Trung Nam kêu cứu về dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận: EVN nói gì?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đơn vị này cũng đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ những khó khăn của Công ty Trung Nam tại dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận.
Nhà đầu tư hệ thống truyền tải điện 500kV Thuận Nam kêu cứu khẩn cấp Thủ tướng

Như chúng tôi đã thông tin, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam mới đây đã có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và UBND tỉnh Ninh Thuận liên quan đến thống truyền tải 500kV Thuận Nam do doanh nghiệp này đầu tư.

Theo đó, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam bày tỏ lo ngại nguy cơ xảy ra sự cố và gián đoạn vận hành hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam do đơn vị tự đầu tư cùng dự án điện mặt trời Trung Nam (450MW) gần 4 năm qua.

Ngoài việc truyền tải nguồn điện từ dự án điện mặt trời Trung Nam, hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam còn giúp giải tỏa công suất cho toàn bộ các dự án năng lượng khác trong khu vực, bao gồm nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, công suất 1.432MW.

Tuy nhiên, việc thiếu hụt doanh thu kéo dài khiến chủ đầu tư không thể đảm bảo nguồn kinh phí để vận hành, bao gồm chi phí đầu tư, bảo dưỡng, lương người lao động…

Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam cho biết, nguyên nhân là do phần công suất 172/450MW của nhà máy này đã phát điện lên lưới từ ngày 1/10/2020 đến ngày 31/8/2022 chưa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thanh toán.

Trung Nam kêu cứu về dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận: EVN nói gì?
Dự án trạm biến áp, đường dây 500kV và điện mặt trời của Công ty Trung Nam.

Bên cạnh đó, dự án này được xây dựng trên ba xã là Phước Minh, Nhị Hà và Phước Ninh (huyện Thuận Nam), nhưng giấy phép hoạt động điện lực cấp cho nhà máy này chỉ thể hiện ở xã Phước Minh.

Do đó, từ tháng 10/2023 đến nay, EVN chỉ thanh toán một phần doanh thu phát điện tương ứng phần diện tích nhà máy thuộc địa bàn xã Phước Minh, phần tổng giá trị chưa thanh toán tương ứng phần diện tích còn lại khoảng hơn 274 tỷ đồng.

Mặt khác, việc các thiết bị hoạt động với công suất cao đã đặt nhà máy vào nguy cơ xảy ra hư hỏng thiết bị và cần được thay thế càng lớn.

Vì vậy, trong bối cảnh thiếu hụt doanh thu kéo dài khiến chủ đầu tư không thể đảm bảo nguồn kinh phí để đầu tư, mua sắm vật tư dự phòng, thay thế thiết bị hư hỏng. Thậm chí, doanh thu không đủ chi trả tiền lương cho cán bộ nhân viên, người lao động.

“Với tình hình này, nguy cơ xảy ra sự cố nghiêm trọng, khả năng sập hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam là rất cao, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, trong đó bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư BOT Vân Phong”, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam cho biết.

Nhằm tránh nguy cơ xảy ra những sự cố nghiêm trọng đối với trạm biến áp 500kV Thuận Nam, gây thiệt hại đến hệ thống truyền tải điện quốc gia, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo thanh toán đầy đủ doanh thu phát điện, hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn về tài chính, đảm bảo đủ kinh phí duy trì vận hành hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam ổn định, an toàn.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện EVN cho biết thời gian qua đã huy động cơ bản công suất của nhà máy điện mặt trời lên lưới và đã thanh toán phần sản lượng/công suất theo giấy phép của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam và đúng quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng. Đồng thời ghi nhận sản lượng của phần công suất thừa theo quy định cho đến khi có quy định cụ thể.

Theo đại diện EVN, đối với phần sản lượng/công suất đủ quy định của pháp lý, EVN đã thanh toán đầy đủ. Còn phần sản lượng/công suất chuyển tiếp, EVN cũng đang thanh toán theo đúng khung giá tạm đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp do Bộ Công thương phê duyệt.

Đối với trạm biến áp và đường dây 500kV, đến thời điểm hiện tại vẫn thuộc quyền sở hữu tài sản của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam. Trước đây, công ty đã có đề xuất bàn giao 0 đồng cho EVN song vẫn còn vướng mắc về thủ tục pháp lý và đang trong quá trình triển khai theo hướng dẫn.

Đại diện EVN cho biết cũng đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ những khó khăn của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.

Do đó, khi dự án chưa đầy đủ về mặt pháp lý, chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực thì EVN chỉ ghi nhận sản lượng mà không thể thanh toán tiền cho Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, vì EVN là doanh nghiệp Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật nên không thể tự mình quyết định.

Đối với việc truyền tải điện cho các nhà máy điện khác trong khu vực, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam có quyền thu phí truyền tải của đối tác để thực hiện bảo trì, bảo dưỡng. Khi tài sản thuộc công ty quản lý vận hành thì đơn vị phải chịu trách nhiệm, EVN không thể can thiệp.

Sau khi nhận được đơn kêu cứu của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Công thương xem xét, xử lý kiến nghị của Trung Nam và báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/5/2024.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công thương tăng cường kiểm tra, giám sát vận hành hệ thống điện quốc gia, kịp thời chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh; tuyệt đối không để xảy ra sự cố hệ thống lưới điện truyền tải quốc gia do các nguyên nhân chủ quan làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Hậu Lộc
Phiên bản di động