Vụ Công ty MIKA bị “tố” lừa đảo: Liệu có "chìm xuồng"

Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã có văn bản gửi cơ quan công an đề nghị kiểm tra, xác minh đơn tố cáo của công dân về việc Công ty MIKA có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong hoạt động xuất khẩu lao động.
Hàng chục người ‘tố’ bị Công ty MIKA lừa đảo xuất khẩu lao động

Chủ Công ty MIKA không liên lạc được

Liên quan đến vụ việc Công ty Cổ phần nhân lực quốc tế MIKA (Công ty MIKA) bị tố cáo có dấu hiệu lừa đảo, nhiều nạn nhân cho biết, sau khi báo chí vào cuộc phản ánh, họ bất ngờ không thể liên lạc được với lãnh đạo công ty.

"Trước đó chúng tôi vẫn gọi được vào hai số điện thoại của bà Muôn (Giám đốc Công ty MIKA - PV), nhưng đến hiện tại thì không thể liên lạc được nữa, gọi luôn báo thuê bao. Trụ sở công ty thì luôn trong tình trạng cửa đóng then cài", một số nạn nhân chia sẻ.

Quả thật, khi phóng viên gọi vào số điện thoại được cho là của bà Muôn mà các nạn nhân cung cấp thì không thể liên lạc được.

Trước đó, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tìm đến trụ sở mới của Công ty MIKA tại số 11, ngách 71, ngõ 466 Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, quận Long Biên nhưng tại đây không có biển hiệu của công ty. Trong khi đó, tại trụ sở cũ số 8, ngõ 69, phố Vũ Đức Thận, phường Việt Hưng, quận Long Biên vẫn còn biển hiệu của công ty nhưng không còn người hoạt động.

Vụ Công ty MIKA bị “tố” lừa đảo: Đề nghị công an kiểm tra, xác minh
Trụ sở cũ của Công ty MIKA

Theo chia sẻ của một số người dân xung quanh, đồ đạc của công ty đã được dời đi từ lâu, trụ sở tại địa chỉ số 8, ngõ 69, phố Vũ Đức Thận, phường Việt Hưng, quận Long Biên đã không còn hoạt động.

Cũng liên quan đến sự việc này, theo nguồn tin của phóng viên, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) mới đây đã có văn bản gửi Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an (A03) về việc xử lý vi phạm đối với Công ty MIKA.

Theo nội dung văn bản, Cục Quản lý Lao động ngoài nước nhận được đơn của công dân tố cáo Công ty MIKA đã tư vấn, thu tiền để làm thủ tục cho người lao động đi làm việc tại Nhật Bản, nhưng không đưa được lao động đi và không hoàn trả tiền cho người lao động, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vụ Công ty MIKA bị “tố” lừa đảo: Đề nghị công an kiểm tra, xác minh
Văn bản của Cục Quản lý Lao động ngoài nước gửi cơ quan công an

Tại văn bản, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết, Công ty MIKA không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp. Vì vậy, Cục này chuyển đơn tố cáo của công dân và đề nghị A03 kiểm tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời thông tin kết quả cho Cục biết.

Trước đó, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng đã có văn bản cung cấp thông tin cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Long Biên (Hà Nội) liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động của Công ty MIKA.

Theo đó, Cục Quản lý Lao động ngoài nước khẳng định, việc Công ty MIKA không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc không đăng ký hợp đồng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động là vi phạm Khoản 5,6,7 Điều 7 và Điều 74,75 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng cho biết sẽ tiến hành xem xét, kiểm tra việc liên kết hợp tác giữa Công ty MIKA và Công ty TNHH MTV Abey' Medical.

Đình chỉ điều tra vì chờ kết quả giám định

Trong một diễn biến liên quan, chiều 19/11, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng đã cuộc trao đổi với đại diện Công an quận Long Biên để tìm hiểu tiến trình điều tra vụ việc này.

Vụ Công ty MIKA bị “tố” lừa đảo: Đề nghị công an kiểm tra, xác minh
Trụ sở Công an quận Long Biên

Theo đó, đại diện Công an quận Long Biên xác nhận, cơ quan này đã nhận được nhiều đơn tố cáo của công dân về dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động của Công ty MIKA.

"Sau khi nhận được đơn tố cáo, tin tố giác tội phạm, chúng tôi đã cử những điều tra viên có kinh nghiệm tiến hành xác minh. Đồng thời, cũng đã làm việc với đại diện công ty và thu thập các hồ sơ, tài liệu liên quan để phục vụ công tác điều tra và gửi đi trưng cầu giám định'', vị này cho biết.

Cũng theo vị này, hiện tại vụ việc đang tạm đình chỉ điều tra vì hết thời hạn. Nguyên nhân là do cơ quan công an vẫn đang chờ kết quả giám định các hồ sơ, chứng cứ liên quan. Lý giải đến nay vẫn chưa có kết quả giám định, đại diện Công an quận Long Biên cho biết là vì lượng hồ sơ thu thập khá nhiều bởi có khoảng 30 người tố cáo.

Bên cạnh đó, vị đại diện Công an quận Long Biên cũng tiết lộ, vụ việc này còn liên quan đến một đối tượng hiện đang sinh sống tại Nhật Bản.

"Chúng tôi cũng đã làm thủ tục đề nghị Viện Kiểm sát tối cao cùng với các đơn vị liên quan phối hợp liên hệ với phía Nhật Bản để tương trợ tư pháp'', vị này chia sẻ thêm.

Vụ Công ty MIKA bị “tố” lừa đảo: Đề nghị công an kiểm tra, xác minh
Phiếu thu tiền có dấu đỏ của Công ty MIKA

Trong khi đó, nhận định về câu trả lời của vị đại diện Công an quận Long Biên, nhiều nạn nhân của sự việc này bày tỏ quan điểm không đồng tình. Theo những người này, họ đã gửi đơn tố cáo từ lâu, cơ quan điều tra cũng có rất nhiều thời gian để xác minh sự việc nhưng đến nay vẫn chưa xong là rất chậm.

"Hồ sơ chúng tôi gửi là bản gốc, có dấu đỏ của công ty. Hơn nữa, hành vi của công ty là rõ ràng thì tại sao lại điều tra lâu như vậy. Chúng tôi đề nghị cơ quan điều tra phải nhanh chóng kết thúc sự việc đảm bảo quyền lợi cho công dân", một nạn nhân đặt vấn đề.

Trước đó, như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, báo nhận được đơn kêu cứu của hàng chục thanh niên, người lao động (40 người) phản ánh có dấu hiệu lừa đảo xuất khẩu lao động của Công ty MIKA.

Theo chia sẻ của những người này, năm 2018, qua thông tin truyền thông quảng cáo, họ được biết Công ty MIKA tuyển người đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản làm việc.

Sau đó, họ liên hệ với công ty thì được bà Phạm Thị Muôn – Giám đốc và ông Trịnh Quang Lâm (người đại diện) cho biết, công ty đang có nhu cầu tuyển lao động sang Nhật Bản làm việc với mức lương là 40 triệu/tháng trở lên, phí đi là từ 3.000 - 8.000 USD.

Những người này sau đó đã ký hợp đồng và nộp tiền với mong muốn sớm được xuất khẩu lao động làm việc. Tại hợp đồng, Công ty MIKA cũng đã cam kết sẽ hướng dẫn thủ tục giấy tờ và cung cấp thông tin tuyển dụng chính xác.

Tuy nhiên, sau khi hết thời hạn cam kết mà vẫn chưa thể sang Nhật Bản làm việc, nhiều người đã yêu cầu Công ty MIKA trả lại tiền và không đi nữa thì đa số không được hoàn tiền. Có một số người được trả lại tiền nhưng là rất ít so với số tiền đã nộp vào công ty này. Sau đó, họ làm đơn tố cáo đến Công an quận Long Biên.

"Nếu Công an quận Long Biên không sớm giải quyết, chúng tôi sẽ tiếp tục làm đơn gửi Bộ Công an, Công an TP Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền...", một nạn nhân chia sẻ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Xuân Tường - Thiện Nhân
Phiên bản di động