Trình Quốc hội sửa hơn 7.800 văn bản để thực hiện tinh gọn bộ máy

Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo quyết định của cấp có thẩm quyền có tác động trực tiếp, sâu rộng đến toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật (ở cấp Trung ương là 5.026 văn bản, ở địa phương là 2.828 văn bản).
Chủ tịch Quốc hội: Chung sức, đồng lòng thực hiện tinh gọn bộ máy Chính phủ điều chỉnh chức năng của Bộ Công an sau sắp xếp bộ máy

Tại phiên họp thứ 42, Ủy ban Thuờng vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.

Trình bày tờ trình tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo quyết định của cấp có thẩm quyền có tác động trực tiếp, sâu rộng đến toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật.

Theo đó, ở cấp Trung ương là 5.026 văn bản, với số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật cần xử lý ngay bao gồm các luật, bộ luật, nghị quyết của Quốc hội; ở địa phương là 2.828 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện ban hành.

Theo ông Ninh, với số lượng rất lớn các văn bản nêu trên cần xem xét, xử lý trong thời gian ngắn, cấp bách như hiện nay thì việc đặt ra yêu cầu sửa đổi từng văn bản trong hệ thống là nhiệm vụ “bất khả thi” và có nguy cơ dẫn đến khoảng trống pháp lý khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Do vậy, để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo quyết định của cấp có thẩm quyền, cũng như hoạt động của bộ máy được liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh thì việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội là phù hợp với bối cảnh, yêu cầu cấp bách, cần thiết của thực tiễn hiện nay.

Trình Quốc hội sửa hơn 7.800 văn bản để thực hiện tinh gọn bộ máy
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, mục đích ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương theo tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, qua đó xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, tránh khoảng trống pháp luật; bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của nhà nước và toàn xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.

Quan điểm xây dựng Nghị quyết là bám sát định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, các chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm, Ban Chỉ đạo của Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ.

Đồng thời việc đề xuất các quy định tại Nghị quyết phải rõ ràng, cụ thể, kịp thời xử lý được các yêu cầu cấp bách, một số vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước trong điều kiện chưa sửa đổi, bổ sung ngay được tổng thể các văn bản.

Thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết trình Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.

Trình Quốc hội sửa hơn 7.800 văn bản để thực hiện tinh gọn bộ máy
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc xác định phạm vi điều chỉnh là tất cả cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Nhà nước như tại dự thảo Nghị quyết nhưng đề nghị quy định cụ thể hơn các trường hợp sắp xếp tổ chức bộ máy được áp dụng Nghị quyết để thuận tiện cho việc tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, khi thực hiện sắp xếp bộ máy thì số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể sẽ cao hơn so với quy định hiện hành tại các luật, nghị quyết, nghị định.

Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định về việc cho phép số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi sắp xếp tổ chức bộ máy có thể nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định hiện hành để tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí, sắp xếp và đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, tổ chức.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ và khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước nhằm thể chế hóa để kịp thời thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước được thông suốt, liên tục, bảo đảm tính kế thừa, bao quát, không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ.

Trình Quốc hội sửa hơn 7.800 văn bản để thực hiện tinh gọn bộ máy
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung phiên họp.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau thời gian làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sáng kiến, đề xuất của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 để tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục của bộ máy Nhà nước và đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như đảm bảo chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, khắc phục khoảng trống pháp luật.

Trên cơ sở thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, tán thành nội dung Chính phủ trình và ý kiến bổ sung của Thường trực Ủy ban Pháp luật là quy định cụ thể các trường hợp sắp xếp tổ chức bộ máy được áp dụng Nghị quyết để thuận tiện cho việc tổ chức thực hiện.

Đối với việc cho phép số lượng cấp phó cao hơn quy định hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu thể hiện khái quát nội dung này trong dự thảo Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát để đảm bảo các câu, từ không trái với Hiến pháp cũng như đảm bảo tính đồng bộ với Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết này trong thời gian sớm nhất.

Hậu Lộc
Phiên bản di động