Vietnam Airlines kế hoạch lỗ gần 15.200 tỷ đồng, dự kiến bán bớt máy bay

Năm 2020, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đặt kế hoạch lỗ hợp nhất gần 15.200 tỷ đồng, đồng thời có chủ trương bán 9 tàu bay A321 CEO sản xuất năm 2007, 2008.
Vietnam Airlines nợ vay "ngập cổ", dòng tiền kinh doanh âm hàng nghìn tỷ đồng Vietnam Airlines dồn dập mở thêm 4 đường bay nội địa mới

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa công bố tài liệu phục vụ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 vào ngày 10/8 tới.

Theo đó, về kế hoạch kinh doanh, năm 2020, ban lãnh đạo Vietnam Airlines dự kiến chỉ vận chuyển 14,5 triệu lượt khách, giảm 36,8% so với năm ngoái; khách luân chuyển dự kiến ở mức 16,2 tỷ khách/km, giảm 56,9% do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Theo kế hoạch, Vietnam Airlines quyết định tạm dừng khai thác các đường bay đi Châu Âu và Úc trong cả năm 2020; trong khi đó hãng dự kiến bắt đầu khai thác trở lại các đường bay trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á từ tháng 10 với tần suất hạn chế từ 3-5 chuyến/tuần và bắt đầu dần ổn định khai thác từ tháng 12.

Với kế hoạch khai thác như trên, Vietnam Airlines dự kiến tổng doanh thu hợp nhất năm 2020 ở mức gần 40.600 tỷ đồng, giảm gần 60% so với năm ngoái; lỗ sau thuế hợp nhất gần 15.200 tỷ đồng.

1611 73041102 2481851938535296 3752560914184798208 o
Máy bay Vietnam Airlines. Ảnh: VNA.

Đáng chú ý, theo phương án được Chính phủ cho vay 12.000 tỷ đồng và chưa tăng vốn chủ sở hữu trong năm 2020, dư tiền cuối kỳ của công ty mẹ Vietnam Airlines dự kiến đạt mức 397 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu theo kế hoạch năm 2020 ở mức 16,63 lần, tăng mạnh so với mức 2,72 lần của năm 2019.

Được biết, tại đại hội tới đây, Vietnam Airlines cũng trình cổ đông thông qua chủ trương bán 9 tàu bay A321 CEO sản xuất năm 2007, 2008, nhiều hơn 3 chiếc so với kế hoạch đã được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thông qua trước đó. Đây là một phần trong chương trình đổi mới tàu bay của Tổng Công ty theo định hướng thay thế dần tàu bay thế hệ cũ, đã khai thác trên 12 năm tuổi nhằm tiết kiệm chi phí, đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Vietnam Airlines dẫn dự báo của Hiệp hội Vận chuyển Hàng không Quốc tế (IATA) và các tổ chức khác cho rằng, có khả năng ngành hàng không sẽ mất 2-3 năm để phục hồi về mức 2019 và sự phục hồi của các đường bay quốc tế sẽ còn chậm hơn nữa.

Vì vậy, đội bay của Vietnam Airlines và Vietnam Airlines Group (bao gồm cả Pacific Airlines) sẽ dư thừa. Theo dự báo hiện tại, số lượng tàu bay sẽ dư thừa khoảng 25 tàu bay trong 6 tháng cuối năm 2020 và 6 tàu bay vào năm 2021.

Do đó, Vietnam Airlines dự kiến sẽ đẩy sớm chương trình bán 3 chiếc tàu A321CEO sản xuất trong năm 2008 lên năm 2020-2021 (kế hoạch ban đầu là 2023-2024), qua đó nâng tổng số máy bay dự kiến bán ra lên 9 tàu.

Ngoài ra, Vietnam Airlines còn dự kiến năm nay sẽ giảm lương phi công hơn 52% so với năm ngoái, xuống bình quân 77 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, lương trung bình của tiếp viên, lao động mặt đất của hãng bay có biểu tượng hình bông sen dự kiến là 13,8 triệu đồng/tháng, giảm lần lượt gần 48% và 44,5% so với năm 2019.

Theo báo cáo tài chính vừa công bố, trong 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần đạt 24.808 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận sau thuế lỗ 6.642 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 1.381 tỷ đồng.

Vấn đề nguy cấp nhất là trong khi dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines ghi nhận âm 5.371 tỷ đồng thì vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ngày càng tăng cao, lên hơn 11.103 tỷ đồng, tăng 70% so với đầu năm.

Văn Huy
Phiên bản di động