Gia tăng số lượng người bị rết cắn
Có thể kể đến trường hợp người bệnh T (65 tuổi, trú tại thị trấn Thanh Sơn, Phú Thọ) bị rết chui vào trong ủng cắn khi đang làm vườn.
Hay như người bệnh D (78 tuổi, trú tại xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) khi đang ở trong nhà thu dọn đồ đạc ở góc nhà thì một con rết bất ngờ xuất hiện trong đống đồ và cắn vào tay.
Tất cả người bệnh này hầu như nhập viện trong tình trạng vết cắn đau nhức, sưng nề, kèm đau đầu buồn nôn. Các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc đã xử trí vết cắn và điều trị theo đúng phác đồ. Sau 1 đến 2 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh đều ổn định và đã có thể xuất viện.
Bác sĩ khám cho nữ bệnh nhân bị rết cắn (Ảnh: Bệnh viện cung cấp) |
BSCKI. Mai Giang Nam, Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết: Rết là loài vật khá hung dữ và dễ tấn công con người khi chúng ta vô tình chạm phải.
Nếu không may bị rết cắn nhẹ thì có thể gây dị ứng da, sưng, nóng, đỏ đau tại vết đốt. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp có tiền sử dị ứng với côn trùng đốt thì có thể gây ra chóng mặt, ù tai, sốt và số ít có thể có tình trạng sốc phản vệ.
Tuy nhiên, khi bị rết cắn nói riêng và côn trùng đốt nói chung, nhiều người chưa biết cách hoặc có những cách xử trí chưa đúng, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bác sĩ Nam khuyến cáo, nếu bị côn trùng cắn việc đầu tiên và đơn giản nhất cần làm là rửa sạch vết thương, vết cắn dưới vòi nước chảy. Có thể rửa với xà phòng và rửa lại bằng nước sạch. Sau đó có thể chườm lạnh tại chỗ giúp giảm đau và giảm sưng.
Nếu vết cắn lớn và có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, cần khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để có các biện pháp can thiệp kịp thời.
Tuyệt đối không nên xoa bóp xung quanh vết thương để tránh làm chất độc phát tán nhanh. Không đắp hoặc bôi bất cứ loại thuốc gì khi không có hướng dẫn của bác sĩ để tránh nguy hại đến sức khỏe.