Vay thẻ Eximbank 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng: Rút ra bài học gì?

Vụ việc khách hàng có món nợ thẻ tín dụng Eximbank hơn 8,5 triệu đồng từ năm 2013, đến nay bị ngân hàng thông báo tổng dư nợ lên hơn 8,83 tỷ đồng trở thành đề tài khiến dư luận xôn xao.
"Nội chiến" tại Eximbank vẫn chưa đến hồi kết? Ngân hàng Eximbank thay Chủ tịch

Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao vụ ông P.H.A tại Quảng Ninh sử dụng thẻ tín dụng của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) và nợ hơn 8,5 triệu đồng vào năm 2013, đến năm 2023 khoản nợ này tăng lên thành hơn 8,83 tỷ đồng, trong đó phần nợ lãi là hơn 8,8 tỷ đồng và 8,5 triệu đồng là nợ gốc.

Theo chia sẻ của ông P.H.A, từ năm 2013 ông nhờ một nhân viên làm việc tại chi nhánh Eximbank ở Quảng Ninh đăng ký mở một thẻ tín dụng. Nhưng thực tế sau đó, ông không được nhận thẻ tín dụng này và không phát sinh chi tiêu.

Đến năm 2017, khi đến một ngân hàng khác vay vốn, ông mới được nhân viên thông báo phát sinh nợ xấu tại Eximbank và không được vay vốn. Khi đó, ông mới biết mình nợ tín dụng.

Trong 5 năm đó, ông cũng không nhận được bất kỳ thông báo nào từ phía Eximbank kể cả bằng văn bản rằng ông bị nợ xấu. Ông khẳng định chữ ký trong biên lai hai giao dịch đều không phải của mình.

Vay thẻ Eximbank 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng: Rút ra bài học gì?
Công văn thông báo về khoản nợ xấu của khách hàng P.H.A.

Ông P.H.A nói thêm trong hồ sơ mở thẻ, có thêm một số điện thoại lạ không phải của ông. Trong khi đó, số điện thoại của ông vẫn đang được ông dùng đến hiện tại thì không nhận được bất kỳ thông báo nào.

Về phía Eximbank, ngân hàng cho cho biết cách tính lãi, phí này hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ có đầy đủ chữ ký ngày 15/3/2013.

Ngân hàng này cho biết, khách hàng có tên P.H.A thực hiện mở thẻ Mastercard tại Eximbank chi nhánh Quảng Ninh ngày 23/3/2013 với hạn mức 10 triệu đồng.

Khách hàng này phát sinh 2 giao dịch thanh toán vào các ngày 23/4/2013 và 26/7/2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch.

Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã nợ chuyển thành nợ xấu, thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm.

Vay thẻ Eximbank 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng: Rút ra bài học gì?
Ảnh minh họa.

Ngay sau đó, ngân hàng đã thực hiện nhiều bước để thu hồi khoản nợ của khách hàng này. Tuy nhiên, khách vẫn chưa có phương án xử lý nợ.

Liên quan đến vụ việc này, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh cho biết đã yêu cầu Eximbank chi nhánh Quảng Ninh có văn bản báo cáo.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước không quản lý việc này.

"Vấn đề của sự việc nằm ở cách tính lãi, Eximbank không phải ngân hàng đầu tiên xảy ra tình huống này, đã có trường hợp ngân hàng khác khởi kiện khách hàng", vị này chia sẻ.

Chia sẻ vấn đề pháp lý về việc này, Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh cho rằng, một khi đã mở thẻ tín dụng, để tránh phải trả tiền phạt phát sinh, người dân cần nhớ kỳ hạn trả để trả đầy đủ, tránh quên trả vì mức phí chậm trả sẽ rất cao. Đồng thời, nếu chậm trả nợ trong thời gian dài có thể đối mặt với việc bị ngân hàng khởi kiện ra toà.

Cũng theo Luật sư Vi Văn Diện, trong vụ này, sau nhiều năm, khoản nợ nhỏ ban đầu của khách hàng đã bị nhân lên mức quá cao. Đây là một sự việc mang tính cảnh tỉnh để khi bất kỳ một người dân nào đặt bút ký mở thẻ tín dụng cần phải đọc hiểu rõ bản chất để tránh những rủi ro đáng tiếc.

Theo ý kiến của luật sự, cơ quan chức năng, cơ quan nghiệp vụ của ngành ngân hàng cần vào cuộc để xác minh xem mức tính lãi của Eximbank đã đúng theo quy định của pháp luật hiện hành chưa.

Mặt khác, việc phân định đúng sai vừa để bảo vệ uy tín của ngân hàng vừa để người dân nhận thức rõ được những rủi ro để thận trọng hơn trong quá trình sử dụng thẻ tín dụng, tránh thiệt hại về kinh tế cho bản thân.

Còn theo phân tích của các chuyên gia, các ngân hàng thường có chính sách 45-55 ngày miễn lãi cho người sử dụng. Sau thời gian được hưởng miễn lãi, nếu khách không thanh toán sẽ bị coi là nợ thẻ tín dụng quá hạn.

Quá hạn dù chỉ một ngày vẫn sẽ bị tính phí phạt, thông thường là khoảng 5% và lãi suất 20-40% của số dư nợ tối thiểu, tùy ngân hàng. Do đó, người sử dụng thẻ tín dụng cần rà soát cẩn thận số tiền dư nợ phát sinh, thanh toán đúng hạn, phòng trường hợp số tiền nợ gốc lãi gia tăng, trở thành gánh nặng.

Mặt khác, ở khía cạnh ngân hàng, ngay từ khi khách hàng bắt đầu thanh toán tiền gốc và lãi thì cần phải liên hệ ngay với khách hàng để đưa ra cảnh báo để họ kịp thời thanh toán cũng như nắm được quá trình xử lý dư nợ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động