Vay Techcombank 1.100 tỷ đồng làm dự án, “sức khỏe” tài chính của Tập đoàn Nam Mê Kông ra sao?
Khách hàng cẩn trọng khi “xuống tiền” tại dự án Picenza Riverside Sơn La |
Ngày 27/4, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông đã ban hành Nghị quyết đồng ý phương án vay vốn và ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).
Theo đó, Tập đoàn Nam Mê Kông thống nhất sẽ vay Techcombank 1.100 tỷ đồng lấy vốn thực hiện đầu tư phát triển Dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2 tại xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Thời gian vay đến hết tháng 12/2022.
Hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Mê Kông giao ông Kiều Xuân Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị thay mặt ký hợp đồng tín dụng, giấy nhận nợ và các giấy tờ giao dịch khác (liên quan đến việc vay vốn, nhận nợ, thế chấp...) đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, Hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Mê Kông đồng ý thế chấp các tài sản thuộc sở hữu của công ty hoặc bên thứ ba để đảm bảo cho toàn bộ nghĩa vụ thanh toán nợ vay, bảo lãnh và các chi phí, lãi phát sinh nêu trên và Hợp đồng tín dụng số MMD202013103307/HĐTD đã ký ngày 22/7/2020 giữa Techcombank và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bảo Ninh.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông, tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 (Vinaconex 3). |
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông, tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 (Vinaconex 3) vốn là một đơn vị thành viên của Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Vào giữa năm 2015, Vinaconex đã thoái toàn bộ hơn 51,4% vốn khỏi Tập đoàn Nam Mê Kông.
Ở thời điểm hiện tại, Tập đoàn Nam Mê Kông có quy mô nhân sự xấp xỉ 130 người. Ông Kiều Xuân Nam và ông Đặng Minh Huệ đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc công ty.
Tập đoàn Nam Mê Kông hoạt động ở 2 mảng chính là xây lắp công trình và kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, mảng xây lắp đã thu hẹp đi nhiều, hiện doanh thu và lợi nhuận của công ty hiện phụ thuộc chính vào kinh doanh bất động sản.
Theo tài liệu của phóng viên, sau khi Vinaconex thoái vốn, tình hình kinh doanh của Tập đoàn Nam Mê Kông không được thuận lợi như trước, doanh thu và lợi nhuận trồi sụt qua các năm.
Về doanh thu, nếu như năm 2016 doanh thu đạt 557 tỷ đồng, thì đến năm 2017 giảm xuống 542 tỷ đồng, năm 2018 giảm gần 50% xuống còn 290 tỷ đồng. Sau khi tăng nhẹ lên 330 tỷ đồng trong năm 2019, doanh thu năm 2020 của công ty rơi xuống 122 tỷ đồng, với sự sụt giảm diễn ra trên hầu khắp các mảng kinh doanh.
Trong đó, với hoạt động kinh doanh cốt lõi là xây lắp, nếu như trong những năm 2015-2016, doanh thu hoạt động này của công ty còn ghi nhận hơn 100 tỷ đồng/năm thì đến năm 2018-2019 chỉ còn hơn 30 tỷ đồng/năm và đến năm 2020 không có.
Còn đối với mảng bán hàng hóa, vật liệu xây dựng, doanh thu cũng giảm mạnh từ 187 tỷ đồng năm 2018 xuống 55 tỷ đồng trong 2019 và đến năm 2020 chỉ còn vẻn vẹn 7,9 tỷ đồng.
Việc doanh thu của mảng xây lắp, bán vật liệu xây dựng giảm mạnh trong năm 2020 có một phần nguyên nhân đến từ việc công ty thoái vốn khỏi 3 công ty con trong lĩnh vực này. Tuy vậy, xu hướng suy giảm kéo dài từ trước đó cũng cho thấy sự suy yếu về năng lực cạnh tranh, khả năng nhận thầu các dự án mới trong lĩnh vực kinh doanh từng là cốt lõi của công ty.
Trong khi đó, doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản cũng giảm mạnh, từ mức quanh 400 tỷ đồng/năm của 2016-2017 đến năm 2018 chỉ còn 57 tỷ đồng, sau khi tăng trở lại 217,7 tỷ đồng trong năm 2019 thì năm 2020 lại giảm mạnh xuống chỉ còn 96,4 tỷ đồng.
Doanh thu đã vậy, lợi nhuận của Tập đoàn Nam Mê Kông cũng không khởi sắc hơn. Theo đó, năm 2019, công ty ghi nhận lãi sau thuế 75 tỷ đồng nhưng sang năm 2017 lại giảm xuống 43,5 tỷ đồng và đến 2018 là 21,9 tỷ đồng. Sau khi phục hồi lên mức 51,9 tỷ đồng trong năm 2019 thì sang 2020, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Nam Mê Kông chỉ còn 13,85 tỷ đồng, hoàn thành 1/4 kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông đặt ra.
Đáng chú ý, trong kết quả lợi nhuận của năm 2020 có được là nhờ bán vốn từ các công ty con chứ không phải kiếm từ hoạt động kinh doanh chính. Trong đó, đóng góp đáng kể là gần 7 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, chủ yếu là nhờ thoái vốn các công ty con là Công ty Cổ phần Xây lắp và công nghệ số 3, Công ty Cổ phần Khai thác đá Thừa Thiên - Huế và Công ty cổ phần Đầu tư và khai thác chợ B.O.T - Vinaconex 3, với tổng giá trị chuyển nhượng 38,26 tỷ đồng.
Đặc biệt, tại các báo cáo tài chính cho thấy, mặc dù Tập đoàn Nam Mê Kông đã ghi nhận doanh thu từ một phần các dự án bất động sản và báo lãi nhưng dòng tiền thu về của công ty không đủ đáp ứng nhu cầu tái đầu tư khiến dòng tiền kinh doanh đã âm 3 năm liên tiếp với mức âm 181,6 tỷ đồng (năm 2018); âm 19,9 tỷ đồng (năm 2019) và âm 163,4 tỷ đồng (năm 2020).
Lợi nhuận èo uột, dòng tiền kinh doanh âm, để đáp ứng nhu cầu vốn, Tập đoàn Nam Mê Kông tăng cường huy động vì vậy nợ vay của công ty cũng có xu hướng gia tăng.
Trong năm 2020, ngoài việc thu về 284 tỷ đồng từ phát hành cổ phần cho cổ đông, Tập đoàn Nam Mê Kông cũng tăng vay nợ thêm 57 tỷ đồng. Tổng nợ vay đến cuối năm đạt 203 tỷ đồng nhưng nhờ các khoản vay chủ yếu được dùng để đầu tư vào các dự án dở dang, chi phí lãi vay còn đang được vốn hóa nên chi phí lãi vay hạch toán vào chi phí kinh doanh hầu như không đáng kể.
Theo báo cáo tài chính của công ty đến cuối năm 2020, ba dự án có giá trị dở dang lớn nhất là Dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2 - Quảng Bình (165 tỷ đồng), Dự án Khu dân cư Vinaconex 3 – Phổ Yên, Thái Nguyên (103,4 tỷ đồng) và Dự án tòa nhà văn phòng, cho thuê tại 389 Đê La Thành (108 tỷ đồng). Trong đó, giá trị đầu tư vào dự án 389 Đê La Thành chỉ tăng 8 tỷ đồng trong năm 2020. Đối với dự án Đại Lải (Vĩnh Phúc), giá trị dở dang ghi nhận đến cuối năm 2020 là 33 tỷ đồng, tăng 6 tỷ đồng so với đầu năm.
Theo dự toán, các dự án dở dang của Tập đoàn Nam Mê Kông đều có quy mô đầu tư lớn. Chẳng hạn, dự án Bảo Ninh 2 có tổng mức đầu tư theo phương án trình Đại hội đồng cổ đông năm 2020 là 1.078 tỷ đồng. Trước đó, báo cáo của công ty cho biết, quy mô vốn đầu tư tại dự án Đại Lải là 1.141 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng quy mô vốn của Tập đoàn Nam Mê Kông đến cuối năm 2020 đang ở mức 1.331 tỷ đồng, bao gồm 727,4 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 203 tỷ đồng nợ vay, còn lại là các khoản chiếm dụng vốn.
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, tính đến hết năm 2020, Tập đoàn Nam Mê Kông ghi nhận khoản nợ phải trả lên tới 604 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 334 tỷ đồng và còn lại là nợ dài hạn.
Tại thời điểm ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Tập đoàn Nam Mê Kông ở mức 1.331 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 370 tỷ đồng, hàng tồn kho cũng chiếm tới 330 tỷ đồng trong khi tiền và các khoản tương đương tiền chỉ vọn vẹn 159 tỷ đồng.
Theo ghi nhận trong báo cáo tài chính, hiện, Tập đoàn Nam Mê Kông có khoản vay dài hạn 59,7 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với tài sản đảm bảo là Dự án Khu dân cư Vinaconex 3 – Phổ Yên (Thái Nguyên) và khoản vay 131 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) với tài sản đảm bảo là quyền phát triển Dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2 (Quảng Bình).