Việt Nam chi hơn 15.000 tỷ đồng cho phòng, chống Covid-19
Doanh nghiệp kỳ vọng sản xuất kinh doanh khả quan hậu Covid-19 |
Ngày 2/7, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có báo cáo tóm tắt một số vấn đề về tình hình tài chính – ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu khó khăn, tiêu dùng nội địa thấp, giá dầu thô giảm sâu và việc triển khai các giải pháp tài khoá để phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã tác động lớn đến cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2020.
Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng ước đạt 44,22% dự toán, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2019, nếu tính cả thu từ cổ phần hóa đạt tiến độ dự toán, cộng với số thuế đã gia hạn, thì đạt khoảng trên 48% dự toán. Đây là năm có tiến độ thu ngân sách so với dự toán đạt thất nhất kể từ năm 2013 và suy giảm so với cùng kỳ ở cả 3 lĩnh vực kinh tế.
Việt Nam chi hơn 15.000 tỷ đồng cho phòng, chống Covid-19. Ảnh: Kiều Vân. |
Trong đó thu nội địa đạt 44,11% dự toán, giảm 8%; thu dầu thô đạt 59,7% dự toán, giảm 28,5%; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 43,4% dự toán, giảm 21,9% so với cùng kỳ 2019. Trong thu nội địa, thu từ 3 khu vực kinh tế đều đạt thấp. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 37,1% dự toán, giảm 21,5%; thu từ khu vực doanh nghiệp FDI đạt 41,8% dự toán, giảm 6,5%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 37% dự toán, giảm 16,1%.
Trên cả nước, có 34/63 địa phương thu 6 tháng đạt trên 50% so với dự toán được giao. Nếu không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số thì chỉ có 14/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán. 30/63 địa phương tiến độ thực hiện thu đạt dưới 45% dự toán.
Đáng chú ý, trong số 16 địa phương trọng điểm thu có điều tiết về Trung ương, chỉ có 5/16 địa phương đạt tiến độ thu nội địa trên 50% dự toán (Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu). 11 địa phương còn lại đạt dưới 50%, trong đó 8 địa phương đạt dưới 40% dự toán là TP HCM đạt 39,3%, Đà Nẵng đạt 37,7%, Quảng Ngãi 38,5%, Quảng Nam 31,2%, Khánh Hòa 35,4%, Hải Phòng 38,5%... Điều này cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp thực sự nhiều khó khăn.
Về điều hành chi, chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm cơ bản theo tiến độ dự toán, đảm bảo các nhiệm vụ quan trọng phát sinh về phòng chống thiên tai, dịch bệnh, y tế, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Luỹ kế 6 tháng, chi ngân sách Nhà nước đạt 41,8% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 33,1% dự toán; chi trả nợ lãi đạt 50,3% dự toán, giảm 0,9%; chi thường xuyên đạt 48,2% dự toán.
Trong điều hành, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp cùng một số bộ, cơ quan có liên quan ban hành một số chế độ đặc thù đối với những người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch và những người phải cách ly tập trung; phối hợp xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động lớn bởi đại dịch Covid-19; xây dựng cơ chế đảm bảo kinh phí và thu xếp bố trí nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện.
Đến nay ngân sách Nhà nước đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, 4,1 nghìn tỷ đồng chi cho công tác phòng chống dịch, chi hỗ trợ cho khoảng 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 11,3 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương đã trích 1.664 tỷ đồng dự phòng năm 2020 để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn...); xuất cấp 13,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020.