Việt Nam muốn truyền thông điệp chung tay chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo

Qua Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Ban Tổ chức mong muốn không chỉ muốn để lại dấu ấn tốt đẹp về đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế mà còn truyền đi thông điệp về chung tay thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo...
6 điểm khác biệt ở Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay

Chia sẻ về ý nghĩa của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 được tổ chức tại Hà Nội, ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, năm 2013, Liên Nghị viện Thế giới (IPU) đã thành lập Diễn đàn Nghị sĩ trẻ nhằm góp phần tăng cường số lượng và chất lượng tham gia của giới trẻ trong các nghị viện và trong IPU.

Năm 2014, IPU đã thiết lập Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu hằng năm với mục đích tăng cường vai trò của nghị sĩ trẻ và sự tham gia của giới trẻ vào hoạt động nghị viện và đưa ra những khuyến nghị dưới góc nhìn của giới trẻ về các hoạt động cũng như nội dung nghị sự của IPU; Xây dựng mạng lưới, đoàn kết và nâng cao năng lực, mở rộng cách tiếp cận của giới trẻ đối với các vấn đề cùng quan tâm.

Theo ông Cường, Hội nghị Nghị sĩ trẻ Toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức là sự kiện đối ngoại quan trọng không chỉ của IPU, mà còn là hoạt động đa phương quan trọng của Việt Nam trong năm 2023.

Thứ nhất, hội nghị là cơ hội để các nghị sĩ trẻ đến từ các nghị viện thành viên trên thế giới thảo luận về các hành động của nghị viện nhằm phát huy vai trò của giới trẻ trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cũng như thúc đẩy đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.

Thứ hai, đây là hoạt động thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng”, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Thứ ba, tiếp tục khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm, phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam trong ngoại giao nghị viện đa phương IPU - một trong những tổ chức đa phương lâu đời nhất thế giới.

Việt Nam muốn truyền thông điệp chung tay chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo
Ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.

Thứ tư, việc đảm nhận vai trò chủ nhà của hội nghị cho thấy sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước Việt Nam với thế hệ trẻ, vai trò của giới trẻ trong phát triển đất nước và tham gia vào xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng và giải quyết các thách thức toàn cầu.

Thứ năm, hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy các lợi ích của Việt Nam qua kênh nghị viện; tham khảo kinh nghiệm thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ vào các hoạt động chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững đang là xu thế chung của thế giới và cũng là những ưu tiên hàng đầu trong các chính sách hiện nay của Việt Nam

Cuối cùng, thông qua hội nghị sẽ giúp tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều đối tác quan trọng, nhất là các nghị sĩ, thế hệ lãnh đạo trẻ của các quốc gia; truyền tải tới bạn bè quốc tế về chính sách đối ngoại; quảng bá về thành quả công cuộc đổi mới và về truyền thống văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, với tính chất, ý nghĩa quan trọng của hội nghị, công tác chuẩn bị đã được triển khai hết sức tích cực và khẩn trương.

Theo đó, Ban Tổ chức Hội nghị được thành lập do đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng ban, tham gia có các đồng chí Bộ trưởng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Đồng thời, Ban Tổ chức cũng đã thành lập 3 Tiểu ban gồm: Tiểu ban Nội dung; Tiểu ban Lễ tân - Hậu cầu - An ninh - Y tế; Tiểu ban Thông tin - Tuyên truyền và Ban Thư ký Quốc gia thuộc Ban Tổ chức hội nghị.

Trong suốt quá trình chuẩn bị, Ban Tổ chức luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thường xuyên có các cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không chỉ yêu cầu các cơ quan chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa mà còn trực tiếp làm việc với các bộ, ngành liên quan như: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch... để xem xét, đóng góp ý kiến, đề xuất các chủ đề dự kiến thảo luận tại hội nghị cũng như các đóng góp của Việt Nam tại hội nghị.

Trong quá trình chuẩn bị, Chủ tịch Quốc hội cũng nhiều lần làm việc với các cơ quan liên quan, rà soát, đánh giá tiến độ, chất lượng thực hiện từng công việc để bảo đảm điều kiện tốt nhất tổ chức thành công Hội nghị.

Theo ông Cường, đến nay, với phương châm “hữu nghị, trọng thị, chu đáo, an toàn và tiết kiệm”, công tác chuẩn bị hội nghị đã cơ bản hoàn tất đảm bảo cả về nội dung, hậu cần, lễ tân và an ninh, y tế.

"Hội nghị chắc chắn sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp về đất nước Việt Nam tươi đẹp, hòa bình đối với bạn bè quốc tế", ông Cường nhận định.

Nói về ý nghĩa của việc lựa chọn chủ đề của kỳ này, ông Cường cho biết, chủ đề chung của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”.

Chủ đề chính của hội nghị và các phiên thảo luận chuyên đề về chuyển đổi số, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tôn trọng sự đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững không chỉ mang tính thời sự mà còn phù hợp với xu thế thời đại và định hướng phát triển của các quốc gia trên toàn cầu.

Các nghị viện thành viên cùng Chính phủ các nước đều nhận thức rõ và khẳng định rằng chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là xu thế tất yếu, giúp đẩy nhanh hơn, công bằng hơn đối với mỗi quốc gia và mỗi người dân toàn cầu để không ai bị bỏ lại phía sau.

"Đây cũng là những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay hướng đến 2 mục tiêu khát vọng 100 năm đã được Đảng ta đề ra tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII. Do đó, Quốc hội Việt Nam đã có những bước chuẩn bị bài bản, chủ động và vận động thuyết phục thành công IPU về chủ đề của hội nghị lần này", ông Cường chia sẻ.

Thông qua hội nghị, Việt Nam mong muốn các nghị sĩ trẻ IPU, là những nhà chính trị gần gũi nhất với thế hệ trẻ - những người am hiểu về khoa học, công nghệ mới, với tư cách là những lãnh đạo tương lai cần chung tay thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, tại phiên bế mạc, hội nghị sẽ thông qua tuyên bố về Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Tuyên bố hội nghị sẽ tóm tắt những điểm nổi bật nhất cũng như tổng hợp những đề xuất, kiến nghị ghi nhận tại các phiên họp. Bản tuyên bố là sự chung đúc quyết tâm, cam kết mạnh mẽ của các nghị sĩ trẻ IPU đối với sự phát triển mạnh mẽ và bền vững mang tầm vóc toàn cầu.

Hậu Lộc
Phiên bản di động