại Nhật Bản.
"Chúng tôi cũng đã làm thủ tục đề nghị Viện Kiểm sát tối cao cùng với các đơn vị liên quan phối hợp liên hệ với phía Nhật Bản để tương trợ tư pháp'', vị này chia sẻ thêm.
Vị đại diện Công an quận Long Biên cũng cho biết, khi nào có kết quả sẽ thông tin cụ thể với báo chí.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.