Ninh Thuận:

"Trồng rừng giữ nước" để mùa khô không còn là cơn ác mộng

Trồng và bảo vệ được những cánh rừng trên vùng núi đá Thuận Nam - Ninh Thuận, là việc không thể chần chừ thêm nữa, để mùa khô Ninh Thuận không còn là cơn ác mộng với gia đình Voọc chà vá chân đen còn lại ở Thuận Nam và những hộ gia đình lấy chăn nuôi làm nguồn sinh kế chính.
Điện Biên giữ “rừng vàng” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh Phủ xanh hơn 35 ha rừng sau vụ cháy rừng kinh hoàng Những cô gái trồng rừng dưới đáy biển

Cơn ác mộng mùa khô

Tiến sĩ Trương Văn Vinh (Phó Trưởng khoa Lâm Nghiệp - Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh) không thể nào quên cảnh anh bắt gặp đàn Voọc chà vá chân đen lang thang xuống tận đường cái tìm kiếm thức ăn giữa mùa khô.

Video Đàn Voọc chà vá chân đen (Pygathrix nigripes) xuống đường cái kiếm ăn, ven Rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam, Ninh Thuận, 2020

Điều này rất lạ, bởi Voọc chà vá chân đen là loài rất nhút nhát, di chuyển trên cây, và chỉ ăn lá non, hoa quả. Vào mùa hạn, cơn đói đẩy chúng vào hoàn cảnh nguy hiểm: phải ra tận bìa rừng, thậm chí xuống đường cái để tìm thức ăn. Từ đỉnh núi xuống đường, chúng di chuyển qua lại những ngọn cây khô trụi vì thiếu mưa và quãng đường dài đến ba bốn cây số.

Không chỉ đối với đàn voọc, mùa khô cũng là cơn ác mộng của những hộ dân chăn nuôi. Ninh Thuận có đến 10/12 tháng nắng nóng kéo dài, các kênh hồ cạn khô đáy. Tháng ba năm ngoái, chỉ tính riêng huyện Thuận Nam, hơn 54.000 con cừu (hơn một nửa số cừu của toàn tỉnh) phải sống trong cảnh thiếu thức ăn và nước uống.

Nỗ lực “Trồng rừng giữ nước”

Chỉ còn một tin vui giữa lưng chừng đồi trọc phía Nam huyện Thuận Nam. Giữa vùng núi đá, còn một cây si lớn, rễ cây vươn xa bám vào vách đá và tán cây tỏa rộng ra xung quanh. Dưới tán cây có một hốc đá có nước quanh năm. Bác Dáng, người dân tộc Chăm đã lên đây dựng lều ở hơn chục năm nay. Bác Dáng và đàn dê có cuộc sống an bình mặc cho sự khắc nghiệt của thời tiết chính là nhờ vào nguồn nước quanh năm ở trong hốc đá ấy.

Cây si và hốc đá còn lại giữa núi đá phía Nam huyện Thuận Nam

Câu chuyện của bác Dáng nhắc lại một thông điệp tưởng đã sáo rỗng: “muốn có nước thì phải có cây”.

Việc phục hồi rừng đã luôn nằm trong mục tiêu của Ban Quản lý Rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam trong hơn 15 năm qua. Thách thức của việc trồng rừng, là phải chọn được loài cây tiên phong, có thể sống sót được qua mùa khô, mà không biến thành nguồn thức ăn của dê, cừu, bò. Về lâu dài, khi loài tiên phong phát triển, chúng sẽ tạo nên một tiểu khí hậu mới ôn hòa hơn, cho phép các loài cây bản địa khác phát triển. Rừng được tái sinh nghĩa sẽ có cỏ trong mùa khô, lưu trữ được nước ngầm, chắn gió, chắn cát bay, bảo vệ toàn bộ người dân bên kia cánh rừng.

Dự án “Giao hưởng rừng xanh” tại Ninh Thuận được triển khai nhờ sự phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Thuận, Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam và Quỹ Sống

Dự án “Giao hưởng rừng xanh” tại Ninh Thuận được triển khai nhờ sự phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Thuận, Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam và Quỹ Sống. Trong năm 2021, dự án sẽ trồng mới và chăm sóc hơn 40.000 cây Thanh thất trên diện tích 20 hecta tại rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam Ninh Thuận; và tiếp tục mở rộng diện tích và chất lượng rừng trồng trong những năm tiếp theo.

Trồng rừng gắn liền nghiên cứu khoa học

Quỹ Sống có kế hoạch phối hợp cùng với TS. Trương Văn Vinh (Phó Trưởng khoa Lâm Nghiệp - ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh), trong một số thử nghiệm nghiên cứu. Đầu tiên là thử nghiệm sử dụng phân hữu cơ vi sinh, nhằm tăng độ ẩm của đất trồng, cung cấp dinh dưỡng cho cây non từ khi trồng, giúp cây non sống sót qua mùa khô khắc nghiệt.

Trồng và bảo vệ được những cánh rừng trên vùng núi đá Thuận Nam - Ninh Thuận, là việc không thể chần chừ thêm nữa
Trồng và bảo vệ được những cánh rừng trên vùng núi đá Thuận Nam - Ninh Thuận, là việc không thể chần chừ thêm nữa

Việc nghiên cứu này nhằm cung cấp những cơ sở khoa học trong công tác trồng rừng và phục hồi hệ sinh thái rừng tại khu vực khô hạn Ninh Thuận, là nguồn tư liệu bổ trợ cho các nhà quản lý trong việc hoạch định chính sách phát triển lâm nghiệp tại khu vực này. Đồng thời, những quan trắc này sẽ minh chứng cho vai trò của rừng trong việc cải thiện các yếu tố môi trường tại khu vực.

Trồng và bảo vệ được những cánh rừng, là việc không thể chần chừ thêm nữa, để mùa khô Ninh Thuận không còn là cơn ác mộng với gia đình Voọc chà vá chân đen còn lại ở Thuận Nam và những hộ gia đình lấy chăn nuôi làm nguồn sinh kế chính như gia đình bác Dáng.

Quỹ Sống (tên đầy đủ là Quỹ Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng Sống bền vững) là quỹ xã hội hoạt động phi lợi nhuận được thành lập vào ngày 7/11/2018 theo quyết định số 2470/QĐ/BNV của Bộ Nội vụ.

Chiến dịch “Trồng rừng giữ nước” là chiến dịch gây quỹ cộng đồng cho dự án Forest Symphony Thuận Nam, Ninh Thuận. Chiến dịch kêu gọi cộng đồng chung tay đóng góp để cùng trồng rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam, Ninh Thuận.

PV
Phiên bản di động