Về vùng cực Nam ngắm “áo mới Cà Mau”
Tăng trưởng kinh tế theo hướng đặc trưng
Gắn bó ân tình với mảnh đất này, chúng tôi được biết, xuân Canh Tý năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau 5 năm 2016 – 2020. Vì vậy, năm 2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cà Mau đã lập được những kết quả nổi bật, cơ bản toàn diện trên các lĩnh vực để hướng tới dấu mốc trọng đại này.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, vui mừng chia sẻ với chúng tôi: “Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng bộ, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau tiếp tục phát triển và tăng trưởng khá”.
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP theo giá so sánh) năm 2019, ước đạt 43.320 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2018 (bằng kế hoạch năm 2019). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2019 ước đạt 13.810 tỷ đồng (kế hoạch 13.400 tỷ đồng).
Biểu tượng của Đất Mũi Cà Mau là tiểu cảnh pano hình con tàu hướng ra biển Đông |
Ông Hải cũng cho biết, đặc biệt năm 2019 tỉnh Cà Mau có một số chỉ tiêu đạt kết quả nổi bật như: Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 5.519 tỷ đồng (vượt 20,79% kế hoạch), tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 13.810 tỷ đồng (vượt 3,1% kế hoạch), tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,72% (kế hoạch giảm 1,3%)...
Nhắc đến Cà Mau là nhắc đến vùng sông, biển với các nguồn thủy hải sản lâm nghiệp đặc trưng. Trong buổi làm việc với tỉnh Cà Mau đầu tháng 12/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đánh giá: “Lãnh đạo tỉnh đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, điều hành, quản lý và phát triển tương đối toàn diện các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng của tỉnh không cao nhưng mức tăng trưởng trong nông nghiệp đạt cao hơn bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; thế mạnh về nuôi tôm, trồng rừng và dịch vụ được chú trọng đầu tư, phát triển.
Hạ tầng kinh tế xã hội tại Cà Mau cũng có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là giao thông nông thôn, qua đó, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc”.
Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản năm 2019 ước đạt 568.000 tấn, bằng 101,4% kế hoạch, tăng 3,2% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng tôm ước đạt 200.000 tấn, bằng 95,9% kế hoạch, tăng 5,2% so cùng kỳ.
Tổng diện tích trồng lúa năm 2019 của tỉnh ước đạt 112.500 ha, tổng sản lượng ước đạt 520.000 tấn, năng suất bình quân 4,5 tấn /ha; tỷ lệ lúa sinh thái, lúa sạch ngày càng tăng.
Phát huy tiềm năng du lịch nổi bật
Trong bài phát biểu tại Lễ khánh thành Lễ khánh thành biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau và khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh đến tiềm năng du lịch nổi bật của nơi đây.
Là mảnh đất nằm ở cực Nam của đất nước, là điểm dừng chân cuối cùng của người Việt trong hành trình mở cõi, Cà Mau cũng là cái tên đầy thiêng liêng và trìu mến trong tâm khảm người Việt.
Cà Mau còn chất chứa trong lòng mình cả một di sản văn hóa sông nước vừa đậm chất bản địa, vừa mang dấu ấn của những người con lưu hương, cảnh sắc lại quá tươi đẹp.
Những lễ hội phong phú, ẩm thực đặc sắc càng là điểm nhấn thu hút khách phương xa tới nơi đây. Với tài nguyên du lịch phong phú và bản sắc, năm 2018, Cà Mau đón hơn 1,24 triệu lượt khách, tăng hơn 16% so với năm 2017, doanh thu du lịch đạt trên 2.200 tỷ đồng và dự kiến năm 2019 đạt gần 1,7 triệu lượt khách.
Đây là kết quả khá tích cực và rất ý nghĩa trong bối cảnh điểm yếu về giao thông kết nối cơ sở hạ tầng và nhiều “nút thắt” khác đặt ra cho cả vùng ĐBSCL nói chung và vùng Cà Mau nói riêng.
Chính vì thế, Thủ tướng tướng kỳ vọng rằng Tuần văn hóa - du lịch Mũi Cà Mau sẽ là sự khởi đầu cho những thảo luận trao đổi, khơi dậy niềm cảm hứng mới, quyết tâm mới, có nhiều ý tưởng mới, hợp tác mới giúp du lịch Cà Mau tăng tốc thời gian tới.
Với tất cả những “tấm áo mới” ấy, chúng tôi tin chắc chắn Cà Mau Đất Mũi sẽ rẽ sóng, vươn xa hơn nữa, góp phần vào sự thăng hoa, phát triển của cả đất nước.